Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Miền Bắc đầu thế kỷ 20 qua mắt cô gái Pháp

Hilda Arnhold như một người Việt Nam thực thụ, cảm nhận tinh tế, tiến bộ về cảnh vật, con người và phong tục nước ta đầu thế kỷ 20 trong tác phẩm "Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng".

Sách Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng được viết và xuất bản đầu thế kỷ 20. Tác giả là Hilda Arnhold, một cô gái Pháp đã sống, chứng kiến và cảm nhận đầy tinh tế, với cái nhìn rộng mở về mảnh đất phương Đông. Những dòng thông tin càng trở nên gần gũi, sống động hơn qua phần minh họa tranh của họa sĩ tài danh Mạnh Quỳnh.

Bac Ky dau the ky 20 qua mat co gai Phap anh 1

Sách Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng của Hilda Arnhold. Ảnh: Đình Ba.

Ấn tượng với... muỗi

Ghi chép về mảnh đất Việt Nam đầu thế kỷ 20, Hilda Arnhold hướng cảm nhận trước nhất của mình đối với cảnh vật nơi đây. Miêu tả của cô làm nổi bật những đặc trưng riêng có của xứ sở phương Đông qua thời tiết bốn mùa, cảnh đồng quê quen thuộc của những con đê, dòng sông, ruộng lúa.

Ghi dấu đậm nét có lẽ là cảnh ngập lụt thường thấy hàng năm ở Bắc Kỳ gây ngỡ ngàng cho những người phương Tây khi mà ở Hà Nội "chỉ trong mấy phút cống rãnh đã biến thành suối chảy xiết và dưới tất cả mái che, người qua đường đã ướt hết tìm cách trú ẩn".

Với cô gái đến từ đất nước hình lục lăng, xứ sở ôn đới, ấn tượng để lại trong cảm nhận của Hilda Arnhold rất cụ thể về đất nước miền nhiệt đới Việt Nam. Trong đó có nhiều chi tiết thú vị về "những con muỗi", "những cuộc du hành đẹp nhất" và "những giấc mơ".

Riêng với vấn đề muỗi, khi đọc Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng, độc giả không chỉ sống lại ký ức một thời xa xưa, mà có thể bắt gặp ngay cảnh ấy ở những miệt đất heo hút miền Tây Nam Bộ hiện nay. Hilda Arnhold hẳn đã rất ám ảnh với những sinh vật có cánh bé tí này, nên có những đặc tả chân thực và kỹ lưỡng.

Muỗi không chỉ vo ve phá giấc ngủ, hút máu người, loài côn trùng này còn gây bao khó khăn trong phương cách phòng chống nó. Không chỉ đơn thuần ở việc mắc màn, riêng việc chọn các loại hương vòng chống muỗi đã là một cuộc đấu tranh thương hiệu để tìm ra loại tốt nhất.

Những nhãn hiệu hương "Con Voi", "Con Dơi", "Sư Tử"... có những thông tin quảng cáo hấp dẫn, nhưng không dễ gì đạt hiệu quả tối ưu như quảng cáo, bởi thay vì đốt được trong 7, 8 tiếng thì khoảng 4 giờ đồng hồ đã tàn hương và lúc đó, nạn nhân trong giấc ngủ mơ màng, phải chống chọi với những chiếc máy bay bé tí kia.

Trong thiên bút ký về Bắc Kỳ cách nay gần một thế kỷ, tác giả còn có những đặc tả thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về mảnh đất Hà Nội nghìn năm văn vật với những địa danh cụ thể như Yên Sở, Hồ Tây...

Dịch giả Đặng Anh Đào đã phải thốt lên ngạc nhiên xen lẫn sự thán phục về Hilda Arnhold: "Tôi thầm cảm phục tình cảm mà tác giả đã dành cho Hà Nội, bởi phải yêu nó đến thế nào, hiểu nó đến thế nào thì mới có thể mô tả nó cụ thể và giàu cảm thông đến thế: tiếng động trong đêm, tiếng muỗi vo ve, tiếng guốc khua dưới phố, tiếng chuông xe đạp leng keng, tiếng rao hàng của những gánh hàng rong vào các thời điểm khác nhau trong ngày, cảnh náo động trong những dịp lễ tết và những hành trình tới các chùa chiền ven Hà Nội".

Bac Ky dau the ky 20 qua mat co gai Phap anh 2

Tranh minh họa của họa sĩ Mạnh Quỳnh cho bài "Câu chuyện về hạt gạo" trong sách Bắc Kỳ phong cảnh và ấn tượng. Ảnh: Đình Ba.

Ẩm thực An Nam tinh tế

Ngay cả đời sống, phong tục của đất Việt cũng được góc nhìn của Hilda Arnhold phát hiện ra những đặc trưng cố hữu. Chỉ riêng ẩm thực, tác giả phát hiện món nước vối là thứ nước uống quen thuộc, thuốc lào là thứ thuốc hút của lớp bình dân thị thành. Còn món cà phê tí tách từng giọt, cũng đã trở nên phổ biến, thậm chí là xuất hiện trong những quán ăn nhỏ.

Sự du nhập món Pháp vào ẩm thực Việt cũng được Hilda Arnhold lưu ý. Nếu như từ nghìn đời nay, hạt gạo nấu thành cơm, đồ thành xôi là loại lương thực truyền thống của dân Nam, thì đầu thế kỷ 20, món Pháp đã có ở đất này với đủ loại, được Hội chợ lần đầu tiên ở Hà Nội năm 1920 quảng cáo theo kiểu liệt kê chi tiết như thế này:

"Thủ lợn rừng hầm với hạt dẻ cười

Thịt công nấu đông

Bánh patêsô nhỏ kiểu Cussy

Cá sói vịnh Hạ Long kiểu mới

Phi lê bò kiểu Talleyrand

Pa-tê gan ngỗng kiểu Châtelaine

Xúp đậu Hà Lan..."

Cảm nhận về ẩm thực của đất nước miền nhiệt đới, Hilda Arnhold dành sự trân trọng khi nhận xét: "Ẩm thực An Nam không những không tầm thường chút nào, mà nó còn bao gồm một số món ăn cực kỳ tinh tế, chưa kể lợi thế nghiêm chỉnh về mức độ tiện dụng".

Bước sang lĩnh vực phong tục tập quán của người Nam, Hilda Arnhold như một người An Nam thực thụ khi cảm nhận về Tết, lễ hội của người Việt. Cảnh xin chữ, cho chữ ngày Tết, các loại bánh Tết như bánh khảo, bánh đậu xanh, bánh khảo hay ngũ quả trưng bày đều được tác giả điểm qua.

Sắc hoa đào thì "phố sông Tô Lịch là một vườn hoa đào: những cây hoa nhỏ được trồng đặc biệt trên những cánh đồng vùng ven hồ Tây và không có chúng thì ngày Tết sẽ không vui mấy".

Vẫn trong không khí Tết Nguyên đán, món bánh chưng với lá dong gói ngoài, với gạo nếp, đỗ xanh và thịt lợn được Hilda Arnhold lột tả để độc giả hiểu về loại bánh truyền thống của người Việt trong ngày đầu năm mới. Những nghi lễ cúng, cây nêu trừ tà hay bữa ăn ngày Tết... cũng được miêu tả chi tiết kèm kết luận về ý nghĩa những ngày thiêng liêng này: "Niềm tin vào cuộc đời luôn được đổi mới mà đôi khi họ rất cần trong một đời sống thường khó khăn và bấp bênh".

Giải mật bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam

Những chính sách mang danh khai hóa, "Pháp - Việt đề huề"... thực chất là hành động nhằm che đậy bản chất bóc lột của thực dân.

Đình Ba

Bạn có thể quan tâm