Hơn 2 năm sau khi trở thành nữ thủ tướng Anh thứ hai trong lịch sử, bà Theresa May đang ở những giờ phút quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.
Theresa May đã tới Brussels chiều qua cho một hội nghị thượng đỉnh mang tính sống còn với nước Anh.
Sứ mệnh của bà rất rõ ràng: cầu xin lãnh đạo EU và 27 nước thành viên còn lại để cánh cửa tiếp tục mở cho quá trình đàm phán Brexit sau hơn hai năm kể từ cuộc trưng cầu rời EU định mệnh. Bà May đang đứng trước thời khắc quyết định: liệu bà có chèo lái thành công con tàu Brexit, hay sẽ gặp một thất bại như người tiền nhiệm David Cameron?
Vào ngày mùng 6 tháng 10 năm 2015 tại thành phố Manchester, trong hội nghị thường niên hàng năm của đảng Bảo Thủ Anh, bà May, khi đó là bộ trưởng Nội vụ trong nội các của Thủ tướng David Cameron, đã để lại dấu ấn với một bài phát biểu gây nhiều tranh cãi, cảnh báo về nguy cơ của cuộc khủng hoảng người nhập cư đang diễn ra tại châu Âu vào lúc đó.
Trên chiếc bục phát biểu được in 3 từ: Security (An Toàn), Stability (Ổn Định) và Opportunity (Cơ hội), bà May tuyên bố sẽ siết chặt luật tị nạn và cho rằng nước Anh “không cần” lượng lớn người nhập cư. Cùng với đó, bà May đề xuất những điều luật của EU về tự do lưu thông có thể cần phải được thay đổi để hạn chế số lượng người nước ngoài đến Anh.
Cùng với Thị trưởng London khi đó là Boris Johnson, người ngày hôm đó gây ấn tượng bằng việc chỉ trích Công đảng đối lập, bà May được đánh giá là một trong những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế lãnh đạo tiếp theo của đảng Bảo Thủ khi mà trước đó ông David Cameron đã khẳng định mình sẽ không tiếp tục làm Thủ tướng sau năm 2020.
Bà Theresa May tới trụ sở EU chiều 17/10 cho cuộc gặp thượng đỉnh mang tính sống còn với nước Anh. Ảnh: Reuters. |
Ông Cameron từ lâu đã công khai ủng hộ việc ở lại với EU, tuy nhiên cuộc thăm dò vào cuối năm 2015 cho thấy có tới 2/3 thành viên đảng Bảo thủ của ông muốn nước Anh rời khỏi liên minh này. Trong một bài luận trên tờ Telegraph vào tháng 2 năm 2016, ông viết: “Việc rời khỏi EU sẽ là canh bạc thế kỷ”, cảnh báo những rủi ro to lớn mà nước Anh có thể gặp phải nếu Brexit diễn ra.
Nhưng đối với chính ông Cameron, việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý cũng là một canh bạc khác, là người đứng đầu chiến dịch kêu gọi nước Anh ở lại, một chiến thắng sẽ khiến cho uy tín của ông tăng lên đáng kể trong nội bộ đảng Bảo thủ, nhưng nếu có nhiều người muốn rời EU hơn thì đó sẽ là một kết cục mà ông không muốn nghĩ tới, ông thậm chí còn không yêu cầu bộ Ngoại giao (FCO) chuẩn bị bất cứ một kế hoạch nào cho Brexit.
Ở 2 cuộc trưng cầu dân ý trước đó trong nhiệm kỳ của mình về việc Cải cách hệ thống bầu cử ở Quốc hội (2011) và về việc Độc lập của Scotland (2014), ông Cameron đều nhận được những kết quả như ý muốn.
Nhưng đến lần này thì không, trong cuộc trưng cầu dân ý với số lượng người đi bỏ phiếu nhiều nhất lịch sử Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland trong vòng 25 năm, tỉ lệ người dân muốn Anh rời khỏi EU (51.9%) cao hơn so với những người muốn ở lại (48.1%).
Theo người viết tiểu sử cho David Cameron là Anthony Seldon, vào rạng sáng ngày 24 tháng 6 đó khi kết quả được công bố, câu nói đầu tiên của ông là: “All political lives end in failure” (Tất cả sự nghiệp chính trị đều kết thúc trong thất bại).
Một thất bại chính trị nặng nề của Cameron, ông từ chức lãnh đạo đảng Bảo Thủ và rời nhà số 10 phố Downing. Trong bài phát biểu rời nhiệm sở, ông nói: "Tôi không nghĩ mình là vị thuyền trưởng thích hợp để chèo lái đất nước đến đích đến tiếp theo".
Cuộc bầu cử trong nội bộ đảng Bảo Thủ được diễn ra, Boris Johnson gây bất ngờ khi quyết định rút lui và điều đó dẫn đến việc Theresa May trở thành nữ thủ tướng thứ 2 trong lịch sử nước Anh.
Dù là người trước đó ủng hộ việc ở lại, bà May tuyên bố sẽ lãnh đạo chính phủ trong quá trình nước Anh rời EU và đạt được “thỏa thuận tốt nhất có thể” trong quá trình này. Do người tiền nhiệm chưa có một kế hoạch rõ ràng cho Brexit, bà May thay đổi tới 9 vị trí trong nội các của cựu thủ tướng Cameron, ông Boris Johnson - một người tỏ thái độ cứng rắn với Brussels - trở thành bộ trưởng Ngoại giao, và có 2 chức vụ mới trong nội các: Bộ trưởng Đàm phán Brexit David Davis và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Liam Fox.
Tỉ lệ ủng hộ bà May tăng cao trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Berlin, bà May chia sẻ với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng bà sẽ không vội vã kích hoạt điều khoản thứ 50 của Hiệp ước Lisbon (điều khoản bắt đầu cho quá trình một nước thành viên rời EU) vì nước Anh cần thời gian để có thể chuẩn bị cho việc rời đi một cách hợp lí và có trật tự.
Vào ngày 17 tháng 1 năm 2017, trong bài phát biểu tại Lancaster House để lần đầu tiên giới thiệu kế hoạch Brexit 12 điểm của mình, bà May một lần nữa lại gây ấn tượng với những mục tiêu rõ ràng cần phải đạt được với Brussels trong quá trình thỏa thuận, ngày nước Anh kích hoạt điều khoản 50 để bắt đầu quá trình đàm phán với EU cũng đã được ấn định, đó là ngày 29/3/2017, điều này có nghĩa nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU vào 23h00 ngày 29/3/2019.
Trong bài phát biểu hôm đó, bà May để lại một câu nói khiến ai cũng nhớ: “Thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi tệ”. Tuy nhiên vào thời điểm đó, rất ít người nghĩ đến viễn cảnh không có một thỏa thuận nào vì ai cũng cho rằng trong 2 năm đàm phán Anh và EU sẽ đạt được một thỏa thuận nào đó. Đồng bảng Anh tăng tới 2.9% so với đồng USD sau bài phát biểu của bà May, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cũng bày tỏ thái độ tích cực khi cho rằng nước Anh đã “thực tế hơn”, mọi thứ diễn ra rất trơn tru trong những tháng tiếp theo, khi viễn cảnh đạt được một thỏa thuận là rất cao.
Vào ngày 19/7/2017, tức là đúng 1 năm sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử, những cuộc gặp gỡ giữa chính phủ Anh và EU mới chính thức được tổ chức để thảo luận về Brexit khi bộ trưởng phụ trách vấn đề này là ông David Davis đến gặp người đồng cấp Michel Barnier tại Brussels.
Cả hai bên sẽ gặp nhau trực tiếp trong khoảng 1 tuần mỗi tháng, quá trình đàm phán bận rộn bao gồm việc tìm tiếng nói chung về các vấn đề nổi bật như quyền của người lao động EU ở Anh và ngược lại, số tiền mà nước Anh phải trả cho EU khi quyết định rời đi, và điều sẽ xảy ra ở ranh giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
43 năm lịch sử của EU với các hiệp ước và thỏa thuận khiến cho cả hai bên cần phải xem qua hàng nghìn chủ đề liên quan. Có tới khoảng 12.000 quy định của EU có hiệu lực trên lãnh thổ Anh và để tiết kiệm thời gian đàm phán cũng như ngăn chặn một sự hỗn loạn sau Brexit, nước Anh sẽ tiếp tục sử dụng những quy định này trong vòng 21 tháng sau khi rời khỏi EU, đây được gọi là thời gian chuyển tiếp tính từ ngày 29 tháng 3 năm 2019 - thời điểm nước Anh chính thức rời EU - cho đến hết năm 2020.
Mọi thứ càng thêm phức tạp vì trong lịch sử hình thành của EU chưa có quốc gia thành viên nào đã từng rời khỏi liên minh này.
Ngay cả trong nội các của bà May cũng có sự chia rẽ sâu sắc về vấn đề quan hệ của nước Anh với EU hậu Brexit. Phe “Brexit cứng” đứng đầu là Bộ trưởng Brexit David Davis và Bộ trưởng Ngoại giao Boris Johnson cho rằng nước Anh cần phải hoàn toàn từ bỏ 3 giá trị cốt lõi của EU là thị trường chung, liên minh thuế quan và khu vực thương mại tự do châu Âu.
Rời khỏi thị trường chung sẽ giúp nước Anh có quyền kiểm soát nhiều hơn ở biên giới, đặc biệt là về vấn đề nhập cư và lao động. Trong khi đó việc rời khỏi liên minh thuế quan và khu vực thương mại tự do sẽ là bàn đạp để Anh đàm phán các hiệp định thương mại với các quốc gia và khu vực khác cũng như quyền để bảo hộ thương mại cho những ngành kinh tế quan trọng.
Một số thành viên đảng Bảo thủ khác thì ủng hộ “Brexit mềm”, dựa trên mô hình mối quan hệ giữa Nauy và EU, vẫn là thành viên của thị trường chung châu Âu nhưng Nauy có thể tự do đàm phán các hiệp định thương mại với các quốc gia khác. “Brexit mềm” cũng loại bỏ trường hợp một đường biên giới cứng trở lại giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Tất cả để tránh những thay đổi quá lớn cho người dân và nền kinh tế Anh hậu Brexit.
Và nhiệm vụ đau đầu của bà Theresa May đó là phải có một kế hoạch để làm hài lòng 3 bên, đầu tiên là những người đứng đầu EU ở Brussels, sau đó là 2 phe ủng hộ Brexit mềm và Brexit cứng trong nội bộ đảng Bảo thủ của bà. Vì để Brexit được chính thức diễn ra thì sau khi đạt được thỏa thuận với EU, bà May sẽ phải đem thỏa thuận đó về điện Westminster để Quốc hội Anh thông qua.
Một nhiệm vụ thật sự khó khăn.
Ngày 6/7 năm nay, tại khu dinh thự dành riêng cho các thủ tướng Anh ở Chequers, cách trung tâm London 65km, bà May triệu tập các bộ trưởng của mình đến bàn về kế hoạch Brexit cũng như những điều sẽ cần phải làm nếu không đạt được bất cứ một thỏa thuận nào với Brussels.
Sau gần 12 tiếng thảo luận liên tục với các thành viên nội các, một văn bản với tên gọi chính thức là “Mối quan hệ tương lai giữa Liên hiệp Anh & Bắc Ireland và EU” - sau này được gọi tắt là “Kế hoạch Chequers” - được đưa ra, với mục tiêu tìm được tiếng nói chung giữa 2 phe ủng hộ Brexit mềm và Brexit cứng trong quốc hội.
Thương mại là vấn đề quan trọng nhất trong mối quan hệ giữa Anh và EU và đó là lí do đây là chủ đề chiếm phần lớn nội dung của bản kế hoạch Chequers, đề xuất của bà May là xây dựng hệ thống thuế quan và quy định chung cho thương mại giữa hai bên, tạo điều kiện để việc trao đổi hàng hóa và thương mại gặp ít trở ngại nhất có thể.
Điều này gần giống với quan hệ thương mại ở thời điểm hiện tại khi Anh ở trong thị trường chung của EU, và nó sẽ đảm bảo sự lưu thông của hàng hóa cũng như loại bỏ việc cần phải xây dựng một đường biên giới vật lý.
Nước Anh sẽ có quyền tự do đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác cùng với đó là việc rút khỏi những quy định chung của EU về nông nghiệp và đánh bắt cá. Không chỉ vậy, tòa án công lý châu Âu cũng không còn quyền quyết định về các vấn đề diễn ra tại Anh, và những bất đồng giữa 2 bên sẽ được giải quyết bằng một ủy ban chung.
Kế hoạch Chequers cũng chấm dứt việc tự do lưu thông về con người, và nước Anh sẽ có tự chủ để quyết định những vấn đề về nhập cư và lao động. Đây là những vấn đề được cho là sẽ làm hài lòng phe ủng hộ Brexit cứng, trong khi đó phe ủng hộ Brexit mềm cũng sẽ yên tâm khi bà May đảm bảo sẽ không có một đường biên giới cứng giữa Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland cùng với việc đảm bảo thương mại sẽ tiếp tục diễn ra một cách trơn tru nhất có thể.
Nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta muốn làm hài lòng tất cả các bên và kết cục là chúng ta không làm hài lòng bên nào cả. Bản kế hoạch này được đánh giá là nghiêng hẳn về phía Brexit mềm và chỉ 3 ngày sau, hai vị bộ trưởng ủng hộ Brexit cứng là David Davis và Boris Johnson lần lượt từ chức.
David Davis cho rằng kế hoạch của thủ tướng May sẽ đưa nước Anh vào một vị thế yếu hơn trong quá trình đàm phán với Brussels, còn ông Boris Johnson, tiếp tục gây tranh cãi khi tuyên bố thẳng thừng: “Chúng ta đã mặc vào một chiếc áo chứa đầy thuốc nổ, và đưa kíp nổ cho ông Michel Barnier.”
Phe ủng hộ Brexit mềm cũng không hẳn là hoàn toàn hài lòng với bản kế hoạch của bà May, họ cho rằng nó khiến cho các vấn đề về tự do lưu thông hàng hóa và con người trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với việc ở lại với thị trường chung như mô hình của Na Uy. Cùng với đó là việc bản kế hoạch này chỉ nói về những quy định đối với hàng hóa mà lại bỏ qua dịch vụ, ngành chiếm tới 80% tỷ trọng GDP của nền kinh tế Anh.
Bà May đáp trả bằng cách cảnh báo những người không đồng ý với kế hoạch này rằng nếu nó không được thông qua tại quốc hội thì chắc chắn sẽ không có thỏa thuận nào khác với EU về Brexit. Thời gian có vẻ như không còn đủ nhiều cho một bản kế hoạch hoàn toàn mới vì nước Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 29/3/2019.
Nhưng trước khi đem nó đến điện Westminster, bà May còn một cơ hội khác để chứng tỏ với Quốc hội rằng bà đang đi đúng hướng, đó là đem bản kế hoạch đó đến với hội nghị thượng đỉnh EU tại Salzburg, Áo để tìm kiếm sự đồng thuận từ 27 thành viên còn lại của EU. Một thỏa thuận đạt được với Brussels cũng sẽ khiến bà May có uy tín hơn trong nội bộ đảng Bảo thủ đang chia rẽ sâu sắc về kế hoạch của bà.
Để có được sự đồng thuận của EU, kế hoạch Chequers sẽ phải được thông qua bởi ít nhất 20 trên 27 nước EU, và những nước này phải chiếm tối thiểu 65% dân số của khu vực.
Nếu nhìn vào chương trình nghị sự của bà May từ đầu năm 2018 thì có thể thấy được bà đã cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ cho kế hoạch của mình như thế nào, 12 chuyến công du khắp châu Âu để gặp riêng các nhà lãnh đạo của các quốc gia từ Đan Mạch, Thụy Điển cho đến Hà Lan rồi Macedonia để thảo luận về vấn đề thương mại hậu Brexit. Thậm chí là cắt ngắn kì nghỉ hè của mình tại Italy để đến gặp Tổng thống Pháp Emanuel Macron tại khu nghỉ dưỡng Fort de Brégançon ở Địa Trung Hải ngay trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Salzburg bắt đầu vào ngày 19/9.
Tuy nhiên, tất cả những gì mà bà May nhận được tại Salzburg, lại không phải là một sự ủng hộ.
Bà May có 10 phút để phát biểu trong bữa tối đầu tiên của hội nghị vào thứ Tư, ngày 19/9, và có lẽ vào lúc đó bà vẫn còn hy vọng mình sẽ có được một chút những sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo EU, nhưng vấn đề là, không có thảo luận nào về Brexit được diễn ra trong ngày hôm sau, vì một cách chính thức thì tất cả các đàm phán phải được diễn ra với người đứng đầu phụ trách Brexit của EU là ông Michel Barnier.
Kết thúc cuộc thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố thẳng thắn rằng những kế hoạch thương mại của bà May sẽ “không thể thực hiện được” vì nó sẽ phá vỡ những quy tắc của thị trường chung châu Âu.
Ông Emanuel Macron, lãnh đạo EU cuối cùng bà May gặp trước khi hội nghị Salzburg diễn ra, cũng không hề cho thấy một sự ủng hộ nào cho thủ tướng Anh, ông thậm chí còn cho rằng người dân Anh đã bị lừa dối bởi những người cho rằng mọi thứ sẽ dễ dàng và tốt đẹp mà không cần có EU.
Thủ tướng Cộng hòa Czech và thủ tướng Malta thì chia sẻ rằng nước Anh nên có một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 để xem xét lại vấn đề Brexit. Người duy nhất tỏ ý ủng hộ bà May ngày hôm đó là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người cũng đang có bất đồng với các lãnh đạo khác của EU.
Ngày hôm sau, như để xát muối vào thất bại của bà May, trên Instagram chính thức của mình, ông Donald Tusk chia sẻ 2 bức ảnh chụp cùng bà May ở Salzburg:
Tiêu đề của 2 bức ảnh thể hiện ông Tusk đang mời bà May ăn bánh nhưng chiếc bánh đó không có quả cherry. Đây thực chất là một màn trào phúng của chủ tịch hội đồng châu Âu. Ông phê phán việc mà ông cho là nước Anh vừa muốn giữ chiếc bánh lại vừa muốn ăn chiếc bánh, và kế hoạch của bà May là một hành động “hái anh đào” (cherrypicking: chỉ chọn những thứ có lợi nhất mà bỏ qua phần còn lại). Rõ ràng là đối với những người đứng đầu EU, kế hoạch của bà May thể hiện chính phủ của bà đang muốn quá nhiều lợi ích mà không cam kết đủ trách nhiệm cho những lợi ích đó.
Ông Tusk cũng không quên nhắc bà May rằng thời hạn cuối cùng cho một thỏa thuận Brexit là tháng 10, hoặc nếu muộn hơn thì chỉ là tháng 11, vì quốc hội Châu Âu cũng cần thời gian để thông qua thỏa thuận này.
Bà May trở về nhà số 10 phố Downing mà không có gì trên tay, thay vì làm hài lòng cả 3 bên, tất cả những gì thủ tướng Anh nhận được là những cái lắc đầu trong bối cảnh chỉ còn một tuần nữa là hội nghị thường niên của đảng Bảo Thủ diễn ra ở Birmingham.
Ở thời điểm hiện tại khi Anh vẫn đang là thành viên của EU, sự tự do lưu thông trong thị trường chung châu Âu khiến cho không có một đường biên giới vật lý nào được thiết lập. Nếu Anh rời khỏi EU, tức là sẽ phải có một ranh giới giữa hai khu vực, vì nước Anh là một hòn đảo tách biệt và sẽ có một đường biên giới tự nhiên trên biển, nhưng cùng lúc đó sẽ phải có một ranh giới vật lý được thiết lập giữa Cộng hòa Ireland, 1 quốc gia thuộc EU và Bắc Ireland thuộc Liên hiệp Anh, và đây là lý do chính khiến cho mọi thảo luận về Brexit đã đi vào ngõ cụt.
Vào năm 1920, 26 trên 32 khu vực hành chính của hòn đảo này, với cư dân phần lớn theo Công giáo và là những người theo chủ nghĩa dân tộc, tách khỏi Liên hiệp Anh để giành độc lập và trở thành Cộng hòa Ireland sau này. Ở phía bắc, 6 địa hạt còn lại, với tôn giáo chủ yếu là đạo Tin Lành, muốn họ là một phần của vương Quốc Anh và trở thành Bắc Ireland từ đó cho đến nay.
Ban đầu thì đường biên giới dài 499 km này khá yên ổn, nhưng đến cuối những năm 1960 thì mọi thứ bắt đầu trở nên bạo lực.
Ở Bắc Ireland cũng có một bộ phận thiểu số những người theo Công giáo và họ cảm thấy bị áp bức bởi phần lớn dân số theo đạo Tin Lành ở khu vực này. Cùng với đó là quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) một nhóm vũ trang bao gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc coi Bắc Ireland là một phần của Ireland và bắt đầu thực hiện những hoạt động khủng bố nhắm vào Bắc Ireland và Vương quốc Anh. Những người muốn ở lại với Vương Quốc Anh hay còn gọi là phe Liên Đoàn (Unionist) cũng tự trang bị vũ khí cho mình và đó là điểm khởi nguồn của xung đột vũ trang tại Bắc Ireland.
Cả 2 phe đều thực hiện những hoạt động khủng bố, đặt bom xe và có những xô xát đẫm máu ngay trên đường phố. Để phản ứng, nước Anh điều hàng nghìn quân đến khu vực này, và trở thành mục tiêu tấn công của IRA, đặc biệt là ở khu vực biên giới, nơi mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland cho rằng là biểu tượng cho sự chiếm đóng của nước Anh.
Phải tới 3 thập kỷ sau, khi đã cướp đi mạng sống của hơn 3.600 người, cuộc xung đột này mới chấm dứt sau một thỏa thuận hòa bình lịch sử được biết đến với tên gọi “Ngày thứ 6 tốt lành” đạt được vào năm 1998 giúp cho mọi người dân ở bắc Ireland đều có thể tự do chọn mình là công dân của Cộng hòa Ireland hay Vương Quốc Anh.
Và khi người dân Anh quyết định rút khỏi EU vào năm 2016, câu hỏi được đặt ra là nước Anh và EU sẽ làm gì với đường biên giới lịch sử này? Phe ủng hộ Brexit cứng luôn cho rằng việc rời khỏi EU sẽ giúp cho nước Anh có thêm sự kiểm soát với đường biên giới của mình, nhưng lúc đó ít ai nhắc đến vấn đề đường biên giới với Cộng hòa Ireland.
Vấn đề này ngay từ những ngày đầu tiên của quá trình đàm phán đã là một trong 3 chủ để quan trọng của Brexit. Với hoàn cảnh lịch sử phức tạp và tính nhạy cảm của đường biên giới này, cả London và Brussels đều thống nhất là sẽ không có một đường biên giới cứng và họ cần phải tôn trọng thỏa thuận “Ngày thứ 6 tốt lành”. Tuy nhiên là đã hơn một năm kể từ khi quá trình đàm phán chính thức bắt đầu, cả 2 bên vẫn chưa đạt được một sự thống nhất nào về vấn đề này.
Nếu không thể xây dựng một đường biên giới ở khu vực lịch sử đó, nước Anh còn có lựa chọn khác đó là để Bắc Ireland lại với thị trường chung châu Âu, nhưng điều đó sẽ tạo ra một đường biên giới tách biệt Bắc Ireland với phần còn lại của Liên hiệp Anh, đó sẽ là một sự phản bội với những người Liên đoàn, những người luôn muốn mình là một phần của Vương Quốc Anh.
Điều này lại dẫn đến một bài toán khó nữa của bà May, chính phủ của bà là phe đa số trong Hạ Viện bởi vì đảng Bảo Thủ của bà đang liên kết với đảng DUP - đảng dân chủ Liên đoàn - đảng đại diện cho những người Liên đoàn ở Bắc Ireland.
Bà Arlene Foster, lãnh đạo DUP cho biết đảng của bà sẽ rút lại sự ủng hộ cho bà May nếu như Brexit diễn ra trong trường hợp Bắc Ireland phải chịu bất cứ một rào cản thương mại nào so với phần còn lại của Liên hiệp Anh.
Trong một động thái được cho là “nắn gân” bà May và đảng Bảo thủ, 9 thành viên của DUP ở Hạ viện, những người thay vì thường bỏ phiếu thuận theo đảng Bảo Thủ đã bỏ phiếu trắng cho một dự luật về nông nghiệp.
Vào đầu tháng này, trong kỳ đại hội thường niên của đảng Bảo Thủ diễn ra tại Birmingham, bà May bước lên bục phát biểu trong tiếng nhạc của bài Dancing Queen, và bày tỏ mong muốn một sự đoàn kết trong nội bộ đảng Bảo Thủ trong bối cảnh quá trình đàm phán Brexit với EU đang bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Điều này diễn ra vì chỉ một ngày trước đó, cựu ngoại trưởng của bà, Boris Johnson, đã có một bài phát biểu nhận được sự ủng hộ lớn của các thành viên đảng Bảo thủ trong đó không ngần ngại chỉ trích kế hoạch Chequers của bà May. Trên chiếc bục phát biểu năm nay, khác với năm 2015, chỉ còn lại từ Opportunity (cơ hội).
Tháng cuối cùng của quá trình đàm phán Brexit, bà May sẽ phải tìm được một thỏa thuận với EU trong hội nghị thượng đỉnh hôm 17/10, cuộc gặp được ông Donald Tusk cho là: “khoảnh khắc quyết định của Brexit”. Cùng với đó là việc bà May sẽ phải tìm kiếm sự ủng hộ của 2 phe Brexit cứng và Brexit mềm, tìm kiếm sự ủng hộ từ chính đảng Bảo thủ để thỏa thuận được Quốc hội Anh thông qua, và là cả một sự ủng hộ từ DUP nữa.
Ngày 11/10, ông Michel Barnier đã phát biểu trước Nghị viện châu Âu rằng một thỏa thuận là “trong tầm với” nếu như nước Anh quyết định giữ Bắc Ireland hoặc toàn bộ Vương quốc Anh trong khu vực liên minh thuế quan của EU. Nhưng kể cả có đạt được một thỏa thuận sơ bộ với EU, bà May cũng sẽ còn rất ít thời gian để khiến nó được thông qua ở Hạ viện.
Trước khi lên đường đến Brussels, bà May đã trực tiếp yêu cầu các thành viên Quốc hội ủng hộ cho kế hoạch của bà nếu như đạt được 1 thỏa thuận với EU.
“Chúng tôi đang cố gắng để đạt được thỏa thuận đó. Khi chúng tôi quay lại với một thỏa thuận, tôi hi vọng rằng mọi người trong tòa nhà này sẽ đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Người dân Anh đã chọn việc rời đi, và trách nhiệm của chúng ta là làm điều đó.”
Một ngày không dễ dàng cho thủ tướng Anh khi đó là lần đầu tiên bà quay trở lại Quốc hội sau khi kế hoạch Chequers của bà bị Brussels từ chối, nhưng có vẻ những ngày khó khăn nhất của bà, vẫn còn ở trước mắt.