Hành trình lận đận của ứng viên thay MiG-21
Là "hậu duệ" của Mig-29 vang bóng một thời, song MiG-35 vẫn phải chật vật tìm chỗ đứng của mình ngay tại nơi sản xuất ra nó.
Những năm Chiến tranh Lạnh, MiG-29 có thể nói là “ông hoàng” của bầu trời, vượt trội so với các tiêm kích cùng thời như F-16, F-15, F-18 của Mỹ. Khi đó, MiG-29 được xem là biểu tượng sức mạnh của Không quân Liên Xô.
Tuy nhiên, sau khi Liên Xô sụp đổ, số phận MiG-29 bị “tuột dốc không phanh”, nhanh chóng rớt hạng và tỏ ra lạc hậu so với các biến thể nâng cấp như F-16C/D, F-15E, F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ. Ngay ở nước Nga, MiG-29 cũng trở nên yếu thế so với Su-30 và gần đây nhất là Su-35.
MiG-35 được đánh giá là tiêm kích thế hệ 4+ hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay. |
Là tập đoàn chế tạo máy bay thuộc hàng “lão làng” không chỉ của nước Nga mà của cả thế giới, Mikoyan chắc chắn không muốn bỏ cuộc một cách dễ dàng. Nhằm khẳng định tên tuổi, Mikoyan cho ra đời biến thể MiG-35 với nhiều hoài bão và hy vọng.
MiG-35 được trang bị những công nghệ hiện đại nhất mà Nga đang có, một nỗ lực lớn nhằm hồi sinh hình ảnh của dòng máy bay MiG.
Cấu trúc khung và cánh máy bay của MiG-35 được chế tạo bằng sợi cacbon và gia cố thêm bằng vật liệu composite. Diện tích phản hồi radar vì thế cũng giảm đi rất nhiều. Cùng với đó là độ bộc lộ hồng ngoại thấp, do đó, MiG-35 có khả năng thực hiện các nhiệm vụ bí mật.
Buồng lái MiG-35 thuộc kiểu “nhà kính” (buồng lái sử dụng các màn hình kỹ thuật số, tinh thể lỏng thay thế cho đồng số cơ khí) hiện đại. Cụ thể, buồng lái MiG-35 được trang bị 3 màn hình LCD kích thước 152.4x203.2 mm, trang bị thanh điều khiển HOSTA, bản đồ kỹ thuật số, mũ bảo hiểm tích hợp, hệ thống fly-by-wire (điều khiển chuyển động của máy bay bằng tín hiệu điện) hiện đại...
MiG-35 được trang bị radar quét mạng pha điện tử chủ động, radar AESA Zhuk-AE. Đây là chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được trang bị loại radar này. Zkuk-AE cung cấp khả năng giám sát không đối không, không đối đất và không đối hải cùng lúc. Radar hoạt động ở băng tần X, có khả năng phát hiện máy bay ở cự ly 160 km, lên đến 300 km với các vật thể có kích cỡ tương đương tàu khu trục.
Radar Zhuk-AE được hỗ trợ bởi trạm định vị quang điện tử OLS, hoạt động như đôi mắt của con người (thu nhận hình ảnh và đưa ra phân tích), có khả năng phát hiện máy bay tàng hình nhờ vào cảm biến hồng ngoại và hình ảnh mạnh mẽ.
Mikoyan đã mất hơn 20 năm để tìm chỗ đứng cho hậu duệ của tiêm kích vang bóng một thời MiG-29. |
Theo nhà sản xuất, OLS có khả năng phát hiện ra một chiếc xe tăng ở cự ly 20 km và 40 km đối với mục tiêu cỡ tàu thuyền. Hệ thống này tương thích với hệ thống chỉ thị mục tiêu tích hợp trên mũ bay, cho phép phi công lái MiG-35 tung ra những đòn tấn công bất ngờ khiến đối phương không kịp trở tay. Các hệ thống điện tử hiện đại trên cho phép MiG-35 tham chiến với 20 mục tiêu cùng lúc.
MiG-35 được trang bị hai động cơ RD-33MK kiểm soát vector lực đẩy với khả năng phụt chỉnh hướng, miệng xả của động cơ có khả năng di chuyển lên xuống 15 độ theo chiều dọc và 8 độ theo chiều ngang. Nhờ vậy, MiG-35 có khả năng cơ động cao, đặc biệt trước các tình huống rẽ đột ngột trong không chiến tầm gần.
Động cơ RD-33MK cung cấp lực đẩy thô 88,26kN/chiếc, gần như không tỏa khói, có hệ thống che chắn hồng ngoại và quang học hiện đại, cung cấp cho MiG-35 khả năng đạt tốc độ tối đa 2.750 km/giờ, tầm hoạt động trên 2.000 km, 3.000 km với thùng nhiên liệu phụ.
Ngoài hệ thống điện tử hàng không hiện đại, một trong những điểm mạnh của MiG-35 mà các tiêm kích dòng Sukhoi không có được là tốc độ lên cao cực nhanh. MiG-35 có tốc độ lên cao tới 330 m/s trong khi đó khả năng này của Su-35 là 285m/s, Su-30MK2 là 305 m/s, F/A-18 E/F Super Hornet 228 m/s, F-15E 254 m/s.
Số phận hẩm hiu
Công việc phát triển MiG-35 được triển khai từ rất sớm vào những năm 1980, các kỹ sư của Mikoyan đã phát triển MiG-35 dựa trên MiG-29M2. Công tác phát triển được hoàn thành vào cuối những năm 1990, tuy nhiên, ngay khi công tác phát triển MiG-35 được hoàn thành thì khó khăn về kinh phí dồn dập đến với Mikoyan.
Dù rất hiện đại nhưng MiG-35 vẫn không thể tự quyết định tương lai cho chính mình,nếu không có đơn hàng mới MiG-35 gần như không còn cơ hội tung cánh trên bầu trời. |
Bên cạnh đó vào năm 1997, các quan chức quân đội Nga đã quyết định dẹp bỏ chương trình máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ mới MFI do Mikoyan phụ trách. MiG-35 chính là sản phẩm của chương trình này, kinh phí cho chương trình cũng vì thế mà bị cắt đứt.
Mặc dù bị các quan chức quân đội Nga loại bỏ nhưng Mikoyan vẫn tiếp tục hoàn thiện MiG-35 với hy vọng sớm trở lại thời hoàng kim như MiG-29 trước đây.
Tại Aero India được tổ chức tại Ấn Độ vào năm 2007, MiG-35 lần đầu tiên phô diễn sức mạnh trước công chúng và được đánh giá là một trong những chiếc tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu thế giới.
Ngay lập tức MiG-35 được chọn làm ứng viên cho chương trình đấu thầu 126 máy bay chiến đấu đa chức năng MMRCA của Ấn Độ. Cơ hội lớn đã đến với MiG-35 và Mikoyan. Tuy nhiên, MiG-35 nhanh chóng bị loại khỏi vòng chung kết, việc bị loại khỏi Ấn Độ gần như đẩy MiG-35 vào bước đường cùng.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga chưa công bố một cách rõ ràng về ý định của mình đối với MiG-35. Mặc dù bộ này từng tuyên bố không từ bỏ chương trình MiG-35 nhưng lại tập trung đầu tư cho chương trình PAK F/A T-50 và ưu tiên sản xuất cho Su-35.
Hiện tại, Mikoyan đang sản xuất cầm chừng đơn hàng tiêm kích trên hạm MiG-29K cho Ấn Độ và Hải quân Nga. Công việc sản xuất dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, sau thời hạn này, nếu không nhận được đơn hàng mới, số phận của nhà chế tạo máy bay lừng danh này không biết sẽ đi đâu về đâu.
MiG-35 đang cần đơn hàng xuất khẩu để duy trì chương trình, với những tính năng đã được nhà sản xuất giới thiệu MiG-35 hoàn toàn là một ứng viên xuất sắc để thay thế MiG-21 của Không quân Việt Nam.
quốc việt
Theo Infonet