Hồng Anh (20 tuổi, TP.HCM) là một người dùng thường xuyên của TikTok.
Các tháng gần đây, chị cho biết cảm thấy khá khó chịu với những video gợi ý, quảng cáo của TikTok về sản phẩm.
Kiên trì hiển thị
Cứ lướt TikTok một lúc, Hồng Anh lại bắt gặp một clip quảng cáo son. “Đúng là mình có quan tâm về mẫu son được hiển thị, nhưng thao tác tìm kiếm của tôi được thực hiện trên một trang thương mại điện tử (TMĐT) khác”.
Hồng Anh cho biết các video này thường được thực hiện bởi một nhóm những KOL thuộc một mảng nhất định, thuộc nhóm lĩnh vực làm đẹp.
Trong đó, nội dung của video đề cập đến các trải nghiệm, đánh giá sản phẩm, đi kèm với đường link dẫn đến TikTok Shop.
Cũng theo Hồng Anh, chỉ cần thực hiện một thao tác tìm kiếm sản phẩm nào đó trên Google hay các trang TMĐT, gần như ngay lập tức video về sản phẩm có liên quan sẽ hiển thị trên TikTok với số lượng lớn. "Cứ 4 video nội dung lại tới một video quảng cáo", cô nói.
Trong khi đó anh Minh Thành (Tân Bình, TP.HCM) cho biết trang chủ ứng dụng TikTok của mình giờ tràn ngập các video quảng cáo giày thể thao.
“Hôm trước, tôi xem một video có nội dung hài hước. Vì cảm thấy thú vị nên tôi quyết định xem đến hết. Đoạn cuối mới biết đó là nội dung được làm ra để quảng cáo giày thể thao”, anh Thành kể lại.
Thành cho biết kể từ thời điểm đó, anh liên tục bị TikTok hiển thị các quảng cáo, video có liên quan đến giày thể thao, kèm theo là đường link dẫn về các TikTok Shop nơi có bán sản phẩm.
TikTok không thiếu các nội dung được làm ra nhằm phục vụ cho mục đích quảng cáo sản phẩm. Ảnh minh họa: iStock. |
Chị Tuyết Vân (Bình Phước) nhận thấy chỉ ở giai đoạn gần đây, lượng video quảng cáo có kèm link mua hàng mới xuất hiện nhiều trên TikTok.
Trước đây các clip quảng cáo ít, do một vài tài khoản nhiều người theo dõi sản xuất. Tuy nhiên, hiện một phút xem video gặp 4-5 video quảng cáo. "Liên tục bỏ qua video quảng cáo làm phiền rất khó chịu", chị Vân than thở.
"Từ bao giờ mạng xã hội giải trí thành kênh quảng cáo dày đặc như vậy", chị Vân khó chịu.
“Khi đang xem TikTok mà gặp phải những nội dung quảng cáo, tôi chỉ muốn bỏ qua ngay lập tức”, chị Hồng Anh nói.
TikTok “đeo bám” người dùng
Theo nội dung do TikTok đăng tải trên website, các quảng cáo sẽ được cá nhân hóa hiển thị dựa trên thông tin chung của người dùng bao gồm vị trí, thiết bị, kết nối mạng, kết hợp cùng các thông tin nhân khẩu học như tuổi và giới tính.
Ngoài ra, TikTok còn ghi nhận các hoạt động trong ứng dụng của người dùng như cách thức xem, tìm kiếm, chia sẻ và thích nội dung được hiển thị.
Đáng chú ý, nền tảng này còn cá nhân hóa quảng cáo dựa trên thông tin được chia sẻ từ các đối tác về quảng cáo, đo lường và trên chính dữ liệu của TikTok tự thu thập.
Các thông tin này bao gồm thông tin về thiết bị, ví dụ như ID quảng cáo của điện thoại và/hoặc địa chỉ email cũng như số điện thoại đã được mã hóa.
Các đối tác của TikTok cũng có thể chia sẻ hành động mà người dùng thực hiện trên ứng dụng hoặc website của nhà quảng cáo, chẳng hạn như việc cho một món hàng vào giỏ hàng.
Một nghiên cứu do kỹ sư phần mềm Felix Krause thực hiện hồi tháng 8 đã chỉ ra rằng ứng dụng TikTok trên nền tảng iOS có khả năng ghi nhận mọi hoạt động của người dùng.
Báo cáo của Felix Krause cho thấy ứng dụng trên TikTok trên nền tảng iOS rất có khả năng theo dõi các hành động của người dùng. Ảnh: Getty. |
The Guardian cho biết thông qua công cụ bảo mật InAppBrowser do Felix Krause phát triển, ứng dụng TikTok trên các thiết bị iOS đã bị phát hiện có khả năng giám sát tất cả số lần người dùng nhấn phím, nhập văn bản hay chạm tay vào màn hình.
Kỹ sư phần mềm này thậm chí xác nhận các dữ liệu cá nhân nhạy cảm như thông tin thẻ tín dụng hay mật khẩu của người dùng cũng có thể bị theo dõi.
"Tuy nhiên, chỉ vì một ứng dụng đưa JavaScript vào các trang web bên ngoài, không có nghĩa là ứng dụng đang làm bất cứ điều gì độc hại", Felix Krause nhấn mạnh trong phần chú thích của báo cáo.
Liên quan đến báo cáo của Felix Krause, ông Priyadarsi Nanda - giảng viên thuộc Trường Kỹ thuật Điện và Dữ liệu của Đại học Công nghệ Sydney - đánh giá việc thu thập thông tin về những lần người dùng ấn phím sẽ gần như tương tự với các phần mềm keylogger.
Tuy nhiên khi trả lời tờ Guardian Australia, TikTok khẳng định các báo cáo liên quan đến họ là "không chính xác và gây hiểu lầm".
“Trái ngược với tuyên bố của báo cáo, chúng tôi không thu thập thông tin nhập bằng phím hoặc văn bản thông qua mã JavaScript. Mã này chỉ được dùng để gỡ lỗi, khắc phục sự cố và theo dõi hiệu suất”, TikTok cho biết trong nội dung phản hồi.
Liên quan đến các nội dung được cá nhân hóa hiển thị trên TikTok, mặc dù không thể từ chối xem tất cả quảng cáo, người dùng vẫn có thể ẩn quảng cáo đó đi, hoặc báo cáo nếu cảm thấy không phù hợp.
Theo một nghiên cứu do URL Genius thực hiện hồi đầu năm, YouTube và TikTok là hai ứng dụng mạng xã hội thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng nhiều nhất.
Tuy nhiên YouTube chủ yếu tự thu thập dữ liệu cá nhân người dùng nhằm theo dõi lịch sử tìm kiếm, vị trí để hiển thị các quảng cáo có liên quan.
Trong khi đó TikTok lại cho phép các trình theo dõi của một bên thứ ba thu thập dữ liệu của người dùng. Các tác giả của nghiên cứu vì vậy đánh giá mức độ rủi ro của việc này khá cao, bởi người dùng không thể biết dữ liệu nào sẽ được chia sẻ với bên thứ ba, hay cách mà dữ liệu của họ được sử dụng.