Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC), công ty mẹ của tập đoàn MiG, tạo ra phiên bản xuất khẩu cho máy bay chiến đấu MiG-35 với buồng lái mới, Tổng giám đốc UAC Yuri Slyusar cho biết trong một cuộc phỏng vấn, Sputnik đưa tin.
“Chúng tôi đang nói về việc tạo phiên bản xuất khẩu của MiG-35 với cabin mới. Một số đối tác nước ngoài của chúng tôi rất quan tâm tới MiG-35, chúng tôi đang đàm phán”, ông Slyusar nói.
Ngoài buồng lái mới, MiG-35 còn được trang bị động cơ nâng cấp, có khả năng tiếp nhiên liệu trên không và có thể tiếp nhiên liệu cho máy bay khác trong tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, phiên bản một chỗ và 2 chỗ ngồi được thiết kế trên một khung máy bay thống nhất.
MiG-35 đang gặp khó khăn trong việc tìm khách hàng. Ảnh: Reuters. |
MiG-35 có thể mang nhiều loại tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung và tầm xa, tên lửa không đối đất, bom thông minh và bom rơi tự do với trọng lượng từ 100-500 kg.
MiG-35 có thể thực hiện một loạt các nhiệm vụ, từ tuần tra trên không, trinh sát, tấn công mục tiêu trên mặt đất, trên biển bằng vũ khí tầm xa mà không cần phải tiến vào khu vực phòng không của đối phương.
Phiên bản xuất khẩu của MiG-35 có chút thay đổi so với phiên bản thông thường về khung máy bay và hệ thống điện tử hàng không. Gói nâng cấp này sẽ được trang bị radar quét mảng pha chủ động (AFAR) có thể theo dõi đồng thời 30 mục tiêu.
MiG-35 là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4++ được phát triển từ tiêm kích MiG-29. Sản phẩm này được kỳ vọng sẽ giúp tập đoàn máy bay MiG lấy lại vị thế và cạnh tranh với Sukhoi trong việc trở thành nhà cung cấp máy bay hàng đầu cho không quân Nga.
Dù được kỳ vọng rất nhiều, nhưng số phận của MiG-35 lại rất hẩm hiu. Sau khi thất bại trong cuộc đấu thầu MMRCA của Ấn Độ, MiG-35 gần như lâm vào bế tắc. Không quân Nga dường như không mặn mà với sản phẩm “con cưng” của MiG.
Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần trì hoãn việc đặt mua MiG-35. Tập đoàn MiG nhiều lần lên tiếng nhắc khéo Bộ Quốc phòng Nga về việc mua MiG-35. Bộ Quốc phòng Nga sau đó miễn cưỡng đặt mua 37 chiếc, rồi giảm xuống còn 24 chiếc.
Vì không được Không quân Nga ưa thích, nên MiG-35 cũng rất khó khăn trong việc tìm đường xuất khẩu. Trong thời gian tới, nếu không tìm được khách hàng, MiG-35 có thể đối mặt với nguy cơ đóng cửa dây chuyền sản xuất.