Messi cùng Ronaldo là bộ đôi siêu sao tương phản ở mọi phương diện. Xuất phát điểm khác biệt, tính cách, lối chơi cũng không giống nhau. Và ngay cả thời gian đầu khoác áo đội tuyển quốc gia cũng hoàn toàn trái ngược.
Zing lược dịch 2 chương trong cuốn sách “Cristiano and Leo: The Race to Become the Greatest Football Player of All Time” của tác giả Jimmy Burn, kể về câu chuyện của cả hai trong màu áo Bồ Đào Nha và Argentina.
Ronaldo chơi rất ấn tượng ngay từ những ngày đầu khoác áo tuyển Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters. |
Ronaldo, Scolari và Luis Figo
Bồ Đào Nha trình làng đội hình trong mơ khi dự Euro 2004 trên sân nhà. Ngoài những tên tuổi lão làng như Rui Costa, Ricardo Carvalho hay Pauleta, họ còn sở hữu ba cầu thủ tài năng bậc nhất thế giới: Luis Figo, Deco và Cristiano Ronaldo.
Deco là chìa khóa chủ chốt trong đội hình Porto của Jose Mourinho vừa bước lên ngôi vương Champions League. Trong khi đó, Ronaldo vẫn là cái tên mới nổi ở đội tuyển quốc gia.
HLV của Bồ Đào Nha lúc ấy là Luiz Felipe Scolari. Giống Alex Ferguson, chiến lược gia Brazil hết mực tin tưởng Ronaldo. Cũng chính ông là người đưa CR7 từ một viên ngọc thô trở thành một nhân tố trong đội hình Seleccao.
Suốt thời gian đội nhà chuẩn bị cho Euro 2004, Scolari chủ trương gần gũi và đào tạo Ronaldo một cách nhẹ nhàng. Trong cuốn sách “Luiz Felipe Scolari: The Man, The Manager”, cây bút José Carlos Freitas chia sẻ: “Những ngày Scolari sống cùng Ronaldo ở tuyển Bồ Đào Nha, ông luôn nắm bắt mọi cơ hội để hiểu hơn về cậu ấy. Ông nói chuyện và chỉ cho Ronaldo biết rằng tại đây cậu ấy cũng như bao thành viên khác dù sở hữu tài năng khác biệt”.
Freitas cũng miêu tả lại cảnh tượng lần đầu tiên nhà cầm quân Brazil gặp Ronaldo. CR7 đội một chiếc nón lưỡi trai, đeo kính râm và tai nghe. “Giống như những thanh niên mới lớn khác, Ronaldo cho mọi người cảm giác cậu ấy là trung tâm của thế giới. Cậu ấy chẳng mảy may quan tâm đến lời khuyên của HLV. Trong nhiều tháng, Scolari cảm thấy đôi bên có vấn đề trong giao tiếp”, José Carlos Freitas cho hay.
Scolari sau đó khuyến khích Luis Figo đóng vai một “người đồng đội thầm lặng” trong quá trình phát triển của Ronaldo. Ông muốn hai cầu thủ bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau hơn là cạnh tranh gay gắt. Số 7, một biểu tượng ở tuyển Bồ Đào Nha, cũng được biến đổi để phù hợp với cả hai.
Theo lời kể lại của nhà văn Freitas, Figo thi đấu bên cánh phải và mặc chiếc áo số 7. Trong khi đó, Ronaldo được trao chiếc áo số 17, tượng trưng cho số 7 thứ 2, Figo thứ 2.
Figo lúc ấy đối xử với Ronaldo như một người đồng đội, một đội trưởng chỉ dạy cho đàn em. Về phía CR7, anh rất ngưỡng mộ Figo nhưng cũng tỏ thái độ rõ ràng rằng sẽ trở thành ngôi sao xuất sắc hơn đàn anh. Và hiển nhiên, Figo biết điều đó.
Scolari nắm quyền ở đội tuyển Bồ Đào Nha từ 2004 đến 2008. Chứng kiến quá trình trưởng thành vượt bậc của Ronaldo, ông khẳng định trong đó có công rất lớn đến từ Figo. Cựu sao Barca đã giúp CR7 tìm được con đường đi đến sự vĩ đại.
“Thời điểm tôi làm HLV ở Bồ Đào Nha, có một người đặc biệt quan trọng với Ronaldo. Đó chính là Luis Figo. Khi Ronaldo đến đội tuyển, người đầu tiên giúp đỡ cậu ấy là Figo. Figo là người đầu tiên thách thức Ronaldo rê bóng, sút, ghi bàn, làm chủ trận đấu, luôn chăm chỉ và trở thành một cầu thủ tốt hơn”, Scolari chia sẻ.
“Figo từng nói với Ronaldo rằng: ‘Thử lại lần nữa nào, phải tiếp tục cố gắng. Nếu cậu thấy tình huống khó khăn, tôi sẽ cho cậu sự giúp đỡ. Nếu cậu mắc sai lầm, tôi ở đây. Vậy nên bình tĩnh nào, nhưng nhất định phải cố gắng đến cùng’”, nhà cầm quân Brazil kể lại.
Messi lại trải qua nhiều nỗi đau ở ĐTQG Argentina. Ảnh: Getty Images. |
Messi và cái bóng của Maradona
World Cup 2006 là giải đấu quốc tế lớn đầu tiên trong sự nghiệp Lionel Messi. Chân sút Barca ra mắt cổ động viên thế giới ở trận thắng Serbia và Montenegro với 1 pha lập công. Điều này giúp “El Pulga” trở thành cầu thủ trẻ nhất ghi bàn trên đất Đức và cầu thủ trẻ thứ 6 lập công trong lịch sử giải đấu thời điểm đó.
Ngoài Messi trên sân, sự chú ý còn hướng về phía Maradona. TV bắt được hình ảnh “Cậu bé Vàng” trên khán đài, đưa cao chân và ra hiệu về sự hài lòng của bản thân với người đàn em.
Tác giả Andreas Campomar trong cuốn sách “¡Golazo! A History of Latin American Football” chia sẻ rằng: “Một thập kỷ từ sau thời khắc giải nghệ đầy tai tiếng của Maradona, Argentina vẫn tìm kiếm một đấng cứu thế mới”.
Messi với màn trình diễn ở Barca sớm được định sẵn sàng kế tục sự thành công của Maradona ở đội tuyển quốc gia. Dẫu vậy, Leo thường xuyên trở thành người bị đổ lỗi hơn là được chúc mừng bởi những thành tích mang lại. Sau đó, hàng loạt so sánh giữa hai cầu thủ cũng bắt đầu nổ ra.
Diego Maradona suốt 1 thập kỷ khoác áo Argentina đã dẫn dắt đội nhà đến chức vô địch World Cup 1986. Ông luôn nhận được sự ngưỡng mộ lớn nhất từ các thành viên trong đội bóng. Không những vậy, “Cậu bé Vàng” còn là niềm tự hào của toàn thể người dân xứ tango.
Từ khi Maradona rời sân cỏ, hàng loạt tài năng được kỳ vọng kế thừa sự vĩ đại của ông. Ariel Ortega hay Juan Roman Riquelme cũng từng khiến cổ động viên Argentina tin tưởng sẽ trở thành “Maradona mới”. Nhưng rõ ràng, không ai trong số họ thành công tiếp bước người đàn anh.
Messi, trong khi đó, trước khi được đôn lên đội 1 Barca đã lọt vào mắt của Julio Grondona, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Argentina thời điểm đó. Ông nhận định rằng “thằng bé đến từ Rosario” sẽ trở thành chìa khóa chủ chốt với đội nhà trong tương lai.
Tài năng của Leo còn khó tin, đặc biệt hơn cả “Cậu bé Vàng”. Và điều này mang anh đến với đội trẻ U20 Argentina. Sau đó, Messi được adidas đề nghị hợp đồng tài trợ trước khi cả đội chinh chiến ở World Cup 2006.
Hãng thời trang nước Đức tuyên truyền hình ảnh chân sút Barca khắp thế giới. Điều đáng nói, đôi giày adidas thiết kế cho Messi lại kèm theo dòng chữ: “Bàn tay của Chúa” và ngày 22/6/1986. Đó là thời điểm Argentina đối đầu Anh ở tứ kết World Cup trên đất Mexico.
Cuối cùng, Messi không thể tạo bất cứ điều kỳ diệu nào với “La Albicelestes” ở Cúp thế giới năm đó. Tại trận tứ kết với Đức, Argentina thất bại trong khi Leo ngồi hết 90 phút trên ghế dự bị.
Argentina cũng từng thua “Die Mannschaft” ở trận chung kết World Cup 1990. Khi đó, Maradona đã không thể giúp Argentina bảo vệ ngôi vương thế giới và trở thành người bị đổ lỗi. Còn 2006, José Pékerman bị chỉ trích vì quyết định ngó lơ Messi.
Câu hỏi được đặt ra, nếu quay trở lại thời gian đó, lịch sử liệu có thay đổi? Messi ra sân, anh sẽ ghi bàn và giúp Argentina vô địch World Cup? Và rồi Leo trở thành nhà vô địch trẻ hơn cả Maradona? Quan trọng nhất vẫn là liệu rằng “El Pulga” sẽ mãi mãi thoát được cái bóng của Maradona?