Trong một cuộc trò chuyện với các phóng viên phụ trách vấn đề an ninh quốc gia và chính trị của tờ báo The Asahi Shimbun, ông John McCain – Thượng nghị sĩ kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - đã thể hiện quan điểm về tình hình cũng như chính sách của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Ông John McCain bày tỏ sự thất vọng đối với chính quyền Tổng thống Obama. Ảnh: Reuters |
- Hồi tháng 10 vừa qua, chính quyền Tổng thống Obama đã tiến hành một cuộc đối thoại về sự tự do hoạt động trong vòng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông từng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ động thái đó, vậy ông hài lòng với cách chính quyền xử lý vấn đề không?
- Trước tiên tôi cảm thấy không hài lòng, bởi theo tôi, những cuộc đối thoại như thế cần diễn ra thường kỳ. Thứ hai, tôi cảm thấy thất vọng về phiên điều trần ngày 27/10 với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, người từng từ chối xác nhận rằng chiến hạm Mỹ đã di chuyển trong khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp. Tôi đọc báo The New York Times thì biết rằng lý do ông ấy từ chối vì không muốn làm phật ý Bắc Kinh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta không bao giờ nghĩ rằng Mỹ không coi luật pháp quốc tế là ưu tiên hàng đầu. Nhìn chung tôi cảm thấy thất vọng với cách mọi thứ diễn ra.
- Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tháng 5 năm nay, ông Carter yêu cầu Trung Quốc tạm dừng các hoạt động xây đảo nhân tạo tại Biển Đông, nhưng Trung Quốc đã bỏ ngoài tai. Thái độ ấy khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tín nhiệm đối với giới lãnh đạo Mỹ. Ông nhìn nhận sự việc thế nào?
- Tôi thấy những tuyên bố Tổng thống Mỹ cùng các thành viên nội các, Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đưa ra hầu như vô nghĩa. Chúng ta không nên nói nếu chúng ta không thể làm. Những tuyên bố mạnh mẽ như vậy không mang lại lợi ích gì. Thậm chí nó còn cho thấy Mỹ không thể củng cố các tuyên bố bằng hành động.
- Vì sao ông nghĩ chính quyền Tổng thống Obama cuối cùng quyết định tiến hành các quyền tự do hàng hải? Ông đã gây nhiều áp lực trong phiên điều trần thuộc Ủy ban của ông. Áp lực đó mang lại tác động gì không?
- Một bộ phận tri thức tại Mỹ bất đồng quan điểm về việc nước Mỹ nên làm gì. Tôi nghĩ rằng phần lớn nhà bình luận về chính sách ngoại giao và an ninh quốc phòng tại Mỹ không đồng tình với việc cho phép Trung Quốc thiết lập một vùng 12 hải lý (xung quanh các đảo nhân tạo). Theo tôi thực tế này khiến quan điểm của chính quyền Mỹ lung lay.
Ông John McCain mong muốn Việt Nam tập trận cùng Mỹ. Ảnh: The Wall Street Journal |
- Ông có nghĩ rằng Nhật Bản nên điều tàu thuộc Lực lượng Phòng vệ biển đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo ở Biển Đông?
- Tôi nghĩ mọi quốc gia đều có quyền tới mọi nơi mà luật pháp quốc tế cho phép.
- Ông nghĩ rằng các nước khác, bao gồm Nhật Bản, chung sức với Mỹ để thực thi quyền tự do hàng hải?
- Nói một cách lý tưởng, tôi muốn thấy nhiều nước - bao gồm Việt Nam, Philippines và thậm chí Indonesia - thực thi quyền đó.
- Theo ông, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong tương lai sẽ ra sao? Ông cảm thấy lạc quan về mối quan hệ này chứ?
- Tôi nghĩ rằng mối quan hệ Trung - Mỹ có thể và nên suôn sẻ. Cả hai đều thuộc nhóm những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới theo cách này hay cách khác. Tuy nhiên, cách tốt nhất là phải chứng tỏ những giới hạn nhất định về các hoạt động quốc tế, bất kể là về an ninh mạng hay Biển Đông. Chúng tôi sẽ thảo luận với các nước bạn và đồng minh trong khu vực nhằm đảo bảo rằng những hành động vi phạm giới hạn sẽ phải trả giá. Chúng ta có thể sử dụng nhiều biện pháp để đối phó. Hiện giờ chúng ta có những đồng minh thân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam. Cùng nhau chúng ta có thể chứng tỏ sự đoàn kết và gắn bó.