Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông diễn ra tại Vũng Tàu ngày 24/11, ông Bill Hayton (Nghiên cứu viên tại Viện Chatham House, Anh), trình bày về những bằng chứng không đáng tin của Trung Quốc trên Biển Đông dựa trên lịch sử.
Theo ông Hayton, những nghiên cứu bằng tiếng Anh đầu tiên về Biển Đông xuất hiện sau khi Trung Quốc chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Kể từ đó đến nay phần lớn những nghiên cứu đều dựa trên các nghiên cứu ban đầu này như nguồn tham khảo về lịch sử. Do vậy, ông Hayton nhấn mạnh, các công trình này đều có cơ sở không đáng tin cậy, từ đó không thể tạo nên những lập luận khả tín.
Ông Bill Hayton, nghiên cứu viên Viện Chatham House, Anh. Ảnh: BBC |
Trao đổi với Zing.vn, ông Bill Hayton cho biết: “Những người viết về các khía cạnh pháp lý của Trung Quốc trên những kênh phương tiện bằng tiếng Anh đều là những luật sư, nhà khoa học chính trị, chuyên gia quan hệ quốc tế, chứ không phải các nhà sử học. Hơn nữa, một số tác giả là những người có các mối quan hệ với Trung Quốc”.
Ông Bill Hayton nêu ví dụ trong bài phát biểu rằng, một trong số những nghiên cứu học thuật đầu tiên về Biển Đông xuất hiện năm 1975 là của tác giả Tao Cheng đăng trên Tạp chí Luật Quốc tế Texas; và của tác giả Hungdah Chiu và Choon-Ho Park trên tạp chí Luật Quốc tế và Phát triển Đại dương.
Theo tìm hiểu của Hayton, bài báo của ông Cheng chủ yếu dựa trên những tạp chí thương mại của Trung Quốc những năm 1930. Ông Cheng không tham khảo những nguồn tin từ Pháp, Philippines hay Việt Nam. Tương tự, những nguồn thông tin trong bài báo của tác giả Chiu và Park phần lớn dựa trên các tờ báo của Trung Quốc và những tuyên bố của Bắc Kinh từ năm 1956 - 1974.
“Các tác giả này không thường chú trọng vào tính chính xác của nguồn tin gốc, không viện dẫn nguồn tin của các nước khác ngoài Trung Quốc. Do vậy, những luận điểm của họ để diễn giải về vấn đề lịch sử chỉ mang mang tính một chiều”, ông Hayton nhận định.
Một xu thế đáng lo ngại hơn, theo trình bày của ông Hayton, Trung Quốc tìm cách cập nhật những quan điểm mới liên tục sau mỗi giai đoạn khủng hoảng 1933, 1956 và 1974. Đến giữa những năm 1970, khi các học giả có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ bằng tiếng Anh, họ tìm cách đưa những nghiên cứu này vào các tạp chí khoa học phương Tây, “để nó trở thành sự thật”.
Những vấn đề về "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc
Học giả Nông Hồng. Ảnh: CSIS |
Trong khi đó, bà Nông Hồng (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Luật Biển, Viện Nghiên cứu Nam Hải, Trung Quốc) phát biểu rằng, tuyên bố chủ quyền dựa trên những quyền lịch sử sẽ mạnh mẽ và có giá trị về luật pháp hơn là những tuyên bố chỉ dựa trên khái niệm Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).
Theo bà Nông, học giả Trung Quốc và phương Tây có cách tiếp cận khác nhau. Trong khi những nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng các khái niệm lịch sử vẫn tương quan với luật pháp quốc tế, giới nghiên cứu phương Tây không đồng quan điểm này. Nữ học giả Trung Quốc nhấn mạnh, do luật quốc tế không có những luật lệ rõ ràng để quản lý những quyền hàng hải lịch sử, nên tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc không vi phạm luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, bà Nông Hồng cũng thừa nhận, do không có những quy luật rõ ràng nên vấn đề vẫn còn tranh cãi ở chỗ, liệu tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc có thể được thiết lập trong luật pháp quốc tế hay không.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nghiên cứu viên tại Viện Yusof Ishak (Singapore). Ảnh: Hải An |
Bình luận về phát biểu của bà Nông Hồng, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói với Zing.vn rằng đây là cách diễn giải quan điểm của Trung Quốc “một cách linh hoạt”. “Kể từ sau khi Trung Quốc điều giàn khoan vào vùng biển Việt Nam năm 2014 và bị chỉ trích vì hoạt động bồi lấp đảo năm 2015, những tuyên bố (chứ không phải chính sách) của nước này đã linh hoạt hơn như một cách để lại ‘đường lùi’”, Giáo sư Hùng nói.
“Một học giả Trung Quốc từng nói với tôi rằng, Trung Quốc không hoàn toàn phủ nhận giải pháp pháp lý, tuy nhiên cách này phải thực hiện song song với thương thuyết, và vẫn chú trọng tối đa vào vấn đề lịch sử. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn căn cứ và sẽ bám vào những khẳng định lịch sử của họ, bởi vì họ chỉ có những bằng chứng này. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế không công nhận những luận cứ lịch sử”, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.