Tháng 11/2008, tức 3 tháng sau thành công vang dội tại Olympic Bắc Kinh, sự nghiệp đang lên của Michael Phelps vướng phải rắc rối lớn khi anh bị phát hiện hút một ống cần sa trong bữa tiệc ở Đại học South Carolina - nơi cô bạn gái Jordan Matthews của anh theo học vào thời điểm đó.
Bức hình tai tiếng của Phelps. |
Trước sức ép lớn từ truyền thông và người hâm mộ, "Siêu kình ngư" người Mỹ đã phải lên tiếng xin lỗi. Phelps thừa nhận việc sử dụng cần sa, nhưng chỉ do thoáng bốc đồng. Bên cạnh đó, anh cũng khẳng định sẽ không bao giờ lặp lại hành động này.
Bất chấp lời xin lỗi của Phelps, Liên đoàn Bơi lội Mỹ vẫn cấm anh tham dự mọi cuộc thi trong 3 tháng, đồng thời cắt toàn bộ lương và trợ cấp của anh trong thời gian này. Chưa dừng ở đó, VĐV sinh năm 1985 còn bị cắt nhiều hợp đồng quảng cáo dẫn đến thiệt hại hàng triệu USD.
"Tôi thật xấu hổ. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Tôi sẽ trưởng thành hơn sau sự cố này", Phelps phát biểu.
Ở Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Phelps giành 8 HCV, qua đó xô đổ kỷ lục 7 HCV tại một kỳ Olympic của huyền thoại đồng hương Mark Spitz.
Sau Phelps, đến lượt một kình ngư nổi tiếng khác dính đến chất cấm. Hôm 30/8, tờ Straitstimes cho biết Ủy ban Thể thao Singapore tiết lộ hai vận động viên bơi lội Joseph Schooling và Amanda Lim đã sử dụng cần sa trong khi thi đấu hồi tháng 5 tại Hà Nội. Kết luận này được Cục Ma túy Singapore (CNB) đưa ra sau quá trình điều tra và được chính cả hai tay bơi này thừa nhận.
Theo Luật Ma túy của Singapore, Schooling cũng có thể bị phạt tù và phạt tiền ngay cả khi sử dụng cần sa ngoài lãnh thổ. Mức phạt tù từ 1-10 năm, phạt tiền không quá 20.000 USD.