Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Metaverse sẽ thay đổi toàn bộ cách tổ chức, vận hành xã hội

Giả sử thực sự chúng ta sẽ có một tỷ du mục số vào năm 2035, và metaverse trở thành hiện thực, khi đó nó sẽ thay đổi toàn bộ cách thức tổ chức vận hành xã hội và con người.

Các chính phủ và tổ chức trên thế giới sẽ là người tạo ra và quản lý các bản sao số, nhưng đồng thời họ cũng sẽ có vai trò quan trọng trong metaverse. Metaverse sẽ đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách phải phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của họ khi bàn đến các công nghệ số.

Ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới, các quan chức chính phủ gặp khó khăn trong việc theo kịp tốc độ đổi mới của lĩnh vực kỹ thuật số. Nhìn chung, hiểu biết của họ trong các lĩnh vực mới của kỹ thuật số còn nhiều thiếu sót và sai lệch, dẫn đến những quy định và luật lệ được ban hành thường tốn rất nhiều thời gian trong khi lại không phù hợp, cũng như thường bóp nghẹt thay vì khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Kết quả là, khi các quy định mới được công bố thì thị trường đã thay đổi rất nhiều. Có khả năng điều này sẽ không thay đổi trong metaverse, và các nhà lập pháp hoặc là sẽ hiểu sai tiềm năng của metaverse, hoặc là chẳng hiểu gì về cách mà các công nghệ mới nổi đang hội tụ vào phiên bản tiếp theo của Internet.

Vấn đề này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong metaverse khi các ranh giới địa lý ngày càng xóa nhòa, khiến việc đề ra và thực thi các quy định cần thiết để có được một metaverse an toàn và toàn diện trở nên khó khăn hơn. Đây là một vấn đề lớn, vì metaverse sẽ cần phải có những quy định để ngăn chặn nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng, điều mà chúng ta sẽ khám phá trong Chương 8.

Hơn nữa, chính phủ rất có thể sẽ phải hoạt động trong một môi trường cạnh tranh, thay đổi nhanh chóng và không chắc chắn, nơi mà các công ty sẽ chú trọng vào tính hiệu quả và cắt giảm chi phí. Để có thể thu hút được các công ty này, chính phủ sẽ phải có một thái độ khác, cùng những hiểu biết đúng đắn về việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số.

Với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sắp tới sẽ được áp ở mức 15%, những chính phủ nào có thể tận dụng được công nghệ mới nhất, để đem lại những dịch vụ mới cho các công ty toàn cầu, chẳng hạn như Estonia với chương trình cư trú điện tử, sẽ có được lợi thế cạnh tranh trị giá hàng tỷ đô-la, đặc biệt là khi một tổ chức thuần metaverse, chỉ hoạt động bên trong vũ trụ ảo có thể được thành lập từ bất kỳ đâu trên khắp thế giới.

Buoc chan vao Metaverse anh 1

Việc di chuyển trong Metaverse được phác hoạ là không biên giới. Nguồn: BBC.

Những tổ chức như thế này sẽ đăng ký kinh doanh ở đâu? Khả năng cao là họ sẽ đăng ký ở những quốc gia đem lại cho họ nhiều lợi ích nhất, xét từ góc độ thuế hoặc góc độ chi phí hành chính. Chúng ta đã thấy điều này đang trở thành hiện thực, vì vào năm 2021, tiểu bang Wyoming của Mỹ đã thông qua luật cho phép việc thành lập các tổ chức tự trị phi tập trung (DAO). Do đó, trong những năm tới, chúng ta có thể sẽ thấy chính phủ ở nhiều nơi trên thế giới cạnh tranh để giành được những công ty tốt nhất dựa trên lợi ích về thuế và vận hành khi ai đó thành lập và quản lý một tổ chức chỉ tồn tại trong metaverse.

Một vấn đề nữa có thể xảy ra khi metaverse trở thành hiện thực. Đó là khi chúng ta càng tiến vào metaverse, và các thế giới ảo nhập vai càng trở nên phổ biến, thì chúng càng đe dọa đến chính phủ và khái niệm nhà nước - quốc gia.

Nếu việc làm việc từ bất cứ đâu trở thành xu hướng phổ biến và tiền lương có thể được chi trả thông qua crypto cho dù bạn đang cư trú ở bất cứ đâu bạn muốn, thì lòng yêu nước có thể sẽ suy giảm.

Về lâu dài, điều này có thể thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về danh tính của bản thân, và tại một thời điểm nào đó trong tương lai, ta có thể nhìn nhận mình thuộc về một thế giới ảo nào đó nhiều hơn là một quốc gia thực sự.

Hiện tại, các chính phủ “thuần số” đã được ra mắt, chẳng hạn như Asgardia, mặc dù không có quốc gia nào trên thế giới công nhận các quốc gia này. Mà suy cho cùng thì việc gì họ phải công nhận những chính phủ này? Chúng cũng chỉ như một cộng đồng (ngách) trực tuyến, những thứ sẽ tồn tại đầy rẫy trong metaverse.

Nếu việc mọi người có thể sống ở bất cứ đâu, liên tục di chuyển, được trả lương bằng crypto, và xác định bản thân thuộc về thế giới ảo nhiều hơn thế giới thực trở thành thực tế, điều này sẽ tác động như thế nào đến việc đánh thuế và sẽ ảnh hưởng gì đến GDP trong thế giới thực so với GDP trong metaverse?

Không chỉ vậy, nếu mọi người di chuyển đến những nơi có chi phí thấp trên thế giới, chẳng hạn như đến các nước đang phát triển, có lẽ sẽ xảy ra một sự tái cấu trúc của cải trên toàn thế giới. Giả sử thực sự chúng ta sẽ có một tỷ du mục số vào năm 2035, và metaverse trở thành hiện thực như tất cả chúng ta mong đợi, khi đó nó sẽ thay đổi toàn bộ cách thức tổ chức vận hành của cả xã hội lẫn con người, từ đó tác động trực tiếp đến vai trò của nhà nước và chính phủ ở mỗi quốc gia.

Cho đến khi chúng ta đạt đến giai đoạn đó, có lẽ là ít nhất cũng phải 15 đến 20 năm nữa, câu hỏi được đặt ra là: chính phủ nên có vai trò gì? Chính phủ nên quy định, điều chỉnh metaverse và các thế giới ảo tồn tại trong đó như thế nào?

Lấy ví dụ, nếu metaverse được xây dựng dựa trên bản sao số của thế giới thực, liệu các chính phủ trên toàn thế giới cũng nên có trách nhiệm tạo ra các quảng trường và công viên tương tự như trong thế giới số, cho phép tất cả mọi người truy cập, đồng thời cấm tất cả các hoạt động thương mại nhắm đến việc thu hút người tiêu dùng?

Mark Van Rijmenam/ NXB Trẻ

SÁCH HAY