Nửa đêm 1/10, tiết lộ trên mạng xã hội, một nhóm các nhà quan sát phát hiện máy bay chỉ huy tác chiến hạt nhân của hải quân Mỹ, E-6 Mercury, đã đồng loạt hoạt động tại Bờ Đông lẫn Bờ Tây nước này.
Thông tin này xuất hiện chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Donald Trump đêm 1/10 chính thức xác nhận dương tính với virus corona. Bác sĩ Nhà Trắng khẳng định nhà lãnh đạo hiện hoàn toàn khỏe mạnh và ông sẽ cùng vợ tự cách ly theo quy định.
Theo chuyên gia về vũ khí hủy diệt hàng loạt Melissa Hanham, Phó giám đốc Mạng lưới Hạt nhân Mở (ONN), chương trình thuộc quỹ Tương lai Một Trái Đất (OEF), hoạt động của những chiếc E-6 có thể nhằm gửi thông điệp Mỹ có lập trường quyết liệt trong vấn đề hạt nhân, hoặc ít nhất là chứng tỏ họ có tư thế hoàn toàn chủ động trong vấn đề hạt nhân chiến lược.
"Khi bàn đến hạt nhân của Mỹ, rõ ràng mọi trường hợp đều có kế hoạch. Chưa cần phải hoảng loạn", bà đăng tải nhận định trên tài khoản mạng xã hội.
Máy bay E-6 Mercury xuất hiện trên hệ thống giám sát không lưu đa điểm MLAT nửa đêm 2/10. Ảnh: Tim Hogan. |
Thông điệp giữa khủng hoảng
Một người dùng Twitter tên Tim Hogan đã thấy 2 chiếc E-6 Mercury xuất hiện trên hệ thống giám sát không lưu dân sự, chạy bằng nền tảng giám sát đa điểm (MLAT), đang quần thảo trên vùng trời phía đông lẫn phía tây nước Mỹ.
Trên blog cá nhân, Hogan tự nhận mình có chuyên môn về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị. Ông làm việc tại Trường Luật Hawaii.
Chiếc E-6 đầu tiên được Hogan tìm thấy ở khu vực duyên hải gần thủ đô Washington D.C. Chiếc thứ hai được ghi nhận ở bờ biển bang Washington. Ảnh chụp trên MLAT do Hogan chia sẻ cho thấy chiếc E-6 khi đó đang ở gần thành phố Portland và hướng bay về phía bắc, nơi có thành phố lớn nhất bang là Seattle.
Hogan phỏng đoán các máy bay chiến lược của hải quân Mỹ sẽ nhận lệnh ngay khi ông Trump xác nhận mắc Covid-19. Sự xuất hiện của các khí tài được mệnh danh là máy bay "Ngày Tận thế" có lẽ nhằm gửi thông điệp răn đe một số nước đang có vũ khí răn đe hạt nhân, gồm tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm (SLMB) và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
E-6 thuộc loại máy bay hạt nhân chiến lược. Việc chúng xuất hiện trên hệ thống MLAT cho thấy Bộ chỉ huy Chiến lược (StratCom), cơ quan chịu trách nhiệm về vũ khí và tác chiến hạt nhân của quân đội Mỹ, muốn chúng được nhìn thấy.
Một chiếc E-6 khác của không quân Mỹ xuất hiện trên vùng trời bang Washington, Bờ Tây nước Mỹ. Ảnh: Tim Hogan. |
Tư thế hạt nhân quyết liệt hơn
Gerry Doyle, biên tập viên tin quốc tế của Reuters, lưu ý rằng Mỹ chưa từng phản ứng quyết liệt đến vậy ngay cả thời điểm Tổng thống Ronald Reagan bị ám sát hụt gần 4 thập kỷ trước. Vụ ám sát chấn động xảy ra vào năm 1981, ngay trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh khi hai siêu cường Mỹ - Liên Xô đối đầu hạt nhân căng thẳng.
Tuy nhiên, theo phóng viên mảng không quân Oriana Pawlyk của Military.com, các chiếc E-6 của Mỹ đã hoạt động khá nhiều trong năm 2020. Pawlyk cho rằng 2 máy bay của hải quân Mỹ có thể đã hoạt động theo lịch trình từ trước và đang trên đường hạ cánh.
Biên tập viên The War Zone, Tyler Rogoway, cũng nhận định một số nhà quan sát đang phản ứng thái quá trước thông tin về E-6. Những chuyến bay này khá thường xuyên thời gian qua vì Mỹ đã điều chỉnh phương thức sẵn sàng đối phó hạt nhân của mình.
Christian Triebert, chuyên gia điều tra trực quan tại New York Times, còn phát hiện chiếc E-6 Mercury số hiệu AE0414, được Hogan phát hiện tại bờ Đông, trong vòng 31 ngày qua đã được nhận diện công khai đến 20 lần.
Chiến lược Phòng thủ Quốc gia năm 2018 của Lầu Năm Góc, dưới thời Bộ trưởng James Mattis, đã nhắm đến khái niệm "dễ dự đoán về chiến lược, nhưng không thể dự đoán về hoạt động".
Chính sách này nhằm răn đe và đánh bại những đối tượng cạnh tranh chiến lược với Mỹ, khiến những người đưa ra quyết sách của nước đối thủ không thể đoán trước được "sự vận động trong triển khai lực lượng, tư thế quân sự, và hoạt động". Việc gia tăng hoạt động của các máy bay chiến lược cũng nằm trong học thuyết này.
Một chiếc E-6 tại căn cứ không quân Tinker, bang Oklahoma. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Máy bay "Ngày Tận thế"
Mỗi chiếc E-6 Mercury có tầm bay liên tục không ngưng nghỉ là hơn 8.800 km và biên chế phi hành đoàn 23 thành viên. Theo Aviationist, hải quân Mỹ có đến 16 chiếc E-6 sẵn sàng hoạt động bất kỳ lúc nào.
Những máy bay này đủ khả năng đóng vai trò đầu não chỉ huy quân sự trên không của Mỹ, có thể liên lạc được với tàu ngầm hạt nhân, ra lệnh khai hỏa vũ khí hạt nhân và chỉ huy các chiến dịch quân sự lớn. Khẩu hiệu của phi đội E-6 Mercury là TAMACO (nắm quyền kiểm soát và di tản). Họ được luân chuyển đóng tại các căn cứ không quân như Tinker ở bang Oklahoma, Travis ở bang California và Patuxent ở Maryland.
Hải quân không phải lực lượng duy nhất của Mỹ sở hữu loại máy bay "Ngày Tận thế". Binh chủng không quân cũng có trong tay chiếc Boeing E-4B Nightwatch. Những chiếc này cũng có chức năng và năng lực tương tự.
Ngoài tiết lộ về đường bay, thân phận của các máy bay "Ngày Tận thế" khi hoạt động thường được giữ tối mật với cả Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), các bộ chỉ huy lẫn sân bay quân sự.
Theo trang The Oklahoman, những chiếc E-6 Mercury có nhiệm vụ đảm bảo đường dây liên lạc giữa giới lãnh đạo quốc gia đến lực lượng tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của hải quân Mỹ trong kịch bản chiến tranh hạt nhân xảy ra.
E-6 Mercury đồng thời là "người đóng thế" hoặc phương án dự phòng cho 4 chiếc E-4B Nightwatch của không quân Mỹ. E-4B Nightwatch còn có sứ mệnh đặc biệt trong kịch bản "tận thế hạt nhân" là trở thành bộ chỉ huy trên không cho giới lãnh đạo còn sống sót.
Mỗi chiếc E-4B Nightwatch được chính phủ Mỹ mua với giá 250 triệu USD và tiêu tốn khoảng 160.000 USD/giờ bay. Các máy bay này có thể bay liên tục trong suốt một tuần nếu được tiếp liệu trên không.
Tất cả vật liệu, thiết bị dùng để chế tạo chiếc Nightwatch đều có khả năng kháng lại ảnh hưởng của một vụ nổ hạt nhân. Phi đội 4 chiếc E-4B đóng tại căn cứ không quân Offutt, Omaha, bang Nebraska.