"Tôi nghĩ rằng đây là một bài phát biểu hay, được chuẩn bị rất kỹ càng. Có nhìn về quá khứ về trong quan hệ Việt - Mỹ. Vì không thể nào nói về tương lai mà không nói quá khứ trong mối quan hệ này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia trưa 24/5. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong bài phát biểu, khi nói về quá khứ này, tổng thống Obama thậm chí đã đưa chiều kích quá khứ tới cả nghìn năm. Nhắc đến nghìn năm văn hiến của Việt Nam dù là cơ bản là hướng đến tương lai", bà Ninh nói.
Theo nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, trong chuyến thăm này của ông Obama, có hai vấn đề quan trọng nhất: một là kinh tế, hai là an ninh khu vực.
"Hai điểm này khẳng định tầm quan trọng của TPP. Tầm quan trọng của nó là tạo ra những lựa chọn đa dạng hơn nữa. Để Việt Nam có thế đứng độc lập, tự chủ hơn trong hoạt đông quốc tế.
Thứ hai là về việc tạo lựa chọn cho Việt Nam có thế đứng vững chãi, độc lập hơn ở khu vực, thì đó là lệnh gỡ bỏ cấm vận vũ khí. Điều này không hẳn quan trọng là câu chuyện buôn bán vũ khí, không hẳn là hiện đại hoá kho vũ khí của Việt Nam. Điều quan trọng tôi thấy là Việt Nam mở rộng được sự lựa chọn trong xây dựng thế an ninh quốc phòng, củng cố an ninh trên biển. Đương nhiên trong đây có vấn đề niềm tin", bà Ninh nhận định.
"Một ý nữa tôi thấy là sự hướng về tương lai. Bài phát biểu nhấn mạnh vào thanh niên Việt Nam. Và đặc biệt có nhắc tới cộng đồng người Việt ở Mỹ, nhắc đến trường hợp anh thanh niên vừa tự hào là người Mỹ, vừa tự hào mình là người Việt cùng một lúc. Điều này sẽ tạo ra màu sắc, bản sắc cho mối quan hệ song phương này mà các nước khác chưa chắc đã có được.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội. Ảnh: Hải An |
Nhìn tổng thể đây là một bài phát biểu lạc quan và hướng về tương lai. Và cũng đề cập một cách thẳng thắn, khéo léo về những điểm khác biệt.
Nhưng ngay cả vấn đề khác biệt, tổng thống Obama có nhắc đến việc xử lý vũ khí còn sót lại trên các cánh đồng của Việt Nam, nhắc đến vấn đề Da cam. Tôi đánh giá cao tổng thống Obama đã nói thẳng các vấn đề này", bà Ninh nói.
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội từng ở trong nhóm đối thoại Việt - Mỹ về Da cam. Cách đây 10 năm, việc đề cập đến các vấn đề này trong đối thoại song phương là rất khó khăn nhưng giờ thì đã khác.
"Về việc ông nhắc tới bài thơ Lý Thường Kiệt, có thể thấy thể hiện rõ sự coi trọng văn hoá lâu đời của Việt Nam. Tổng thống Obama đề cập tới Kim Vân Kiều như tổng thống Clinton từng đề cập (hồi năm 2000) thể hiện sự tôn trọng đại văn hào Nguyễn Du.
Ở khía cạnh văn hoá như nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn, Sơn Đoòng...thì có dấu ấn của Đại sứ Ted Osius. Một đại sứ trong thời gian rất ngắn đã hiểu được đời sống người Việt. Hiểu được Trịnh Công Sơn mang tính biểu tượng, biểu trưng như nào trong đời sống người Việt.
Đại sứ đã đi thám hiểm Sơn Đoòng, rồi đã đạp xe đến các vùng quê của Việt Nam. Đây là một người rất hiểu người Việt", bà Ninh kết luận.