Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama: Sông núi nước Nam, vua Nam ở

Phát biểu trước giới trẻ Việt Nam, Tổng thống Barack Obama khẳng định Mỹ tôn trọng chủ quyền và nền độc lập của Việt Nam. Ông còn trích lời Lý Thường Kiệt và bài hát của Văn Cao.

Tổng thống Obama phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia.

Mở đầu bài phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia hôm nay, Tổng thống Obama cảm ơn sự chào đón nồng nhiệt mà chính phủ và người dân Việt Nam đã dành cho ông. Ông khẳng định “sự thân thiện của người Việt Nam đã chạm đến trái tim tôi. Nhiều người đứng bên đường và vẫy tay chào tôi. Đêm qua, tôi cũng đã ăn thử bún chả và uống vài chai bia Hà Nội”.

“Hôm nay, khi đến đây, tôi ý thức được các vấn đề quá khứ vẫn còn tồn đọng nhưng chúng ta cũng cần hướng về tương lai, thịnh vượng, an ninh và ổn định cho cả hai bên”, Tổng thống Obama nói.

Tong thong Obama phat bieu truoc thanh nien Viet Nam anh 1
Tổng thống Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24/5. Ảnh:Hoàng Hà.

Ôn lại lịch sử

Khi nhấn mạnh về những giá trị lịch sử, Tổng thống Obama đã trích lời Tướng Lý Thường Kiệt rằng: "Sông núi nước Nam vua Nam ở, rành rành định phận ở sách trời". Theo ông Obama, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn tuyên ngôn độc lập của Mỹ rằng “mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, được sống, được tự do và được mưu cầu hạnh phúc”.

Tổng thống Obama nhắc lại hoàn cảnh Chiến tranh Lạnh và nỗi sợ hãi mơ hồ dẫn hai nước đến chiến tranh. “Chúng ta nhận ra một sự thật đau đớn rằng, chiến tranh dù vì nguyên nhân gì cũng mang lại đau đớn và bi kịch cho nhân dân cả hai phía”.

Tổng thống Mỹ nói, những bi kịch chiến tranh vẫn còn hiện hữu đến ngày nay ở cả Mỹ và Việt Nam. “Tại những nghĩa trang ở Việt Nam, trên bàn thờ hàng triệu gia đình đang thờ cúng hơn 3 triệu người Việt, bao gồm những chiến sĩ và thường dân thiệt mạng trong chiến tranh. Còn tại đài tưởng niệm ở Mỹ, đó là tên của hơn 58.000 binh sĩ mãi mãi không quay trở về”.

Hoan nghênh những thành tựu của Việt Nam

Hai thập niên trở lại đây, Tổng thống Obama đánh giá Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn sau khi hội nhập với kinh tế toàn cầu. “Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến Việt Nam. Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình, trở thành nền kinh tế phát triển nhanh. Chúng ta đã thấy nhiều khu đô thị, khu thương mại và nhà cao tầng mọc lên”.

Ông Obama nhắc tới một thế hệ mới ở Việt Nam, đó là thế hệ những công ty khởi nghiệp, thế hệ hàng chục triệu người Việt kết nối trên mạng xã hội như Facebook và Instagram. Các bạn không chỉ chụp ảnh đơn thuần, mà còn lên tiếng về những vấn đề quan tâm như phong trào “Cứu cây xanh” ở Hà Nội. Đó là động lực cho sự phát triển của Việt Nam”.

Tổng thống Obama cũng hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam trong việc xóa đói giảm nghèo. “Tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể trong khi số người dân được tiếp cận nước sạch và điện tăng lên. Nhiều người được tiếp cận với y tế và giáo dục. Trẻ em dù trai hay gái đều được đến trường và tỷ lệ biết chữ rất cao. Đây là những thành tựu ấn tượng mà Việt Nam đạt được trong thời gian ngắn”.

Hướng về tương lai

Tổng thống Mỹ khẳng định quan hệ hai nước đã thay đổi và các bên đều học được bài học từ những thay đổi này.

“Chúng ta đã nỗ lực hòa giải và hàn gắn. Chúng ta tìm kiếm những người mất tích để đưa họ về nhà, dò tìm và phá bỏ những bãi mìn chưa nổ. Tôi tự hào về những công việc mà chúng ta phối hợp (trong việc giải độc dioxin) ở Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa”.

“Quá trình hòa giải không chỉ là giữa những cựu binh. Hai nước cần trở thành những người bạn chứ không nên làm kẻ thù. Đây là những lời mà Thượng nghị sĩ John McCain đã nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, Tổng thống Obama kể lại.

Ông cũng nhắc đến một người có công lớn trong việc thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Việt Nam chính là Ngoại trưởng John Kerry, một cựu binh ở chiến trường Việt Nam.

“Những người cựu binh đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của hòa bình. Người Việt và người Mỹ đều thuộc lời bài hát của nhạc sĩ Văn Cao. ‘Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người....’"

Tổng thống Obama khẳng định, ngày hôm nay, hai nước Việt Nam và Mỹ đã trở thành bạn bè, trở thành đối tác. “Từ kinh nghiệm này, chúng ta thấy có những xung đột tưởng như không thể kết thúc nhưng nay đã có tương lai tốt đẹp hơn. Xây dựng hòa bình bao giờ cũng tốt hơn chiến tranh, đây là điều mà Việt Nam và Mỹ cùng chứng tỏ với thế giới”.

Tôn trọng chủ quyền Việt Nam

Trong bài phát biểu, Tổng thống Obama khẳng định Việt Nam là một nhà nước có chủ quyền, độc lập, và không một quốc gia nào có thể áp đặt lên ý chí của người dân Việt Nam.

“Mỹ rất quan tâm và hoan nghênh sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam. Chúng ta cần hợp tác với nhau nhiều hơn để mang lại thịnh vượng và cơ hội thực sự cho người dân hai nước”.

Tổng thống Obama nhắc lại việc rất nhiều sinh viên Việt Nam đã sang Mỹ du học, cũng như ngày càng nhiều du khách Mỹ đến Việt Nam. “Mục tiêu chuyến thăm này của tôi là xây dựng nền tảng cho những mối quan hệ song phương trong tương lai. Hai nước đã mất nhiều năm để hàn gắn quan hệ, trở thành bạn bè và đối tác”.

Đầu tư cho con người

Tổng thống Mỹ nhấn mạnh bên cạnh phát triển kinh tế, hai nước cần đầu tư vào nguồn lực con người. Đây là thế mạnh mà Việt Nam có thể hợp tác cùng Mỹ.

Theo Tổng thống Obama, thế hệ người Mỹ trước đây tới Việt Nam để chiến đấu, nhưng thế hệ hôm nay sẽ đến Việt Nam để xây dựng và hợp tác. Nhiều chuyên gia từ các lĩnh vực, toán học, ý tế, công nghệ đã đến Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam sẽ được hưởng những giá trị giáo dục tốt hơn. Sắp tới đây, đội Hòa Bình sẽ được vào Việt Nam để dạy tiếng Anh cho người Việt”.

“Đại học Fulbright sẽ giúp các sinh viên, học giả hai nước tập trung vào các lĩnh vực chính sách công, quản trị doanh nghiệp, hợp tác, công nghệ... Chúng ta sẽ nghiên cứu từ thơ của Nguyễn Du, Phan Châu Trinh và toán học của Ngô Bảo Châu”, ông Obama nói.

Tổng thống Mỹ cũng khuyến khích phụ nữ Việt Nam tham gia vào các vai trò trong xã hội nhiều hơn và giành được những vị trí xứng đáng.

Cam kết giúp Việt Nam thực hiện TPP

Tổng thống Obama cam kết hợp tác với Việt Nam để khai thác hết tiềm năng hợp tác giữa hai nước, một trong những điểm nhấn là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Với tư cách là tổng thống Mỹ, tôi ủng hộ mạnh mẽ TPP. Hiệp định này giúp Việt Nam không còn hoàn toàn phụ thuộc vào thương mại với một quốc gia duy nhất”, ông nhấn mạnh.

Ông Obama nói, TPP giúp thúc đẩy hợp tác, cải thiện thu nhập và môi trường làm việc cho người lao động. Công nhân có quyền thành lập công đoàn độc lập, môi trường được bảo vệ, và các quy định về chống tham nhũng. “Tất cả các bên đều phải tuân thủ cam kết quy định trong TPP. Đây chính là tương lai cho chúng ta”.

Tong thong Obama phat bieu truoc thanh nien Viet Nam anh 2
Tổng thống Obama vẫy tay chào các bạn trẻ Việt Nam sau khi kết thúc buổi nói chuyện. Ảnh: Hoàng Hà.

Tăng cường hỗ trợ năng lực Cảnh sát biển Việt Nam

Tổng thống Obama cho biết Mỹ tiếp tục đào tạo và hỗ trợ tăng cường năng lực, cung cấp thiết bị cho Cảnh sát biển Việt Nam, qua đó giúp lực lượng này đủ khả năng bảo vệ an ninh hàng hải, ứng phó hiệu quả trong hoàn cảnh thiên tai.

Ông nhắc lại tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào hôm qua. “Qua việc này, chúng tôi muốn tỏ rõ rằng Mỹ muốn bình thường hóa hoàn toàn với Việt Nam”. “Thế kỷ 20 đã cho thấy những bài học rằng mọi quốc gia đều có chủ quyền, và các nước dù lớn hay nhỏ đều phải tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, các nước lớn không được quyền bắt nạt những nước nhỏ hơn”, Tổng thống Obama nói.

Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, mọi tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Ông kêu gọi những cơ chế khu vực như ASEAN cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn. “Đây là quan điểm của tôi, và cũng là quan điểm của nước Mỹ”.

Tổng thống Obama lặp lại quan điểm về Biển Đông của Mỹ là Mỹ không phải bên tranh chấp, nhưng Washington luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo tự do hàng hải, tự do thương mại. “Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay tới các vùng biển theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”.

Ngoài ra, ông Obama cũng đề cập đến tầm quan trọng phải bảo vệ môi trường, các di sản của Việt Nam như Vịnh Hạ Long, Sơn Đoòng. "Chúng ta bảo vệ vì tương lai con cháu chúng ta và người Việt Nam cần bảo vệ chính môi trường của mình, chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ Đồng bằng sông Cửu Long vì đây là nguồn thực phẩm lớn của thế giới", ông nói.

Gần cuối bài phát biểu, Tổng thống Obama nói ông “rất lạc quan” vào tương lai quan hệ Việt – Mỹ. “Niềm tin của tôi chính là tin vào tình hữu nghị hai nước. Tương lai nằm trong tay các bạn và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn".

Lãnh đạo Mỹ lẩy câu Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du: “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” làm lời kết cho bài phát biểu đầy ý nghĩa của ông.

Tường thuật Obama phát biểu về quan hệ Việt - Mỹ

Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài phát biểu trước giới trẻ Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, trong đó nhấn mạnh sự phát triển của mối quan hệ Việt - Mỹ hơn hai thập kỷ qua.


Minh Anh

Bạn có thể quan tâm