Không lâu sau khi Hope Hicks, trợ lý cấp cao của Nhà Trắng được xác nhận mắc Covid-19, Tổng thống Donald Trump thông báo ông và vợ đã xét nghiệm dương tính. Trong thời gian qua, ông cũng tiếp xúc gần với Phó tổng thống Mike Pence.
Kịch bản cả tổng thống lẫn phó tổng thống Mỹ đều nhiễm virus corona và buộc phải cách ly đang có khả năng xảy ra rất cao. Hậu quả của tình huống trên có rất nhiều hướng phát triển, từ sự gián đoạn tạm thời cho đến một khủng hoảng toàn diện trong việc thực thi trách nhiệm tổng thống.
Cả Tổng thống Trump lẫn Phó tổng thống Pence đang có nguy cơ cùng mắc Covid-19. Ảnh: AP. |
Chiến dịch tranh cử trước nguy cơ phá sản
“Quy trình ứng phó cho kịch bản này đã được thiết lập. Chúng tôi thường xuyên tập dượt sẵn sàng cho những tình huống như khủng bố hoặc tấn công hạt nhân. Nhưng thú thật tôi chưa bao giờ dự đoán về tình huống bệnh dịch như thế này”, David Axelord, cựu cố vấn cao cấp của cựu tổng thống Barack Obama, từng trả lời Bloomberg vào tháng 5.
Trước mắt, kết quả xét nghiệm dương tính của Tổng thống Trump sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực cả chiến dịch thời gian qua: Kéo sự quan tâm của người dân Mỹ xa khỏi câu chuyện đại dịch và những tranh cãi về chiến lược ứng phó yếu kém của mình.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Trump cùng các đồng minh đã tìm mọi cách để hướng sự quan tâm của cử tri vào vấn đề biểu tình leo thang bạo lực tại các thành phố Mỹ. Ông đổ lỗi cho các thống đốc đảng Dân chủ và phong trào Black Lives Matter mà cánh tả ủng hộ đã gây nên hỗn loạn, đồng thời tập trung vào từ khóa "Luật pháp và Trật tự" để lôi kéo cử tri vùng ngoại ô. Gần đây nhất, ông còn có thêm những lá bài đánh lạc hướng khác như đề cử thẩm phán bảo thủ cho Tòa án Tối cao Mỹ, nguy cơ gian lận khi bỏ phiếu qua đường bưu điện và mối quan hệ giữa ông Biden với các nhân vật cánh tả trong đảng Dân chủ.
Bên cạnh câu chuyện chiến thuật vận động có nguy cơ phá sản, việc nhà lãnh đạo cao nhất cả nước mắc Covid-19 có thể kéo theo sự thay đổi chính sách cấp địa phương. Thống đốc các bang và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ sẽ thay đổi tư duy, đánh giá lại thời điểm và cách thức thật sự phù hợp cho việc mở cửa lại.
Kết quả xét nghiệm lần này cũng không tốt cho hình ảnh ông Trump trong mắt cử tri. Nhà lãnh đạo 74 tuổi luôn khẳng định nếu tuân thủ đúng khuyến cáo y tế và đủ cẩn trọng thì nước Mỹ có thể mở cửa trở lại, bất chấp những lời khuyên từ các nhà khoa học. Độ tin cậy trong lời nói của ông sẽ rơi tự do vì chính ông là người nhiễm virus corona, tạo ấn tượng tình hình không hề an toàn như ông tuyên bố thời gian qua.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi của đảng Dân chủ là người thứ 3, sau Phó tổng thống Mike Pence, có thể tạm điều hành chính phủ trong trường hợp Nhà Trắng khủng hoảng lãnh đạo. Ảnh: Reuters. |
"Chốt an toàn" cho khủng hoảng
Ông Trump không phải nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới nhiễm virus corona. Thủ tướng Anh Boris Johnson vào tháng 4 phải nhập viện vì bệnh Covid-19 trở nặng. Mặc dù ông Johnson ủy quyền cho Ngoại trưởng Dominic Raab phụ trách một số công việc trước khi vị thủ tướng chuyển sang giai đoạn điều trị đặc biệt vào ngày 7/4, việc chuyển giao quyền lực thực sự chưa từng được tiến hành. Hiện ông Johnson đã trở về làm việc bình thường và nhận lại toàn bộ chức trách.
Trường hợp tương tự là Tổng thống Jair Bolsonaro của Brazil, xét nghiệm dương tính vào đầu tháng 7. Ông vẫn cách ly tại dinh tổng thống nhưng duy trì giám sát và điều hành hoạt động của chính phủ.
“Nếu ông Trump cũng nhiễm virus và phải cách ly tại Nhà Trắng, nhưng vẫn nắm quyền điều hành chính phủ và vẫn đăng Twitter liên tục, tôi nghĩ tác động đến thị trường sẽ nhỏ thôi”, ông Bremmer nói.
Mỹ đã xây dựng một hệ thống "chốt an toàn" cho những trường hợp khủng hoảng vị trí lãnh đạo đất nước. Ngay cả khi ông Trump có thể bị triệu chứng nặng hơn, thì nước Mỹ đã thiết lập quy trình, và cũng từng có tiền lệ, để các tổng thống tạm thời bàn giao quyền lực.
Tu chính án thứ 25 của hiến pháp Mỹ cho phép ông Trump chuyển giao việc điều hành cho phó tổng thống, và sau đó nhận lại toàn quyền khi điều kiện sức khỏe cho phép. Hiện ông Mike Pence vẫn chưa có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Tổng thống George W. Bush (Bush “con”) đã hai lần viện đến quy trình này trong nhiệm kỳ của ông trước khi trải qua điều trị y tế. Tổng thống Ronald Reagan cũng từng một lần ủy quyền sau khi ông phải nhập viện điều trị vì bị bắn.
Người dân Mỹ cũng đang lo ngại cựu Phó tổng thống Joe Biden có nguy cơ nhiễm Covid-19 sau khi tranh luận với ông Trump ngày 29/9. Ảnh: Reuters. |
Chia rẽ đảng phái
Hiến pháp Mỹ cũng đã tính đến kịch bản tệ nhất, mà khả năng xảy ra gần như bằng không, là khi cả tổng thống và phó tổng thống đều mất năng lực điều hành.
“Trong trường hợp này thì thứ tự kế vị chức tổng thống đã quy định rất rõ ràng. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ nắm quyền tổng thống”, Ilya Somin, giáo sư luật tại Đại học George Mason, nói. Thứ tự này được quy định trong Đạo luật kế nhiệm tổng thống 1947.
Tuy nhiên, các chuyên gia hiến pháp cảnh báo hỗn loạn là gần như chắc chắn nếu kịch bản này xảy ra, bởi việc xử lý một tình huống như vậy không được quy định rõ ràng trong các điều luật. Điều đặc biệt là hạ viện Mỹ đang do đảng Dân chủ kiểm soát, còn chính phủ lại của một tổng thống đảng Cộng hòa. Mâu thuẫn đảng phái về người tạm quyền theo hiến định có thể khiến cả bộ máy rơi vào hỗn loạn.
“Mọi chuyện sẽ rối tung hoàn toàn và có thể dẫn đến một sự sụp đổ hiến pháp toàn diện. Hướng giải quyết sẽ nhanh chóng được trình lên toà án, và họ cũng phải nhanh chóng quyết định bước kế tiếp. Việc không rõ ai sẽ là tổng thống, dù chỉ trong vài giờ, cũng sẽ gây ra nguy hiểm”, ông Brian Kalt, giáo sư luật tại Đại học bang Michigan, nói.
Cụ thể, hiến pháp Mỹ không đề cập đến quy trình và cách thức để đánh giá thế nào là “mất năng lực điều hành”. Điều này có thể dẫn đến rủi ro tranh chấp khi bà Pelosi tuyên bố trở thành quyền tổng thống nhưng ông Trump và ông Pence (hoặc luật sư của họ) khăng khăng vẫn ổn để điều hành. Trong trường hợp đó, một tranh chấp quyền lực là điều có thể xảy ra.
Theo Guardian, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany từ tháng 5 đã khẳng định chính phủ không sẵn sàng cho kịch bản bà Pelosi trở thành người tạm thời thay thế Tổng thống Trump và ông Mike Pence. Nếu Nhà Trắng lách đạo luật năm 1974 quy định chủ tịch Hạ viện là người tạm quyền, chính phủ Mỹ có thể tạm thời do Ngoại trưởng Mike Pompeo điều hành.
Dù vậy, nếu khủng hoảng nhân sự lãnh đạo xảy ra, nước Mỹ vẫn cần người tạm thời điều hành đất nước. Chuyên gia y tế Jonathan Reiner của đài CNN đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng bà cần được tạm thời cách ly để đảm bảo bộ máy không đóng băng.