Kết quả bỏ phiếu ban đầu tại bang Bavaria ngày 14/10 cho thấy đảng Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU), đảng kết nghĩa của đảng Liên minh Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel, mất thế đa số ở bang này.
Với kết quả tại 71/94 quận được thống kê, CSU chỉ giành được 38,8% số phiếu, trong khi số phiếu dành cho các đảng khác gia tăng đáng kể.
Đây là cú sốc lớn đáng thất vọng với CSU khi họ đã liên tục chi phối ở Bavaria trong suốt 7 thập kỷ qua kể từ sau Thế chiến II. Kết quả này cũng là sự sụt giảm lớn so với kết quả năm 2013 khi đảng này giành được 47,7% số phiếu và 101/180 số ghế.
Trong khi đó, những thành viên đảng Xanh ủng hộ chính sách nhập cư đang giữ vị trí thứ hai tại Bavaria với 15,8% số phiếu. Trong khi đó, đảng cực hữu chống nhập cư Sự lựa chọn mới cho nước Đức (AfD) chiếm được 10,8% phiếu bầu, lần đầu tiên có thể gia nhập quốc hội.
Bang Bavaria phải chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng người tị nạn năm 2015, khi cao điểm đã có hàng nghìn người tị nạn tràn vào bang này mỗi ngày. Kể từ đó, bà Merkel và các đồng minh đảng CSU đều bị chỉ trích vì không quản lý được dòng người nhập cư.
Bà Merkel đang phải chịu áp lực từ phía các đảng liên minh trước cuộc bầu cử quốc hội. Ảnh: Getty. |
AfD: “Merkel phải ra đi”
Kết quả bỏ phiếu ban đầu này đã tác động xấu đến chính phủ liên minh của bà Merkel. Thủ tướng Đức đã mất tới 4 tháng để thành lập được liên minh này thông qua các cuộc đàm phán khó khăn và phải vượt qua sự phản đối với vấn đề di cư cũng như vụ bê bối liên quan đến giám đốc tình báo của nước này.
Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) đã buộc tội các thành viên đảng CSU đứng về phía đảng chống di cư AfD trong cuộc đấu tranh công khai làm hoen ố hình ảnh của hai bên.
Đảng Dân chủ Xã hội (SPD), cũng nằm trong liên minh lớn của Merkel, dường như đã mất vị trí thứ hai trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/10, với 9,1%, chỉ bằng khoảng 1/2 số phiếu họ giành được trong cuộc bầu cử năm 2013.
Phát biểu sau khi kết quả ban đầu được công bố, lãnh đạo đảng SPD Andrea Nahles không chỉ đích danh bà Merkel nhưng nói rằng liên minh của Thủ tướng là một nguyên nhân gây ra thất bại của đảng này ngày 14/10.
“Thật cay đắng là chúng tôi không thể thuyết phục được cử tri. Chắc chắn, một trong những lí do chúng tôi không đạt được kết quả tốt là vì liên minh lớn tại Berlin”, bà nói và cho biết thêm rằng việc đối đầu đã làm tổn thương các bên trong chính phủ. “Chắc chắn là cần phải thay đổi điều này”.
Trong một bài phát biểu với những người ủng hộ sau cuộc bầu cử tại Mamming, bà Alice Weidel của đảng AfD nói rằng sẽ “không có đại liên minh nào nữa tại Berlin”.
Bà Alice Weidel của đảng AfD nói rằng sẽ “không có đại liên minh nào nữa tại Berlin”. Ảnh: Getty. |
“Những người đã bỏ phiếu cho AfD ở Bavaria hôm nay cũng cho rằng Merkel phải ra đi", bà nói. "Hãy dọn đường cho cuộc bầu cử mới, dọn đường cho chính sách quốc gia của chúng tôi”.
Nhà phân tích chính sách Leopold Traugott từ trung tâm nghiên cứu Open Europe nói với CNN rằng cả ba bên liên minh, đảng CDU, CSU và SPD, sẽ ngày càng lên tiếng kêu gọi thay đổi lãnh đạo.
"Tâm trạng của các đảng thành viên 'đại liên minh' đã trở nên rất tiêu cực trong nhiều tháng nay, và thậm chí còn tồi tệ hơn sau cuộc bầu cử này," ông nói. “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng liên minh hiện tại không có lợi cho tất cả các bên”.
Bà Merkel, đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư, đang phải chiến đấu để giữ vị trí lãnh đạo cho đảng CDU trước cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 12 tới. Áp lực từ các bên trong liên minh có thể sẽ buộc bà phải thay đổi nội các trước quốc hội.
“Rút ra bài học”
Thống đốc bang Bavaria Markus Soeder của đảng CSU cho biết cuộc bầu cử diễn ra hôm 14/10 là một bài học, “nhưng với tư cách là đảng tiên phong, CSU vẫn có quyền thành lập chính phủ”.
Thống đốc bang Bavaria Markus Soeder của đảng CSU và cử tri trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/10. Ảnh: Getty. |
“Hôm nay là một ngày không hề dễ dàng đối với đảng CSU. Chúng tôi đã không đạt được kết quả tốt. Chúng tôi đã có một kết quả đau đớn”, ông nói.
“Chúng tôi chấp nhận kết quả này với sự khiêm nhường và sẽ rút ra bài học từ nó. Chúng tôi sẽ phân tích nó. Và chắc chắn rằng cho dù có bao nhiêu tranh luận, bình luận và dự báo thì CSU vẫn là đảng mạnh nhất có quyền thành lập chính phủ. Đó là điều cần được nhắc tới trong bối cảnh này”.
Các kết quả ban đầu nhìn chung thường phản ánh kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Diễn biến sẽ được cập nhật dần cho tới khi kết quả chính thức được công bố vào sáng 15/10 (giờ địa phương).
Nếu xu thế của kết quả bỏ phiếu ban đầu này tiếp diễn, đảng CSU có thể sẽ bị bỏ lại và buộc phải liên minh với đảng Xanh bên cánh tả để không phải đứng về phía đảng AfD.
Kết quả ở Bavaria dường như cũng phản ánh xu thế ở các khu vực khác tại châu Âu. Các đảng dân túy chống lại chính sách di cư đã phá vỡ truyền thống ủng hộ của cử tri dựa trên hai phe tả - hữu, dẫn tới những kết quả và liên minh đầy bất ngờ trong chính phủ.