Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Messi sang Mỹ là chiêu trò lách thuế

Lionel Messi chọn Inter Miami không chỉ đơn giản là vì anh tìm bến đỗ để dưỡng già và có cuộc sống bình yên trong giai đoạn cuối sự nghiệp.

Messi có nhiều lý do để đến Mỹ thi đấu.

Siêu sao người Argentina sẽ nhận được rất nhiều lợi ích về tài chính cũng như cơ hội kinh doanh khi đến thi đấu tại bang Florida (Mỹ), nơi CLB Inter Miami đặt trụ sở. Với vị thế nhà đương kim vô địch World Cup, người từng bảy lần giành Quả bóng vàng thế giới, Leo có thể lựa chọn bất cứ CLB nào mình muốn thi đấu. Anh có thể đến Saudi Arabia, nơi người ta đề nghị cầu thủ mức thu nhập gần nửa tỷ USD cho một năm thi đấu.

Nhiều CLB châu Âu cũng sẵn sàng chào mời chân sút sinh năm 1987, bởi những thành tích kiến tạo và ghi bàn ấn tượng Leo có cùng PSG mùa giải vừa qua. Song, Messi và gia đình chọn Inter Miami, đội bóng mang đến cho anh nhiều lợi thế về tài chính cũng như cuộc sống.

Khía cạnh tài chính và thuế

Quá khứ rắc rối của gia đình Messi và cơ quan thuế Tây Ban Nha, cũng như lời hứa hẹn từ các ông chủ của Inter Miami là hai yếu tố tác động lớn quyết định sang Mỹ của cầu thủ. Đội bóng do David Beckham sở hữu cổ phần thi đấu cực tệ trong thời gian qua và không thể dùng khía cạnh chuyên môn để thuyết phục nhà vô địch World Cup 2022. Nhưng nếu đến Miami thi đấu, nơi có bãi biển tuyệt đẹp gợi nhắc đến thành phố Barcelona, Messi sẽ gia nhập hàng ngũ với Tiger Woods hay Tom Brady, những vận động viên thể thao vĩ đại khác chọn thành phố này làm nơi sinh sống.

Ở Mỹ, thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho những người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại đây. Các VĐV thể thao đỉnh cao, những người hưởng mức lương cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung, là đối tượng được cơ quan thuế theo dõi đặc biệt. California, bang tọa lạc của hai CLB Los Angeles FC và LA Galaxy, từng thu hút nhiều ngôi sao bóng đá nổi tiếng như Gareth Bale và Zlatan Ibrahimovic, có mức thuế thu nhập cá nhân cao nhất Mỹ ở mức 13,3 % (đối với những cá nhân kiếm được trên 1 triệu USD/năm). Mức thuế chung của New York vào năm 2022 lên tới 15,9 %, trong khi của California là 13,5 %.

Đối với những VĐV thể thao có thu nhập cao, Florida là một nơi tuyệt vời để sinh sống hoặc thi đấu. Florida là một trong 9 tiểu bang của Mỹ không có thuế thu nhập cá nhân. Dữ liệu do Tax Foundation chỉ ra rằng Florida cũng nơi người dân chịu mức thuế thấp trên toàn nước Mỹ, với mức thuế suất chung 9,1 %.

Ngày 6/5/2022, cơ quan lập pháp của Florida thông qua một dự luật miễn giảm nhiều khoản thuế tiêu thụ cho người dân tại đây. Nói cách khác, Florida được xem như "thiên đường thuế" với người dân có thu nhập cao. Florida cũng giúp cư dân dễ dàng chuyển giao tài sản. Bang này không đánh thuế bất động sản, thừa kế hoặc quà tặng. Các nhà kinh doanh cũng được hưởng lợi từ thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối thấp, chỉ ở mức 5,5 % đối với các doanh nghiệp được thành lập trong tiểu bang hoặc kiếm tiền ngay tại nơi này.

Đây là một khoản thuế quan trọng đối với Messi, nếu anh muốn phát triển sự nghiệp kinh doanh hay sang nhượng tài sản cho người thân tại Florida. Vấn đề bản quyền hình ảnh cũng là thứ từng khiến Messi gặp rắc rối với cơ quan thuế Tây Ban Nha, và sự ưu đãi thuế từ chính quyền bang Florida có thể giúp Leo dễ dàng sang nhượng khoản thu nhập này hoặc phải đóng thuế thấp hơn nếu lập công ty để quản lý.

Messi kiếm được khoảng 130 triệu USD trong năm 2022, đưa anh lên vị trí thứ 2 trong danh sách các VĐV có thu nhập cao nhất thế giới của Forbes — chỉ sau Cristiano Ronaldo. Khoản tiền Messi nhận được không chủ yếu đến từ lương, mà còn nằm ở tiền bản quyền hình ảnh khi hợp tác cùng các nhãn hàng. Đó là lý do Messi từng gặp nhiều rắc rối với cơ quan thuế Tây Ban Nha, chủ yếu đến từ khoản thu nhập bản quyền hình ảnh kể trên.

Năm 2013, cơ quan thuế Tây Ban Nha cáo buộc ông Jorge Messi, cha của Leo sử dụng một loạt công ty vỏ bọc tại các thiên đường thuế để giấu các khoản tiền bản quyền và thu nhập từ hình ảnh con trai. Trong hồ sơ được tòa án công bố, cơ quan thuế thống kê từ năm 2005, thu nhập liên quan đến hình ảnh của Messi được chuyển ra nước ngoài tới Belize và Uruguay thông qua một tổ hợp các công ty phức tạp. Messi luôn khẳng định anh không làm điều gì sai trái.

Tuy nhiên, ngay sau khi các cáo buộc chống lại bản thân được công khai, Leo thanh toán các khoản thuế, cũng như nộp 5 triệu euro (tương đương 6,57 triệu USD) tiền "khắc phục hậu quả". Bất chấp khoản thanh toán đó, vào năm 2015, cơ quan thuế Tây Ban Nha tiếp tục yêu cầu cựu sao Barca phải hầu tòa vì tội gian lận thuế. Lần hầu tòa thứ hai đó khiến Messi và gia đình mệt mỏi, và cầu thủ thậm chí đã cân nhắc ý định rời Barcelona để tránh khỏi rắc rối với pháp luật.

Sang Florida thi đấu, nơi có luật thuế nới lỏng và thoáng bậc nhất nước Mỹ, Messi chắc chắn không phải bận tâm quá nhiều về nỗi lo trong quá khứ. Đặc biệt khi anh nhận nhiều lời hứa trong bản hợp đồng với đại diện của giải Nhà nghề Mỹ (MLS).

Những lời hứa về tương lai

Đội bóng của Beckham đề nghị Leo mức thu nhập 50 triệu euro mỗi mùa trong bản hợp đồng có thời hạn 4 năm. Lời đề nghị này khó có thể sánh với Al Hilal khi đội bóng của Saudi Arabia đưa ra lời mời Messi từ tháng 4 với thu nhập 400 triệu euro mỗi năm, cao gấp 10 lần những gì anh nhận trước đó tại PSG (40 triệu euro/mùa). Song, Messi không hẳn chịu thiệt quá lớn về tài chính khi đến Inter Miami.

Lionel Messi anh 1

Messi có thể gây dựng một sự nghiệp kinh doanh bóng đá thành công như Beckham.

Cựu sao PSG được CLB Mỹ hứa hẹn chia lợi nhuận trực tiếp từ các thương vụ hợp tác với những nhãn hàng lớn. Lợi nhuận từ mỗi chiếc áo đấu Inter Miami có in tên Messi bán ra sẽ được chia trực tiếp cho cầu thủ. Điều khoản tương tự cũng được áp dụng với mỗi thuê bao đăng ký tài khoản xem Inter Miami thi đấu trong tương lai. Nếu Messi muốn, anh có thể được nhượng lại cổ phần của Inter Miami.

Đây là lời hứa có thể tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp kinh doanh bóng đá của Messi sau giải nghệ. Trường hợp của chính Beckham là minh chứng rõ nhất cho Messi. Năm 2007, khi cựu sao Real Madrid đến MLS thi đấu, anh nhận được lời hứa từ ban tổ chức giải đấu về việc thành lập một CLB chơi tại đây với mức phí ưu đãi. Cần biết rằng để có thể tham gia MLS, một đội bóng cần bỏ ra tối thiểu 100 triệu USD để đăng ký thi đấu. Riêng Beckham được chính MLS đưa ra ưu đãi với giá thấp hơn.

Từ đó, anh cùng các cổ đông khác thành lập Inter Miami. Khi Beckham đến Mỹ thi đấu lần đầu 16 năm trước, MLS chỉ có 13 đội, con số đó giờ ở mốc 30. Tầm ảnh hưởng của Messi lúc này không hề thua kém Beckham ở thời điểm quá khứ. Nếu Messi muốn đi theo con đường kinh doanh bóng đá như Ronaldo "béo" hay Beckham, đề nghị từ Inter Miami không tồi chút nào. Messi sẽ tạo ra sức hút lớn cho đội bóng chủ quản cũng như MLS, và chính anh có thể nhận khoản lợi nhuận khổng lồ cho điều đó.

Fan cuồng chạy quanh sân sau khi ôm Messi Hôm 15/6, một cổ động viên trẻ tuổi lẻn xuống sân để chạm mặt Messi, khiến trận giao hữu giữa Argentina và Australia trên SVĐ Công nhân ở Bắc Kinh bị gián đoạn trong chốc lát.

Bỏ Indonesia, Messi về quê đá giao hữu

Siêu sao người Argentina sẽ bay về quê nhà nghỉ ngơi trước khi gia nhập đội bóng mới Inter Miami vào tháng 7.

Messi và dàn sao từ chối Saudi Arabia

Lionel Messi, Luka Modric hay Romelu Lukaku đi ngược xu hướng gia nhập giải Saudi Pro League trong mùa hè năm nay.

Những cuốn sách nên đọc về Champions League

Mục Thể thao giới thiệu tới độc giả các cuốn sách để hiểu thêm về sự ra đời, tính cạnh tranh và cách Champions League vươn mình trở thành giải đấu danh giá nhất châu Âu.

Trong tai mat viec vi gai goi hinh anh

Trọng tài mất việc vì gái gọi

0

Trọng tài Rosario Cardenas bị sa thải sau khi không xuất hiện tại một trận đấu được giao nhiệm vụ. Vị này được cho là bị một người phụ nữ đánh thuốc mê và tấn công đêm trước đó.

Hồng An

Bạn có thể quan tâm