Theo South China Morning Post, các bệnh viện và trường học ở miền Bắc của Trung Quốc đang hứng chịu tình trạng thiếu hụt khí đốt trầm trọng vì nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu trong khi nhiệt độ đang ngày càng giảm.
Trước đó, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí do người dân đốt than vào mùa đông để sưởi ấm, chính phủ Trung Quốc khuyến khích các hộ dân chuyển sang sử dụng khí đốt sạch. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém khiến nhiều gia đình chưa thể tiếp cận đầy đủ với nguồn khí đốt.
Ô nhiễm môi trường vào mùa đông luôn là bài toán với chính phủ Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Một bệnh viện ở Hà Bắc đã lên tiếng than phiền khi nhà cung cấp khí đốt chỉ cho phép tiêu thụ khoảng 2.700 m3 mỗi ngày, trong khi nhu cầu thực tế là 20.000 m3.
"Khi đặt ra mức giới hạn về khí đốt sưởi ấm, chúng tôi không thể triển khai phẫu thuật theo kế hoạch, sinh mạng của bệnh nhân và trẻ sơ sinh cũng không được đảm bảo", bệnh viện này viết trong một bức thư gửi đến chính phủ.
Nhà cung cấp khí sau đó đã đồng ý bán lượng khí theo đúng nhu cầu của bệnh viện này. Nhiều trường học ở Thiểm Tây cũng cho biết các học sinh không được giữ ấm do lò sưởi bằng than đã bị cấm sử dụng.
Chuyên gia về khí tự nhiên đại Đại học Oxford, ông Johnathan Stern, cho biết Trung Quốc chưa phát triển cơ sở hạ tầng tương thích với các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.
"Khí đốt ở Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Cần thêm thời gian để xây dựng nơi chứa và đường ống dẫn nhằm giúp người dân vượt qua mùa đông", ông nhận định.
Nhu cầu khí đốt tăng cao khiến giá của khí hỏa lỏng ở Trung Quốc tăng đột biến. Hồi giữa tháng 11, giá 1 tấn khí hóa lỏng là khoảng 450 USD. Hiện tại, con số này đang ở mức hơn 900 USD.