Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Metro Yên Viên - Ngọc Hồi đổi chủ 2 lần vẫn chưa thể thi công

Dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi khởi động bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, qua tay Bộ GTVT và hiện được bàn giao lại cho UBND Hà Nội.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ nêu nhiều khó khăn khiến các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM bị chậm tiến độ.

Trong đó, Bộ GTVT đã dừng bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi vì dự án này được điều chỉnh thành đường sắt đô thị và giao TP Hà Nội làm chủ đầu tư.

duong sat do thi anh 1

Ga Hà Nội sẽ được di dời khi triển khai dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án Yên Viên - Ngọc Hồi được phê duyệt năm 2004, ban đầu giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.

Năm 2007, Bộ GTVT tách dự án làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi và đoạn Gia Lâm - Giáp Bát với tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản hơn 13.970 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam là 5.480 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2017.

Năm 2014, 6 cán bộ đường sắt bị bắt vì tội nhận hối lộ của nhà thầu tư vấn JTC (Nhật Bản). Đến tháng 11/2014, dự án được chuyển lại cho Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án Đường sắt là đơn vị quản lý trực tiếp.

Sau nhiều năm, chủ đầu tư vẫn "dậm chân" ở khâu giải phóng mặt bằng và chuẩn bị thi công tổ hợp ga Ngọc Hồi. Đây là một "siêu nhà ga" có chức năng trung chuyển, tiếp nhận cả tàu đường sắt quốc gia lẫn đường sắt đô thị, đồng thời cũng là khu depot (chứa tàu) lớn nhất Việt Nam.

duong sat do thi anh 2

Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi.

Theo quy hoạch đường sắt quốc gia, tuyến đường sắt Bắc - Nam không đi xuyên qua nội thành Hà Nội. Đầu phía bắc dừng ở ga Yên Viên (huyện Gia Lâm), phía nam dừng ở ga Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì). Đoạn đường sắt Yên Viên - Ngọc Hồi đi xuyên qua nội đô sẽ được thiết kế như đường sắt đô thị.

Hiện nay, Bộ GTVT bàn giao hồ sơ dự án metro Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án sẽ được giao về cho Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội quản lý. Đơn vị này cũng đang chật vật với tiến độ ì ạch của tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Sau 18 năm từ ngày được phê duyệt, dự án vẫn chưa triển khai thi công các gói thầu hiện trường. Một loạt công việc quan trọng như xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi, xây cầu đường sắt qua sông Hồng, di dời ga Hà Nội, Giáp Bát... vẫn chưa được triển khai.

Theo định hướng của Chính phủ, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410 km. Theo đánh giá của Chính phủ, tất cả dự án đang chậm tiến độ so với kế hoạch.

Để thúc đẩy các dự án đường sắt đô thị, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, Chính phủ đã lập đoàn công tác kiểm tra hiện trường, tổ chức đánh giá tình hình triển khai, làm rõ tồn tại, nguyên nhân trong quá trình thực hiện và giao các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc.

Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thành tuyến metro Nhổn

UBND Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vào năm 2027, chậm 5 năm với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, tổng mức đầu tư tăng gần 2.000 tỷ đồng.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm