Bà Stanley Ann Dunham luôn có những quyết định táo bạo. Những điều mà bà làm là điều vô cùng mới mẻ thời đó. Người ta hiếm khi thấy một phụ nữ da trắng kết hôn với một người da màu, sinh con và ly hôn như bà.
Quyết định táo bạo khiến cuộc sống của bà khó khăn hơn. Người phụ nữ thiệt thòi này phải gồng mình để trang trải tiền thuê nhà và nuôi con một mình. Đáng lẽ, cô gái trẻ ấy hoàn toàn có thể nhồi nhét vào đứa con trai đầu lòng là Obama lòng hận thù người cha. Nhưng không, Ann vẫn dạy con yêu người cha ở xa và thường xuyên giữ liên lạc với ông....
Người phụ nữ mạnh mẽ
Khi Obama lên 2 tuổi, bà Ann tiếp tục trở lại trường đại học năm 1963. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn và thiếu thốn khiến bà phải dựa vào bố mẹ đẻ. Trong giai đoạn khó khăn, Ann gặp và đem lòng yêu một sinh viên ngoại quốc tên là Lolo Soetoro. Và lời cầu hôn mà Lolo đề nghị năm 1967 đã được bà chấp thuận bởi thấy ông là người đàn ông hiền lành, vui vẻ và rất thương yêu con trai bà (lúc đó Obama lên 6 tuổi).
Gia đình của Obama khi ở Indonesia, quê hương của cha dượng Lolo. Ảnh: New York Times |
Quyết định kết hôn với người đàn ông Indonesia khiến Ann và con trai mất hàng tháng trời để hai mẹ con thu xếp theo chồng mới. Sau một hành trình dài, ba người đặt chân tới quê hương của Lolo. Nó thật ngoài sức tưởng tượng của người phụ nữ trẻ và cậu con 6 tuổi.
“Bước xuống máy bay, đường băng như bị tróc lên bởi cái nóng và nắng gắt như trong hỏa lò. Tôi nắm chặt lấy tay mẹ, và tự nhủ sẽ bảo vệ bà”, Obama viết trong hồi ký.
Nơi ở của Lolo lại nằm ở ngoại ô Jakarta, nơi không có điện, đường phố cũng chưa được trải nhựa. Trong khi đó, Indonesia đang là thời kỳ chuyển giao chế độ và lạm phát tới 600% khiến mọi thứ đều khan hiếm.
Ann và con trai là những người ngoại quốc đầu tiên đến sống ở khu ổ chuột này. Cậu bé Obama lúc đó, muốn chơi với lũ nhóc hàng xóm, liền leo lên bức tường rào đập đập tay giả bộ làm chú chim lớn, tạo ra âm thanh vui tai. “Điều này khiến bọn trẻ nghèo bật cười”, cô Ikranagara hàng xóm của họ kể lại, và rồi chúng chơi với nhau như thân quen.
Obama được gửi tới học một trường công giáo gọi là trường tiểu học Franciscus Assisi. Là người ngoại quốc, lại thông minh, sáng dạ hơn lũ trẻ ở đó, Obama nhanh chóng thành tâm điểm. Bị gọi là “thằng da đen”, nhưng cậu bé không để bụng, trái lại còn tỏ ra thích thú khi được chơi với bọn trẻ.
Còn bà Ann không kìm được lòng trước hoàn cảnh của những con người khốn khổ nơi đây, và liên tục cho tiền những người ăn mày tới trước cửa, đến nỗi mà ông Lolo phải nói với Obama rằng “mẹ con có trái tim yếu mềm quá”.
Nhưng khi hai mẹ con bà dần thích nghi và yêu cuộc sống của người dân nghèo Indonesia thì cha dượng Lolo lại ngày càng tây hóa. Ông được thăng chức cao tại một công ty dầu khí của Mỹ và chuyển cả gia đình tới một khu phố sạch đẹp hơn. Bà Ann phát chán với những cuộc tiệc tùng bù khú và lối sống nhà giàu của chồng mình. Bà tự thu mình lại.
Dù những đồng tiền chồng kiếm được đủ cho bà sống cuộc sống dư dả, bà vẫn quyết định đi dạy tiếng Anh tại một trung tâm của đại sứ quán Mỹ. Bà dậy từ sớm tinh mơ, 4h sáng đã vào phòng gọi Obama dậy và dạy tiếng Anh cho cậu.
Dạy con về sắc tộc, bình đẳng, bình quyền
Lúc đầu, Obama được gửi vào một trường quốc tế dành cho giới nhà giàu, nhưng Ann lo con trai mình sẽ không được thử thách đầy đủ trong môi trường đó. Sau hai năm, bà chuyển con sang học ở một trường công gần nhà. Để giúp con trai có ý niệm rõ ràng hơn về thế giới của những người da màu ở Mỹ, bà thường mang sách về phong trào quyền công dân sang phòng con đọc vào buổi đêm.
Bằng cách rất riêng, để cho con hiểu hơn về những người da màu ở Mỹ, mỗi tối đi làm về, bà mang theo một cuốn sách về các phong trào dân quyền cho con đọc. Chính bà là người dạy cho Obama biết thế nào là sự hòa hợp sắc tộc, là bình đẳng giới và chính khát khao ấy đã theo ông đến tận bây giờ. Obama vẫn nhớ lời mẹ: “Mẹ tin rằng dưới lớp da kia, con người ai cũng giống nhau”.
Khi Obama lên 10, bà Ann gửi cậu về Hawaii sống cùng với ông bà ngoại và tham gia khóa học tài năng Punahou mà cậu bé được học bổng. Quyết định này đã cho thấy được bà đánh giá cáo giá trị của giáo dục đối với các con. Chấp nhận xa con để cậu được chăm sóc và có nền giáo dục tốt hơn là một sự hy sinh lớn của một người mẹ vĩ đại.
Obama và mẹ trong bức ảnh chụp năm 1979. Ảnh: New York Times |
Một năm sau, bà mang theo cô con gái út trở lại Hawaii, bỏ lại Indonesia và người chồng thứ 2. Bà tiếp tục ghi tên vào một chương trình thạc sĩ nhân chủng học Đại học Hawaii để nghiên cứu về nhân học Indonesia - nỗi niềm trăn trở bấy lâu của bà.
Thời gian này, bà bắt đầu khẳng định được mình và có tiếng nói riêng, những người quen biết trước nói bà thông minh và trầm tính, còn những người sau này biết bà, nhận xét bà là một người thẳng thắn và đầy đam mê. Bà tốt nghiệp loại ưu.
Bố dượng của Obama vẫn thường xuyên tới Hawaii thăm vợ con, nhưng họ không quay lại với nhau nữa. Ann cũng lại một lần nữa gửi đơn ly hôn vào năm 1980 mà không đòi hỏi bất cứ trợ cấp nào từ phía người chồng. Khi đó, bà có thêm một cô con gái tên là Maya Soetoro.
Tiến sĩ Ann Dunham Sutoro
Ba năm sống với con tại một căn hộ nhỏ ở Honolulu chỉ với nguồn học bổng của mình, bà Ann quyết định quay trở lại Indonesia để nghiên cứu thực địa cho luận án tiến sĩ của mình.
Tuy nhiên, Obama khi đó không theo bà. Cậu bé 14 tuổi quyết định sẽ ở lại với ông bà ở Hawaii vì mệt mỏi với sự thay đổi và cậu cảm thấy thoải mái với cuộc sống ở đây. Đứng trước quyết định của cậu con trai, bà dù rất buồn nhưng vẫn tôn trọng ý kiến của Obama.
Obama cùng ông bà ngoại. Ảnh: New York Times |
Trở lại Indonesia, bà lại đổi một cái tên nghe hiện đại hơn “Sutoro”. Ở đây, bà được giữ một vai trò quan trọng trong một chương trình thuộc hỗ trợ phụ nữ và người lao động thuộc Quỹ Ford. Không giống với các phụ nữ da trắng khác, bà dành nhiều thời gian để gặp gỡ và lắng nghe những khó khăn của người dân, đặc biệt là những vấn đề của phụ nữ.
Sau gần hai thập kỷ theo đuổi, nghiên cứu, đến năm 1992 bà đã hoàn thành luận văn tiến sĩ về những người nghèo ở Indonesia. Trong phần chú thích, bà đặc biệt gửi lời cảm ơn hai người con Barack và Maya vì chẳng bao giờ phàn nàn khi mẹ thường xuyên lặn lội tới những nơi nghèo khó và hẻo lánh.
Mùa thu năm 1994, bà quay trở lại Hawaii. Nữ tiến sĩ nhân chủng học, người mẹ đặc biệt của tổng thống Mỹ, qua đời vào tháng 10/1995 ở tuổi 52 vì chứng ung thư buồng trứng và cổ tử cung. Sự ra đi của bà là một điều hối tiếc lớn với Tổng thống Obama khi ông không được ở gần mẹ những phút cuối cùng. Tuy nhiên, tinh thần và phong thái của bà, Obama vẫn giữ lại bên mình.