Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Vô tri' - Sự vỡ mộng của một cuộc trở về

"Vô tri" là tác phẩm viết về một cuộc hồi hương tủi nhục, cay đắng, và thất lạc. Con người thất lạc quê hương ngay trong cuộc hồi hương của mình.

Đọc Vô tri, dễ dàng nhận thấy, Milan Kundera vẫn đày đọa bản thân như thế, rồi nhấn chìm bản thân trong cái vực thẳm cay nghiệt, độc mộc cô liêu tự mình ấy. Kun nhìn thẳng vào quá khứ, dùng quá khứ để đối thoại với thực tại, vạch trần thực tại, và đau khổ cho thực tại.

Trong giấc hoài nhớ xa xăm đến khốn cùng của một kẻ tha hương, để rồi cái giấc mơ trở về ấy thực ra chỉ là sự huyễn hoặc của tâm trí. Cuộc trở về vĩ đại, được nhắc đi nhắc lại trong cuộc đối thoại của Irena và Sylvie, thực chất chỉ là một ảo tưởng, là khởi nguồn của sự vỡ mộng.

tieu thuyet Vo tri anh 1
Tác phẩmVô tricủa Milan Kundera.

Irena trở về sau hai mươi năm sống trên đất Pháp. Cô run rẩy bước về phía thành phố quê hương, nơi ký ức đã để lại một lỗ hổng suốt hai mươi năm của tuổi trưởng thành, cái tuổi ghi nhớ, trải nghiệm nhiều nhất. Và từ ấy, cô gặp lại những người bạn, đã không theo dõi cuộc đời nhau suốt hai mươi năm qua. Cô ở đó, giữa quê nhà mình, giữa giấc mộng hoài niệm của mình, trần trụi, cô độc và hoàn toàn lạc điệu. Cô sợ hãi hiện tại, trên chính thành phố quê hương, với chính những người đã từng thân thiết.

Chính cái chán ngán ấy đã đẩy cô đến với một niềm hoan lạc khác. Niềm hoan lạc của thân xác. Và cô lạnh tanh khi biết chồng sắp cưới của mình ngủ với mẹ mình ngay tại căn nhà ấu thơ của cô. Thế mà, cô lại không thù ghét Gustaf, cũng không oán hận mẹ mình. Hiện tại lúc này đối vơi cô vô vàn mơ hồ, không định hướng. Cô không có cách nào để bắt nối với những điều đang hiện diện trong chính cuộc đời mình. "Nếu không biết hiện tại đang dẫn chúng ta đi đến tương lai nào, thì làm sao chúng ta có thể nói rằng cái hiện tại ấy là tốt hay xấu, xứng đáng với sự đồng tình của chúng ta, sự nghi ngờ hay thù ghét của chúng ta?"

Irena hay Josef, dù sự trở về của họ bắt nguồn từ mục đích gì, thì sau đó họ cũng trở thành những vị khách trên quê hương mình, tức là chẳng thể gắn kết điều gì, chỉ có thể loanh quanh ngắm nhìn mà thôi.

tieu thuyet Vo tri anh 2
Nhà văn Milan Kundera. Ảnh: The Guardian

Kun viết Vô tri để làm gì nếu không phải để bày tỏ cái tâm tư băn khoăn đầy xoay sở, cái mâu thuẫn tràn trề của trái tim. Trở về, là thực trở về hay chỉ là cố đầy đọa đeo đẳng ký ức xa xôi. Và dứt bỏ, làm sao dứt bỏ được cái gốc gác ràng buộc ấy. Rốt cuộc với những người tha hương đâu là nơi họ thuộc về, khi tâm trí ở đây, thân xác lại ở nơi kia. Khi những mâu thuẫn dùng dằng vẫn chế ngự tất cả. Kun đã sống ra sao trong suốt những năm tha hương trên đất Pháp. Dù ông được bạn bè văn chương, được độc giả yêu mến và đón nhận, thì mặc cảm của ông, có khác nào Irena hay Josef?

Kun viết Vô tri cay nghiệt quá. Để cho những nhân vật của mình khốn khổ quá, đọa đày những con người lưu vong đến cùng quẫn, trong ê chề tuyệt vọng, đau đớn. Người đọc sách của Kun, lúc buông sách ra thì thở dài lặng im, sao Kun viết nghiệt ngã thế, sao cứ đẩy nhân vật vào những đau đớn đột ngột, và không thể cho họ một lối thoát nào.

Lối viết của Kun ở Vô tri, mạch lạc, rõ ràng, vẫn sắc nhọn, cay đắng, vẫn thấm đẫm những luận đề, lý giải, những giễu nhại, cười cượt. Ấy là cái vùng riêng của Kun, do Kun tạo dựng nên, khiến tiểu thuyết của Kun luôn thực tế, sắc sảo, nhưng cũng vô cùng mơ hồ, huyễn ảo, đan dệt đầy tầng lớp.

Đọc Kun, dễ dàng nhận ra rằng, những người phụ nữ trong các tác phẩm của ông như Tezera trong Đời nhẹ khôn kham, hay Ruzena trong Điệu valse giã từ, Irena trong Vô tri đều là những nhân vật có số phận buồn bã, đau khổ, thậm chí có phần nghiệt ngã.

Vô tri là một tiểu thuyết ngắn, nhưng không hề dễ đọc, bởi nó chứa đựng dòng chảy xúc cảm đầy đặn, được triển khai bằng những lý luận đầy tính triết học, nhưng nếu ai đã từng được tiếp xúc với Kundera có lẽ sẽ vô cùng ấn tượng với Kun, bởi với tác phẩm này, ông đã bộc bạch bản thân mình nhiều nhất, thông qua những hình tượng nhân vật điển hình, sắc sảo và sống động.

Không chỉ là một nhà tiểu thuyết tài ba, Kundera còn được biết đến là một người viết tiểu luận vô cùng thông minh và sắc sảo, với những tiểu luận như Nghệ thuật tiểu thuyết, Màn, Một cuộc gặp gỡ...

Dù năm nay đã bước vào tuổi 86 và luôn bị bệnh tật hành hạ, nhưng Kun vẫn say mê làm việc, và gần đây nhất đã xuất bản cuốn tiểu thuyết Lễ hội của Vô nghĩa, mười bốn năm sau khi Vô tri ra đời.


Phong Linh

Bạn có thể quan tâm