Haruki Murakami và các nhân vật hay xuất hiện trong tác phẩm của ông. Minh họa: Masaru Fujimoto. |
Haruki Murakami từng thổ lộ rằng mình không thể cảm được văn chương của Kawabata Yasunari, còn đọc văn của Yukio Mishima và Osamu Dazai, với ông giống như xỏ chân vào đôi giày không đúng kích cỡ.
Nhưng riêng với văn chương của Natsume Soseki, Murakami đã nhiều lần khen ngợi và thậm chí còn viết đề tựa cho Tuyển tập Natsume Soseki. Với Murakami, phong cách viết của Soseki “đã trở thành kinh điển”, không thể lay chuyển trong hơn trăm năm nữa.
Thật trùng hợp, phong cách viết của Murakami khá giống Soseki: ngắn gọn, hài hước và dí dỏm. Các nhân vật chính cũng có thể so sánh được: họ hầu hết là những trí thức bị gạt ra bên lề xã hội, và đều được tập trung miêu tả nội tâm rối ren cùng cảm thức cô đơn.
Đặc biệt, Soseki và Murakami đều thích mèo và cả hai đều viết về mèo.
Mèo và sách là hai người bạn tốt nhất của Murakami
Trong Biên niên kí chim vặn dây cót, câu chuyện xoay quanh con mèo mất tích của Toru Okada, con mèo mà Toru yêu hơn bất kỳ người đàn bà nào. Trong Kafka bên bờ biển, nhân vật chính Kafka Tamura không thể đi qua một con mèo nào mà không vuốt ve nó, Nakata, một nhân vật khác sau khi mất khả năng đọc đã có khả năng trò chuyện với mèo.
Murakami còn viết nhiều bài luận về mèo, trong đó bài On the Death of my cat - bàn về con mèo đã chết của mình. Và hẳn độc giả của Rừng Na Uy cũng đã nghe nói đến sự ra đời của tác phẩm nổi tiếng này? Ấy cũng là nhờ mèo.
Mèo trở thành biểu tượng không thể thay thế trong tác phẩm của Murakami. Ảnh: widenerlibrary. |
Một lần bận đi công tác, Murakami nhờ một giám đốc điều hành tại công ty xuất bản Kodansha chăm sóc hộ con mèo. Để đáp lại sự ưu ái ấy, Murakami hứa sẽ viết một cuốn tiểu thuyết cho nhà xuất bản này. Ơn trời, đó chính là tiểu thuyết Rừng Na Uy, quyển sách bán chạy nhất của Murakami.
Người Nhật Bản vẫn thường quan niệm mèo đem lại may mắn, quả thật ở trường hợp này không sai, mèo đã mang lại may mắn cho công ty xuất bản Kodansha.
Murakami từng kể lại rằng ông vẫn nhớ những ngày viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Lắng nghe gió hát, con mèo vẫn thường ngồi trên đùi ông, và con mèo dường như không thích ông viết tiểu thuyết, thường nghịch phá bản thảo.
Dạo còn là sinh viên, Murakami lúc đó rất nghèo. Ông từng kể mình luôn rơi vào tình trạng không một xu dính túi cứ mỗi tháng một lần, một lần kéo dài một tuần, nhưng vẫn thích nuôi mèo.
Khi người còn chẳng có mà ăn thì mèo lấy gì ăn, thế là đành “vác mặt” đi nhờ các bạn nữ trong lớp giúp đỡ. Murakami từng kể lại nếu nói rằng tôi không có tiền, tôi đói lắm, thì mọi người sẽ phớt lờ, kiểu “bạn xứng đáng với những gì bạn có, đói kệ bạn”. Nhưng nếu chỉ cần nói “con mèo ở nhà không có gì để ăn, mà tôi lại không có tiền” thì mọi người đều sẽ thông cảm, nói “không được để mèo đói” và sẽ cho Murakami vay một ít tiền cầm cự.
Murakami cưới vợ sớm, ngay từ dạo còn là sinh viên, cưới xong trời lạnh, còn phải ôm mèo để sưởi ấm. Ông từng viết, nhà “ba người” chung sống hòa bình. Trong mắt của Murakami, mèo không còn là mèo nữa mà là người nhà.
Đối với Murakami, mèo và sách không chỉ là “người bạn tốt nhất” trong cuộc sống mà còn đóng vai trò không thể thay thế trong quá trình sáng tạo của ông. Không riêng mèo, các loài động vật khác cũng thường xuất hiện trong các tác phẩm của Murakami: cừu, chó, ngựa, chuột túi, gấu, voi, kỳ lân, quạ, chim vặn dây cót...
Nguyên nhân là động vật không nói được. Và ông rất cảm thông cho những sinh vật như vậy. Một lý do khác, Murakami tin rằng đôi khi động vật có thể được sử dụng để truyền đạt nhiều thứ và nhiều ý tưởng khác nhau.
Trong 1Q84 có câu chuyện kể về người đàn ông bị lạc trong một thị trấn toàn mèo sinh sống. Và Murakami có trích đăng truyện này trên New Yorker với tiêu đề Town of Cats (Thị trấn mèo).
Sau này ông nói ông dựng nên thị trấn mèo, bởi ông đã đọc một cái gì đó tương tự rất lâu trước đấy. Tình tiết ấy thực hiện chức năng biểu tượng cho tiểu thuyết theo nghĩa khác nhau, và cách người ta lạc vào một thế giới mà từ đó anh không thể thoát ra. Có lẽ mỗi chúng ta đều có một thị trấn mèo của riêng mình ở đâu đó sâu bên trong.
Vận may của Soseki
Nhưng có lẽ Thị trấn mèo của Murakami bắt nguồn từ Tôi là một con mèo của Natsume Soseki. Murakami luôn thừa nhận mình bị ảnh hưởng bởi Soseki, nhưng đó là điều không thể tránh khỏi, vì sự nở rộ của văn học Nhật Bản hiện đại bắt đầu từ con mèo cưng của Natsume Soseki.
Vào mùa hè năm 1904, một con mèo đã đi lạc vào nhà của Natsume Soseki ở quận Sendagi, Tokyo. Mặc dù vợ của Soseki là Kyoko không thích mèo và ngay lập tức ném nó ra ngoài nhiều lần, khi cô ấy không để ý, con mèo liền quay lại, cuộn tròn trong cái chậu gỗ và ngủ. Một ngày nọ, Soseki cũng nhận ra con mèo hoang “trơ tráo” và nói với vợ: “Kiểu gì thì nó vẫn quay lại, sao em không để kệ nó?”.
Tranh vẽ Soseki. |
Như nghe hiểu người ta nói gì, con mèo đã nhận được tín hiệu chấp thuận từ chủ nhân của ngôi nhà, và nghiễm nhiên trở thành vật nuôi chính thức của Soseki.
Vài tháng sau, Soseki được Takahama Kyoshi, biên tập viên kiêm nhà xuất bản của tạp chí văn học Hototogisu, hỏi liệu anh có muốn viết gì đó cho tạp chí này không? Vào thời điểm ấy, Soseki vừa trở về Nhật Bản sau chuyến du học ở London và đang làm giáo sư văn chương tại Đại học Đế quốc Tokyo, Soseki đang cần một công trình nào đó để khẳng định vị thế của mình.
Nakajima Kunihiko, Giáo sư danh dự của Đại học Waseda, giải thích rằng: “Khi đó, Soseki đang sống với mèo cưng và ông đã nảy ra ý tưởng viết một cuốn tiểu thuyết từ góc nhìn của con mèo. Nó sẽ cho phép người ta nhìn bản thân từ thế giới bên ngoài một cách khách quan...”.
Kết quả là tác phẩm nổi tiếng Tôi là một con mèo ra đời. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Soseki được xuất bản trên Hototogisu, có góc nhìn hài hước cùng triết lý thông minh đã khiến công chúng giật mình và đón nhận tích cực. Soseki đã trở thành con cưng của văn giới. Không rõ con mèo nào đã đem lại vận may cho Soseki, con mèo văn học hay con mèo hoang đến ở nhờ nhà.
Giáo sư Nakajima cũng nói thêm: “Nhờ sự xuất hiện của tác phẩm này vào tháng giêng năm 1905, văn học hiện đại ở Nhật Bản đã được tiếp thêm sinh lực. Văn giới bắt đầu trở nên sôi động. Thậm chí có thể nói rằng con mèo lang thang vào nhà của Soseki đã tiếp thêm sinh lực cho văn học Nhật Bản hiện đại”.
Mặc dù con mèo hư cấu đã qua đời trong phần cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, chú mèo cưng của Soseki vẫn còn sống vào thời điểm đó. Con mèo đã chuyển nhà hai lần với Soseki, chứng kiến Soseki kết thúc công việc giảng dạy của mình và trở thành một nhà văn toàn thời gian.
Năm 1908, trong lúc đang bận rộn với việc viết lách, Soseki đã gửi một “thông báo về cái chết của mèo” cho những người bạn văn của mình, và dựng cho mèo cưng một ngôi mộ đá trong khu vườn của mình. Trên đá có viết dòng thơ sau: “Đây là một tiếng sét trong đêm”.
Có thể Soseki so sánh đôi mắt của con mèo trong bóng tối với ánh sáng hoặc giống như con mèo của Tôi là một con mèo, có lẽ ngụ ý rằng con mèo gửi những lời cảnh báo sấm sét đối với xã hội loài người. Dù bằng cách nào, nó cũng cho thấy nỗi buồn sâu sắc của Soseki trước cái chết của con vật cưng đã trở thành một trong những thành viên của gia đình.
Xét cho cùng, dù là con mèo của Soseki hay con mèo của Murakami, hình tượng mèo đều đã được hư cấu hóa, nhân cách hóa. Ngay cả một con mèo tự cao tự đại cũng cần một gia đình yên bình và đáng tin cậy để chúng nương tựa.
Con mèo của Soseki là một kiểu tượng trưng cho chủ nghĩa cá nhân, nhưng không phải tự cho mình là trung tâm hay tự cao tự đại mà đó là việc phát triển bản thân, đồng thời anh phải tôn trọng cá tính của người khác.
Còn với Murakami, mỗi người đều có thị trấn mèo của riêng mình, đó là vùng đất chứa đựng những gì bạn đã mất đi, những gì bạn không bao giờ có được, đó là nơi đẹp nhất, giống như tình yêu.