Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Giải mật bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam

Những chính sách mang danh khai hóa, "Pháp - Việt đề huề"... thực chất là hành động nhằm che đậy bản chất bóc lột của thực dân.

Giai mat thuc chat cua chu nghia thuc dan Phap o Viet Nam anh 1

Cuốn sách Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: Thực chất và huyền thoại là tác phẩm nghiên cứu nhằm làm rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp trên lĩnh vực chính trị và văn hóa ở Việt Nam.

Sách giới hạn mốc thời gian kể từ khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp vang lên ở Đà Nẵng năm 1858 cho đến thời điểm 1954. Nhưng dễ nhận thấy nghiên cứu này tập trung vào giai đoạn 1930-1945.

Qua tác phẩm với những kiến giải, luận chứng xác thực, tác giả đã "vén màn" bản chất của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam.

Đồng thời sách cũng điểm qua những phong trào đấu tranh chống "thực chất và huyền thoại" đó đã diễn ra trong lịch sử.

Giai mat thuc chat cua chu nghia thuc dan Phap o Viet Nam anh 2

Tác phẩm Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: Thực chất và huyền thoại (Văn hóa và Chính trị) trở lại với diện mạo mới do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành. Ảnh: Trần Đình Ba.


Chính sách thực dân che đậy bản chất bóc lột

Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam đã phơi bày bộ mặt thật của nó như thế nào cả về huyền thoại (lý thuyết) cho đến thực chất đã diễn ra? Điều đó được thể hiện ngay trong chính lời người Pháp.

Trong hành động để ngụy biện cho chế độ thực dân, chính quyền thuộc địa, bảo hộ dù che đậy bằng mọi phương thức, nhưng không thể giấu giếm bản chất xâm lược, bóc lột và đàn áp của mình.

Tay thực dân Lyautey trong Thư từ xứ Bắc Kỳ và Madagascar gửi bạn bè ở Pháp nhận định: “Khi chiếm một ổ giặc, phải nghĩ tới ngay cái chợ người ta sẽ thiết lập hôm sau; nghĩ như thế thì người ta sẽ đánh chiếm nó một cách khác... Một con đường không phải chỉ là một đường hành quân, xâm lăng, còn là con đường để đi lại buôn bán mai sau”.

Hay Albert Sarraut hai lần làm toàn quyền ở Đông Dương đã mị dân bằng "huyền thoại khai hóa" của thực dân Pháp với lý do "yêu chuộng cái phổ biến; chủ nghĩa nhân bản và ý thức thiện mỹ, tinh thần công chính của nó tạo thành những quan niệm vị tha tràn khỏi khuôn khổ quốc gia để gieo rắc cho toàn thể nhân loại một giấc mơ công bằng, liên đới, huynh đệ".

Và theo Sarraut, để thực hiện ơn huệ với quốc gia, dân tộc được khai hóa ấy, thực dân sẽ thiết lập an ninh trật tự, cứu tế xã hội, khai thác đất đai, hầm mỏ, mở mang học chính...

Có thời gian, thực dân Pháp để thích hợp với sự tiến bộ của người Việt Nam ngoài mong muốn của chúng, đã đề ra chiêu trò "Pháp Việt đề huề" hòng xoa dịu, đánh lạc hướng người Việt yêu nước, những mong lái họ xa rời mục tiêu đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Để vin được vào chủ thuyết "Pháp Việt đề huề", nhiều chiêu trò được thực hiện. Đó có thể là sự quy đổi, tìm điểm chung khi tuyên truyền văn hóa Pháp - Việt tương đồng, Đông Tây đã gặp nhau, truyền thống văn hóa của Việt Nam hiện tại là những truyền thống xưa kia của người Pháp để từ đó khẳng định "người An Nam là người Pháp ở Viễn Đông".

Những mỹ từ rất cao cả ấy thật ra là chiêu bài ru ngủ của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Những hành động thực tế của thực dân Pháp đã vạch trần bản chất của chính nó. Nhà báo người Pháp Andrée Viollis khi điều tra tình hình Đông Dương đã ghi lại trong cuốn Indochine S.O.S việc cho lưu hành, sử dụng công khai rượu cồn, thuốc phiện ở Việt Nam, trong đó có đoạn:

"Ở Pháp, có một tiệm hút hay một vài viên phiện là có thể bị bắt tù vì phạm tội làm suy đồi dòng giống Pháp. Nhưng ở đây, thuốc phiện bán công khai và mỗi năm làm lợi cho thương chính giữ độc quyền 15 triệu bạc. Một bạn đường người An Nam còn nói với tôi: Nước Pháp cũng kiểm soát cả rượu; thứ rượu nấu bậy bạ, pha nhiều chất độc để đầu độc chúng tôi”.

“Chúng ta đừng gian lận. Chẳng có lợi gì bôi nhọ sự thật. Thực dân, lúc ban đầu không phải là một hành động khai hóa văn minh. Nó chỉ là một hành động bạo lực, và bạo lực vị lợi”, Sarraut từng có lần thẳng thắn thú nhận.

Giai mat thuc chat cua chu nghia thuc dan Phap o Viet Nam anh 3

Nhiều tiệm hút thuốc phiện được mở ra ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Đấu tranh của người Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân Pháp

Phản kháng lại những lọc lừa "chót lưỡi đầu môi" về khai hóa, đề huề, thân thiện... các nhà cách mạng Việt Nam trải qua thời gian không ngừng đấu tranh để lột mặt nạ của thực dân Pháp với nhiều phương cách.

Ban đầu khi thực dân Pháp xâm lược và bình định, nhiều cuộc nổi dậy của thân hào, nghĩa sĩ, nông dân như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám... đều nhằm mục đích đánh đuổi quân Pháp để khôi phục lại nền quân chủ và xã hội cũ.

Đầu thế kỷ 20, cuộc vận động giải phóng dân tộc chuyển sang giai đoạn mới, vấn đề thay đổi chế độ được đặt ra với những hình thức đấu tranh khác nhau.

Hình thức hoạt động tranh đấu qua các hội, các đảng từ hội Duy Tân đến Việt Nam Quốc dân đảng nhưng đều nhận thất bại từ chính phương thức hoạt động nhiều sơ hở và thiếu vững chắc của nó trong nhân dân.

Hình thức vận động giáo dục văn hóa thuần túy như phong trào Đông du gửi du học sinh ra nước ngoài, phong trào Đông kinh Nghĩa thục "chủ trương giáo hóa dân chúng ngay ở trong nước để bước lên đường canh tân".

Giai mat thuc chat cua chu nghia thuc dan Phap o Viet Nam anh 4

Trường Đông kinh Nghĩa thục được Lương Văn Can lập ra tại nhà riêng ở Rue de la Soie (nay là phố Hàng Đào, Hà Nội) phát triển giáo dục yêu nước. Ảnh: Hanoilavie.

Hoạt động của Đông kinh Nghĩa thục xây dựng văn hóa mới, truyền bá tư tưởng tiến bộ, cách mạng, cổ vũ phong trào cải tạo đời sống xã hội được tác giả đưa ra nhận định rất riêng trên cơ sở phân tích, luận chứng khoa học và khẳng định: "Chính các vị lãnh đạo Đông kinh Nghĩa thục mới thật sự là bậc tiền bối, là ông tổ văn học cận đại của chúng ta".

Để đối chọi lại Đông kinh Nghĩa thục, người Pháp mở trường đại học, xuất bản tạp chí...

Ở giai đoạn phản đế và phản phong, sách cũng giới thiệu hoạt động của những tổ chức tiền thân như Tân Việt cách mạng đảng, Việt Nam cách mạng thanh niên... để rồi làm rõ vai trò, tầm quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ hoạt động tuyên truyền cho đến đường lối đấu tranh trong việc vạch trần bản chất chủ nghĩa thực dân Pháp.

Giáo sư Nguyễn Văn Trung sinh năm 1930 tại Hà Nam. Ông từng giảng dạy Triết học, Văn chương tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Là người chủ trương các tờ báo, tạp chí Đại học (Huế), Sống đạo, Hành trình, Đất nước (Sài Gòn) và cộng tác viết bài cho các tạp chí Sáng tạo, Bách khoa

Tác giả có nhiều công trình nghiên cứu ở các thể loại khác nhau, thể hiện được những kiến giải mới mẻ dưới góc nhìn triết học, văn học, sử học. Trong đó có những tác phẩm nổi bật như: Triết học tổng quát (1957); Đạo đức học (1957); Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (1962); Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam: Thực chất và huyền thoại (1963); Lược khảo văn học (1963 - 1968); Hành trình trí thức của Karl Marx (1969); Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (1975); Câu đố Việt Nam (1986); Trương Vĩnh Ký - Nhà văn hóa (1993); Hồ sơ về Lục châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới dựa vào tài liệu văn, sử bằng quốc ngữ ở miền Nam từ 1865-1930 (2015)... Mới đây, tác phẩm Lược khảo văn học gồm ba tập của ông do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành đã giành giải B Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba.

Những con đường ở TP.HCM qua ảnh xưa

Vẫn là những con đường của Sài Gòn xa xưa, qua dấu vết thời gian, thay đổi với những tên gọi khác nhau, đường Norodom, đường Charner... bao chứa trong nó một phần lịch sử.

Vua Minh Mạng vất vả cấm tệ nạn buôn bán, tàng trữ, nghiện thuốc phiện

Thời Minh Mạng, người Thanh đem thuốc phiện sang nước ta buôn bán. Luật pháp nhà nước nghiêm trị tội này. Vua tung quân truy bắt để ngăn cấm nhưng không thể triệt để dẹp hết được.

Dem Ha Noi nho hinh anh

Đêm Hà Nội nhớ

0

Bùi Sim Sim sinh tại Nghệ An, hiện sống ở Hà Nội, là tác giả khá quen thuộc của thơ ca đương đại Việt Nam. Chị từng đoạt giải ba cuộc thi thơ của báo "Người Hà Nội".

Hoa nang hinh anh

Hoa nắng

0

Trương Thị Bách Mỵ sinh năm 1983 ở Quảng Nam, hiện sống và làm việc tại Đà Nẵng. Chị đã xuất bản một tập thơ và có tác phẩm đăng trên nhiều báo chí văn nghệ.

Trần Đình Ba

Bạn có thể quan tâm