Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

6 tháng trước Brexit, nước Anh sợ hãi cuộc ly hôn đắt đỏ

Chỉ còn 6 tháng nữa, “cuộc ly hôn” đắt đỏ nhất lịch sử châu Âu trở thành hiện thực, nhưng trước mắt nước Anh chỉ còn vài ngày để cứu một thỏa thuận rời EU êm thắm.

dam phan Brexit anh 1dam phan Brexit anh 2

Chỉ còn 6 tháng nữa, “cuộc ly hôn” đắt đỏ nhất lịch sử châu Âu trở thành hiện thực, nhưng trước mắt nước Anh chỉ còn vài ngày để cứu một thỏa thuận rời EU êm thắm.

“Hãy dám ước mơ rằng bình minh đang ló dạng cho một Vương quốc Anh độc lập”, Nigel Farage, lãnh đạo đảng Vương quốc Anh Độc lập (UKIP) ủng hộ Brexit, tự tin tuyên bố trước báo giới lúc 4h sáng ngày 24/6/2016 rằng phe “Ra đi” đã giành chiến thắng trước những người muốn tiếp tục ở lại Liên minh Châu Âu (EU).

Hơn 2 năm sau lời hứa “bình minh” đó, chính phủ Anh vẫn loay hoay tìm một thỏa thuận để kiềm chế cú sốc kinh tế từ cuộc "ly hôn" với EU.

Đồng hồ đếm ngược đến thời điểm bắt đầu Brexit sắp về đến số 0. Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, một nước Anh tách khỏi châu Âu chính thức trở thành hiện thực nhưng những đàm phán giữa chính phủ của bà Theresa May và EU vẫn đầy sóng gió khi hạn chót thông qua thỏa thuận Brexit ngày 29/3 đang đến gần.

dam phan Brexit anh 3

Cột mốc quan trọng trước mắt của chính phủ bà Theresa May sẽ là đêm khai mạc thượng đỉnh EU tại Brussels 17/10. Lãnh đạo 27 nước thành viên EU sẽ đánh giá tiến triển đàm phán Brexit thời gian qua và cân nhắc có cần triệu tập một thượng đỉnh bất thường vào tháng 11 để hoàn tất thỏa thuận hay không.

Bà May đang chạy đua với thời gian. Từ giờ đến hạn chót là ngày 29/3/2019, các bên cần gấp rút đạt được thỏa thuận Brexit, trình nghị viện Anh và nghị viện châu Âu phê duyệt.

Bước sang ngày 30/3, nếu nước Anh chính thức không còn là thành viên của EU và không có thỏa thuận nào trong tay, 3 triệu công dân các nước thành viên EU đang sống tại Anh và một triệu công dân Anh đang sống ở châu Âu theo chiều ngược lại khi thức giấc sẽ nhận ra mình mất toàn bộ quyền lợi và sự bảo hộ vốn có bấy lâu.

Các tuyến đường hàng không giữa Anh và EU đóng băng. Toàn bộ hệ thống siêu thị của “đảo quốc sương mù” rơi vào tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là lương thực - thực phẩm. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Barclays dự đoán việc tách rời đột ngột khỏi EU mà không có thỏa thuận nào có thể khiến ngành công nghiệp thực phẩm và nước giải khát của Anh thiệt hại gần 12 tỷ USD, với mức thuế nhập khẩu mới ở EU lên đến 27 %.

Bắc Ireland sẽ rơi vào khủng hoảng năng lượng vì có duy nhất 1 kết nối điện với đảo Anh, giá điện có thể tăng chóng mặt và tình trạng mất điện là không thể tránh khỏi. Quân đội Anh khi đó phải tốn thêm chi phí vận chuyển các máy phát điện cơ động từ chiến trường Afghanistan về biển Ireland.

Các công ty dược cũng đang lên kế hoạch tích trữ những loại thuốc quan trọng, có ý nghĩa sinh tử với bệnh nhân như insulin (điều trị tiểu đường). Cơ quan quản lý dược phẩm của Anh hy vọng kho thuốc đủ sức giải cứu thị trường trong vòng 6 tuần. Sau thời gian đó, nếu nhập khẩu thuốc vẫn chưa được nối lại với các nước châu Âu, ngành y tế Anh khó tránh khỏi khủng hoảng.

Sự tái lập các rào cản thương mại giữa EU và nước Anh cũng tác động lớn đến tình trạng thất nghiệp.

Theo Viện Nghiên cứu Ngân sách (IFS), nam giới làm các công việc liên quan đến sản xuất và chế tạo sẽ có khả năng thất nghiệp nhiều nhất. Gần 20% lao động nam giới có trình độ học vấn trung bình và làm trong các ngành công nghiệp nặng nằm trong nhóm dễ chịu tác động nhất vì các rào cản thương mại sắp tới.

dam phan Brexit anh 4

IFS dự báo các công ty phải cắt giảm nhân sự hoặc lương lao động vì xuất khẩu và lợi nhuận giảm. Khi đó, nhóm lao động nói trên khó tìm được công việc mới phù hợp và có thu nhập tương đương do không đủ các tiêu chuẩn về đào tạo và vốn kỹ năng hạn hẹp, chỉ tập trung trong công việc mình làm nhiều năm qua.

Một báo cáo khác của Hội đồng Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Anh cho thấy những doanh nghiệp dược, may mặc, hóa chất và thiết bị phục vụ giao thông là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì một phần lớn xuất khẩu đổ vào EU. Nhóm này cũng chiếm gần 10% GDP của nước Anh.

dam phan Brexit anh 5

Một trong những hứa hẹn của Farage và nhóm ủng hộ Brexit là nước Anh có thể tự do đàm phán những thỏa thuận thương mại mới có lợi hơn khi rời khỏi EU. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và chính trị gia châu Âu cảnh báo một viễn cảnh trái ngược. Quan hệ thương mại Anh – EU có khả năng mất phương hướng trong nhiều năm tới.

Sau khi chính thức "ly hôn", nước Anh sẽ bước vào một giai đoạn chuyển tiếp dự kiến kéo dài 21 tháng, theo Telegraph. Trong thời gian này, Anh và EU sẽ đàm phán lại thỏa thuận thương mại với kỳ vọng có hiệu lực từ cuối năm 2020.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel từng cảnh báo rằng thời hạn 21 tháng là quá ngắn để các bên đạt được một thỏa thuận tự do thương mại, giảm thuế 0% cho nhiều mặt hàng trong đó có nông sản. Phát biểu tuần trước tại Brussels, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar lần nữa nhấn mạnh đàm phán thỏa thuận tự do thương mại giữa EU và Anh sẽ không thể hoàn thành kịp thời hạn chuyển tiếp hậu Brexit.

“Rời khỏi EU đáng lẽ phải là một quá trình kéo dài từ 10 đến 15 năm, được chia thành từng giai đoạn. Quá trình chuyển tiếp chưa đầy 2 năm để đàm phán thỏa thuận thương mại Anh – EU là bất khả thi”, Sajad Karim, thành viên Nghị viện châu Âu đại diện vùng Tây Bắc nước Anh, nhấn mạnh.

“EU cũng từng mất 10 năm để đàm phán với Canada. Tổ chức này chưa bao giờ hoàn tất một cuộc đàm phán nào trong thời hạn chỉ có 21 tháng và cũng không có ý định bắt đầu tiền lệ đó vào thời điểm này”, ông cho biết.

dam phan Brexit anh 6

Sam Lowe, chuyên gia thương mại tại Trung tâm Cải cách Châu Âu (CER) cũng nhắc rằng riêng quá trình đàm phán Brexit đã diễn ra trong một thời gian quá ngắn.

Theo ông, nếu các bên có đạt được một thỏa thuận trình các cơ quan nghị viện thông qua trước hạn chót 29/3 thì họ cũng không thể bàn thảo đủ sâu về các vấn đề quan hệ thương mại trong tương lai. Hệ quả là nhiều bài toán khó sẽ được để lại và chờ giải quyết trong giai đoạn 21 tháng chuyển tiếp hậu Brexit.

"Nước Anh vẫn đang dậm chân tại chỗ. Vẫn không có nhiều thay đổi so với buổi sáng khi người Anh thức giấc với kết quả trưng cầu dân ý năm 2016: Họ không có trong tay một kế hoạch nào rõ ràng", New York Times nhận định.

dam phan Brexit anh 7

Sau khoảnh khắc chiến thắng của Brexit 2 năm trước, giới lãnh đạo Anh vẫn đang chìm trong những đấu đá nội bộ, loay hoay giữa những tầm nhìn khác nhau về kỷ nguyên hậu Brexit.

Những người ủng hộ giải pháp “Brexit mềm” muốn nước Anh vẫn gắn bó với hệ thống luật pháp và chuẩn mực kinh tế của EU, hạn chế tối đa những xáo trộn thương mại.

Ở chiều ngược lại, nhóm ủng hộ “Brexit cứng” lại ủng hộ hướng đi ngược lại và cứng rắn hơn: Thoát ly hoàn toàn khỏi liên minh thuế quan và hệ thống thị trường đơn nhất của EU. Họ muốn chính phủ Anh có thể tự do xây dựng các đạo luật mới về thương mại và theo đuổi các thỏa thuận mới được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.

Phải mất gần 2 năm để thủ tướng Anh Theresa May đề xuất được “Kế hoạch Chequers”, bao gồm 3 điểm nhấn chính: (1) Anh tiếp tục ở lại thị trường chung hàng hóa của EU và tuân thủ các luật lệ hiện nay của EU. (2) Anh tiếp tục tuân thủ các điều luật về thuế quan trong liên minh thuế quan EU, nhưng có quyền tự theo đuổi các thỏa thuận thương mại mới. (3) Anh được phép kiểm soát biên giới quốc gia và xuất nhập cảnh.

Theo Telegraph, bà May đang cố gắng thuyết phục EU chấp nhận cho toàn bộ nước Anh tiếp tục ở lại liên minh thuế quan và thị trường chung cho đến khi đàm phán thành công một thỏa thuận tự do thương mại mới. Nỗ lực này được đánh giá nhằm tránh viễn cảnh một biên giới “cứng” giữa Bắc Ireland của Anh và Ireland - thành viên duy nhất của EU tiếp giáp lãnh thổ đất liền của Anh.

Trong khi bà May mô tả kế hoạch của mình như một sự nhượng bộ của chính phủ Anh, phía EU lại xem lời đề nghị của bà như một thủ thuật “giành hết những phần bánh ngon nhất”.

Michael Leigh, cựu ủy viên EU và là nhà nghiên cứu thuộc Quỹ German Marshall, đánh giá bà May muốn chọn những gì có lợi nhất cho nước Anh từ EU (như lợi ích thương mại và thuế quan 0%), trong khi sẵn sàng vứt bỏ những luật lệ khác của liên minh này ra ngoài cửa sổ.

Theo ông, EU không thể chấp nhận một tiền lệ nguy hiểm như vậy, tránh rủi ro các nước khác đi vào cùng con đường Brexit, cùng đòi hỏi quyền kiểm soát biên giới trong khi vẫn được muốn hưởng tự do thương mại và làm xói mòn những lý do căn bản cho sự tồn tại của liên minh này.

Kế hoạch của bà May cũng vấp phải vô số phản đối từ nội bộ đảng Bảo thủ. Tháng 7 vừa qua, ông David Davis, bộ trưởng chuyên trách đàm phán Brexit, đã nộp đơn từ chức nhằm phản đối hướng đi của bà May. Cựu ngoại trưởng Boris Johnson chỉ trích kế hoạch của nữ thủ tướng Anh đi ngược lại “nguyện vọng của nhân dân” trong việc tách khỏi EU.

Những người ủng hộ “Brexit cứng” cho rằng bà May đang muốn một kế hoạch “nửa trong, nửa ngoài” hay trở thành “thành viên nhẹ ký của EU”. Những phản ứng mạnh mẽ này khiến chính phủ bà May phải lên tiếng trấn an, nói các thỏa thuận có thể được xét lại.

“Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức để đạt được một thỏa thuận cuối cùng trước hạn chót 29/3. Tuy nhiên, vì đây rõ ràng là một thỏa thuận song phương, tôi cho rằng các bên có thể xét lại thỏa thuận này trong giai đoạn chuyển tiếp sau đó”, Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox ngày 5/10 trả lời Bloomberg.

Chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa là cuộc ly hôn đắt đỏ nhất lịch sử châu Âu sẽ trở thành hiện thực. Trong khi đó, những trang giấy hoạch định chiến lược của nước Anh cho kỷ nguyên hậu Brexit dường như vẫn còn để trống, khi ngay cả một kế hoạch "ly hôn" với EU lúc này vẫn còn chìm trong tranh cãi.

“Bà Theresa May đang đi trên một chặng đường đầy sóng gió. Bà đang đặt cược vào con ngựa mang tên Chequers, nhưng con ngựa ấy đã chết. Tôi cũng không rõ liệu đó có phải là con ngựa cuối cùng của bà ấy trên chặng đường này không”, Andrew Bridgen, hạ nghị sĩ Anh thuộc đảng Bảo thủ, trả lời New York Times.

dam phan Brexit anh 8

TT Trump khuyen ba May khoi kien EU hinh anh

TT Trump khuyên bà May khởi kiện EU

0

Thủ tướng Anh Theresa May cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khuyên London nên khởi kiện EU, thay vì bắt đầu các cuộc đàm phán, nhằm đạt được một thỏa thuận Brexit có lợi.

Thanh Danh

Ảnh: Getty, Reuters; Đồ họa: Phượng Nguyễn

Bạn có thể quan tâm