Hàng trăm người thuộc các lực lượng cứu hộ của Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Philippines đang mở rộng hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Ông Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, thông báo nước này điều 15 máy bay và 9 tàu tới khu vực mà phi cơ Boeing 777-200 phát tín hiệu lần cuối trước khi mất tích, AP đưa tin.
Theo Malaysian Insider, Mỹ điều tàu khu trục USS Pinckney và một máy bay tuần tra biển P-3C Orion thuộc Hạm đội 7 tham gia nỗ lực tìm kiếm phi cơ Malaysia. Máy bay P-3C Orion sẽ xuất kích từ căn cứ không quân Kadena ở Okinawa, Nhật Bản. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục cử thêm máy bay.
Tàu khu trục USS Pinckney đang trên đường đi tìm kiếm phi cơ mất tích. Ảnh minh họa: RWphotos. |
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thông báo Bắc Kinh cử 2 tàu cứu nạn ra Biển Đông để tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS). Star dẫn lời Farida Shuib, người phát ngôn của Cơ quan Hàng hải Malaysia, cho hay giới chức nước này cử một máy bay, 2 trực thăng, 4 tàu tìm kiếm ở vùng biển phía đông. Theo Inquirer, 3 tàu tuần tra và một phi cơ của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tương tự.
Bộ Quốc phòng Singapore xác nhận họ phái một máy bay vận tải quân sự và một tàu cứu hộ tàu ngầm ra biển để hỗ trợ hoạt động tìm kiếm chiếc Boeing 777-200. Ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, cho biết, con tàu mang các thiết bị tìm kiếm dưới nước, cho phép nó cứu nạn ở những vùng biển sâu. Nhiều người nhái hải quân thuộc biên chế của tàu và họ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Máy bay mất tích của Malaysia Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur lúc 0h41 hôm 8/3 để tới phi trường quốc tế Bắc Kinh vào 6h30 cùng ngày theo giờ địa phương. Đồ họa: Hồng Duy |
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 8/3, ông Datuk Seri Najib Razak, Thủ tướng Malaysia, tuyên bố nỗ lực tìm kiếm sẽ kéo dài tới khi lực lượng cứu hộ thấy máy bay. Ông nói thêm rằng hải quân Việt Nam đã liên lạc với hải quân Malaysia để xác nhận chiếc Boeing 777-200 không rơi xuống vùng biển gần đảo Thổ Chu.
Chính quyền Malaysia cũng xác nhận, lực lượng tìm kiếm và cứu nạn của nước này sẽ làm việc qua đêm dù trời rất tốt. Đại diện Bộ Giao thông và Cục hàng không dân dụng Malaysia cho hay hải quân hoàng gia Malaysia và lực lượng không quân hoàng gia nước này cam kết sẽ tiếp tục tìm kiếm ở vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam.
Thủ tướng Malaysia Datuk Seri Najib Razak (thứ 2 từ phải sang) và Phó thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin (phải) đang động viên gia đình của các hành khách và phi công trên chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines ngày 8/3. Ảnh: Malaysian Insider. |
Trao đổi với Zing.vn, một quan chức cấp cao của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo kế hoạch, máy bay Boeing 777-200 của Malaysia vào không phận TP.HCM vào lúc 17h22 giờ GMT nhưng chưa đến nơi thì mất tín hiệu. Cà Mau là vùng gần nhất trước thời điểm máy bay phát tín hiệu lần cuối. Bộ Giao thông Vận tải đã thông báo chương trình tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp đến các tỉnh trong khu vực này.
Tân Hoa Xã đưa tin máy bay liên lạc lần cuối với bộ phận kiểm soát ở thành phố Hồ Chí Minh lúc 1h20 sáng nay. Giới chức Trung Quốc nói phi cơ chưa vào không phận nước này.
"Chúng tôi chưa nhận bất kỳ báo cáo nào về máy bay gặp nạn trên vùng biển Trung Quốc", Đài truyền hình Trung Quốc khẳng định.
Người thân của hành khách trên chuyến bay MH370 chờ tin tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, Trung Quốc vào sáng 8/3. Ảnh: Reuters |
Trang web của MAS cho biết hành khách trên chiếc phi cơ Boeing 777-200 mất tích tới từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không hành khách Việt nào xuất hiện trong danh sách.
Theo Reuters, trong danh sách hành khách Trung Quốc có mặt trên chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines ngày 8/3 do cảnh sát Bắc Kinh phát hành, ít nhất 2 cái tên có thể là tên của người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - một khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn của Trung Quốc và có liên quan đến một số vụ khủng bố gần đây ở nước này.
Ông Fuad Sharuji, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động mặt đất của MAS, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin gì về vị trí chiếc máy bay. Chúng tôi dùng nhiều kênh để liên lạc với chiếc máy bay song không thấy hồi âm".
Hai người thân của hành khách trên chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines khóc khi chờ tin người thân tại sân bay quốc Kuala Lumpur hôm 8/3. Ảnh: AP |
Zaharie Ahmad Shah, cơ trưởng của chuyến bay, 53 tuổi mang quốc tịch Malaysia. Ông đã có 18.365 giờ bay và gia nhập MAS từ năm 1991.
Sáng nay, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã phát thông báo khẩn, đề nghị tất cả ngư dân đang đánh bắt cá trên vùng biển Cà Mau, khi phát hiện máy bay rơi hoặc dấu hiệu bất thường, khả nghi, phải báo cáo ngay về các đồn biên phòng địa phương hoặc ngành chức năng Cà Mau.
Một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines. Ảnh: blogspot.com |