Sau gần 2 thập niên là người lãnh đạo của đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo CDU, bà Angela Merkel quyết định sẽ rời bỏ cương vị này và không tái tranh cử chức chủ tịch đảng vào tháng 12 tới.
Phát biểu sau kết quả đáng thất vọng của CDU trong cuộc bầu cử tại các bang Hesse và Bavaria, bà Merkel cho biết: "Đã đến lúc mở ra một chương mới". Thủ tướng Đức, người đang ở nhiệm kỳ thứ 4, cũng khẳng định sẽ không tiếp tục đảm nhiệm cương vị này thêm một nhiệm kỳ nào nữa.
Điều này có nghĩa là nếu không có bất ngờ nào khác, bà Merkel sẽ làm việc tối đa đến năm 2021 trước khi rút lui hoàn toàn khỏi sân khấu chính trị.
Bà Angela Merkel trở thành chủ tịch đảng CDU từ năm 2000. Ảnh: Reuters |
Giữ chức chủ tịch đảng CDU từ năm 2000 và là thủ tướng Đức từ năm 2005, bà Merkel luôn giữ vị trí số 1 trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Là lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất trong khối, bà Merkel được coi như là lãnh đạo thật sự của Liên minh châu Âu và có những dấu ấn quan trọng về kinh tế và ngoại giao, tiêu biểu như cách bà xử lý cuộc khủng hoảng eurozone .
Tuy nhiên chính sách mở cửa của bà Merkel trước cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu vào năm 2015, mặc dù giúp bà trở thành nhân vật của năm trên tạp chí Time, lại chính là một nhân tố quan trọng dẫn đến những thất bại chính trị của bà tại Đức vào thời điểm này. Hơn 1,5 triệu người nhập cư đã đến nước Đức kể từ năm 2014 và điều đó khiến đảng CDU mất đi sự ủng hộ của những cử tri bảo thủ.
Tạp chí Time đề cử bà Merkel trở thành nhân vật của năm 2015 sau quyết định mở cửa châu Âu để đón nhận những người tị nạn, Thủ tướng Đức được gọi là "Lãnh đạo của thế giới tự do". Ảnh: Time Magazine |
Kỷ nguyên của bà Merkel chấm dứt sẽ là cơn ác mộng thật sự với châu Âu, khi các lãnh đạo cực hữu bắt đầu xuất hiện và chủ nghĩa dân túy đang lan rộng ở lục địa già. Trong khi đó nước Anh, một đồng minh thân cận của Berlin trước đây và cũng là quốc gia có tầm ảnh hưởng trong khu vực, giờ đã trở thành gánh nặng với sự hỗn loạn mang tên Brexit. Việc Anh rút khỏi EU cũng tạo nên một tiền lệ nguy hiểm, đe dọa sự ổn định của Liên minh châu Âu.
Ở Pháp, áp lực cũng đang dần tăng lên với Tổng thống Macron sau 18 tháng nhậm chức. Những cải cách thị trường của ông đang không có được những kết quả như mong muốn: tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Hình ảnh của ông Macron cũng bị ảnh hưởng sau vụ vệ sĩ của ông đánh người và một loạt quyết định từ chức trong chính phủ, tỷ lệ ủng hộ tổng thống Pháp đang ở mức dưới 30%.
Mới đây, tổng thống Pháp đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ ông Viktor Orban, Thủ tướng Hungary, và ông Matteo Salvini, Phó thủ tướng Italy. Cả hai chính trị gia này đều là những người thiên hữu và ông Macron cho rằng những người như họ sẽ là mối đe dọa với những giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu.
“Nếu họ coi tôi là đối thủ chính của họ thì họ đã đúng. Tôi sẽ không nhân nhượng trước những người dân tộc chủ nghĩa và ngôn ngữ thù ghét của họ”. Tổng thống Pháp chia sẻ với các phóng viên về vấn đề này trong chuyến công du đến Đan Mạch.
Tuy nhiên theo ông Robert Zaretsky, nhà phân tích chính trị châu Âu tại Đại học Houston, những chỉ trích của ông Macron nhiều khả năng sẽ làm tăng thêm sự phân cực vào lúc này, trong bối cảnh mà trật tự chính trị tại khu vực đang bị phá vỡ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là hai nhà lãnh đạo dẫn đầu trong việc bảo vệ những giá trị cốt lõi của Liên minh châu Âu trước làn sóng cực hữu lan rộng ở lục địa già. Ảnh: Reuters |
Chưa có khi nào kể từ những năm 1930, sự ổn định và liên kết của châu Âu lại bị đe dọa như lúc này. Bức tranh này càng thêm u ám trước kế hoạch nghỉ hưu của bà Angela Merkel tại nước Đức.
Nếu mọi thứ không được kiểm soát, quá trình chia rẽ chính trị ở châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Đông Âu và các nước quanh khu vực Địa Trung Hải, và gần đây nhất là thất bại của đảng Dân chủ xã hội ở Thụy Điển sẽ mang tới một làn sóng có thể thay đổi hoàn toàn bộ mặt của châu Âu mà chúng ta từng biết.