Cuốn sách Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ (tên gốc: Haruki Murakami and the music of words) của tác giả, GS Jay Rubin (do Y Khương chuyển ngữ). Công trình giúp độc giả trả lời câu hỏi: Vì sao nhà văn Nhật Bản này trở thành một hiện tượng văn chương toàn cầu? Âm nhạc có ý nghĩa gì trong quá trình sáng tác của Murakami?
Trong Lời nói đầu của cuốn sách xuất hiện dòng chữ “Pintac ni derewohs, amat” khiến nhiều độc giả tò mò.
Lý giải về dòng chữ này, dịch giả Y Khương cho biết trong ngôn ngữ học tồn tại khái niệm “palindrome”, tức là dòng chữ đó dù đọc từ trái qua phải hay ngược lại đều có nghĩa.
Khi chuyển ngữ tác phẩm của Jay Rubin, Y Khương muốn tôn trọng lối chơi chữ ở tác phẩm gốc nên đã giữ nguyên dòng chữ viết ngược đó.
Anh cho hay “Pintac ni derewohs, amat” đọc ngược lại là “Tama, showered in catnip”. Đây là một “câu lai” gồm cả tiếng Anh và tiếng Nhật. Trong đó, “tama” theo tiếng Nhật là tên gọi của con mèo - loài động vật mà nhà văn Haruki Murakami đặc biệt yêu mến.
Theo dịch giả, “catnip” và “pintact” đều ám chỉ con mèo. Bởi trong tiếng Anh, “pintact” là “cỏ bạc hà” và nó còn có tên gọi khác là “cỏ đuôi mèo”. Còn trong từ “catnip”, bản thân nó đã chứa chữ “cat”, nghĩa là “mèo”.
“Đây là lối dùng ‘palindrome’ - đầu và cuối câu có sự đối xứng. Đưa dòng chữ này trước gương ta sẽ thấy đúng nguyên bản gốc tiếng Anh. Nhưng thay vì sử dụng chiếc gương, trục chính của dòng chữ sẽ giúp người đọc hiểu về lối viết này. Nhưng cách chơi chữ của Jay Rubin có vẻ hơi cồng kềnh vì đan xen giữa hai ngôn ngữ”, dịch giả Y Khương nhận xét.
Cuốn sách Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ. Ảnh: Y.N. |
Trong sách (trang 113), tác giả Jay Rubin giải thích rằng trong khoảng thời gian tạm ngưng việc viết lách, nhà văn Haruki Murakami giết thời gian bằng cách nghĩ ra những “palindrome” - các câu nói có thể đọc theo cả hai chiều thuận nghịch - như “Madam, I’m Adam” và câu trả lời là “Sir, I’m Iris”.
Theo nhà nghiên cứu văn học Nhật - Khương Việt Hà - thủ pháp “gương soi” thường được dùng trong sáng tác của nhiều nhà văn Nhật và Murakami cũng không phải ngoại lệ. Dù ở góc độ nào đó “rất Tây”, căn tính Nhật của Murakami vẫn rất rõ nét.
“Thế giới trong gương là cuộc chơi của thực tại và mộng ảo. Con người sẽ chẳng nhìn thấy mặt mình nếu không có gương. Gương vừa phản ánh, vừa huyền ảo hóa thế giới thực”, nhà nghiên cứu Khương Việt Hà nói.
Nhận xét về dòng chữ “Pintac ni derewohs, amat” trong sách Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ, độc giả có tài khoản mạng Nguyen Nguyen cho biết dòng chữ ngược đó có dụng ý nhắc tới một tác phẩm của Murakami tên là Matatabi abita tama (tạm dịch: Tôi đi lại hành trình đó một lần nữa) và dù viết xuôi hay ngược thì tiêu đề đó cũng có nghĩa như nhau.
Trong Lời nói đầu của sách, tác giả Jay Rubin thú nhận bản thân là người hâm mộ Haruki Murakami và kinh nghiệm học thuật đã giúp ông lý giải cảm nhận của mình về nhà văn này.
“Điều này bao gồm việc chỉ ra những ngã rẽ mà tôi nghĩ ông chọn sai. Cách tiếp cận này cũng đòi hỏi tôi phải đôi lúc hiệu chỉnh lại những trích đoạn từng dẫn từ tác phẩm đã dịch theo cách hiểu của riêng tôi. Chủ yếu ở đây tôi muốn chia sẻ niềm hưng phấn mà tôi từng trải qua khi đọc và dịch tiểu thuyết, truyện ngắn của Murakami”, Jay Rubin viết.
Dựa trên Lời nói đầu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên phỏng đoán dòng chữ viết ngược “Pintac ni derewohs, amat” có ý nói về công việc dịch thuật.
“Tác giả coi hành động dịch như cách đối diện với chiếc gương. Do đó, dòng chữ viết ngược kia có thể ám chỉ sự hiệu chỉnh bản dịch ở một số đoạn trong những tác phẩm của Murakami mà ông đã dịch trước đó”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nêu quan điểm.