Máy bay Mỹ trinh sát Biển Đông
Tài liệu mật mà hãng tin Kyodo có được cho thấy các máy bay trinh sát P3C Orion của Mỹ đã tiến hành tuần tra biển nhằm giám sát các hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Hãng này cũng cho biết thêm rằng đã có các chuyến bay của P3C Orion trên Biển Đông, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa và hoạt động trinh sát, do thám của các máy bay này chủ yếu tập trung ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc chủ quyền của Việt Nam (tên quốc tế gọi là Second Thomas Shoal).
TRong khi đó, Philippines tuyên bố đang lên kế hoạch điều không quân và hải quân ra căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở phía bắc Manila để có thế tiến ra Biển Đông nhanh chóng hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết ngay khi có nguồn ngân sách, Chính phủ Philippines sẽ điều các lực lượng không quân và hải quân cùng chiến đấu cơ và tàu chiến tới vịnh Subic.
Philippines có kế hoạch đặt các căn cứ không quân, hải quân ở vịnh Subic để tiến ra Biển Đông nhanh hơn. |
“Mục đích là nhằm bảo vệ Biển Đông. Chúng tôi đang tìm kiếm nguồn tài chính cho kế hoạch này”, ông Gazmin trả lời phỏng vấn hãng tin AP (Mỹ).
Ông Gazmin cho biết vịnh Subic là vịnh nước sâu tự nhiên, là nơi Philippines cập cảng 2 tàu chiến lớn mua lại từ Mỹ, đồng minh hiệp ước của nước này.
Theo một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Philippines, việc điều chuyển các lực lượng không quân và hải quân tới Subic sẽ tiết kiệm thời gian tiếp cận Biển Đông đi 3 phút so với căn cứ không quân Clark cũng ở phía bắc Manila, nơi Philippines đang đặt các máy bay quân sự.
“Nó (Subic) có vị trí chiến lược giúp các lực lượng vũ trang Philippines có thể tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng hơn Biển Đông nhằm hỗ trợ các họat động trên vùng biển này”, tài liệu này nhận định.
Cũng theo báo cáo này, chi phí sửa chửa và nâng cấp căn cứ không quân ở Subic sẽ thấp hơn so với chi phí xây dựng một căn cứ không quân mới do bản thân tổ hợp Subic đã có một đường bay tầm cỡ quốc tế và có sẵn các cơ sở hàng không.
Báo cáo này cũng cho rằng nếu Philippines điều động khoảng 250 sĩ quân không quân tới Subic cùng với “sự hiện diện luân phiên của các lực lượng nước ngoài” thì điều đó sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh thương mại ở cảng này.
Philippines có kế hoạch cho phép các binh sĩ, tàu chiến và máy bay Mỹ sử dụng tạm thời các căn cứ quân sự của nước này nhằm tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung lớn hơn so với hiện nay.
Các quan chức Philippines cho rằng nếu quân Mỹ hiện diện nhiều hơn nữa ở nước này thì điều đó sẽ giúp phòng ngừa cái Manila cho là các hành động xâm nhập hiếu chiến của Trung Quốc vào vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.
Philippines đã ủng hộ các nỗ lực tái hiện diện quân sự tại châu Á của Washington để làm đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù đã thực hiện các bước đi ngoại giao nhằm đối phó với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, Philippines vẫn đang nỗ lực cải thiện năng lực quân sự của mình. Hiện tại quân đội Philippines là một trong những lực lượng quân đội yếu nhất châu Á.
Các tàu của Philippines đã rút lui khỏi bãi cạn Scarborough sau cuộc đối đầu với tàu hải giám Trung Quốc ở bãi cạn này hồi tháng 4/2012 và Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn này kể từ đó.
Dư luận lo ngại rằng các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông có thể sẽ dẫn tới một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng đe dọa sự tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á.
Theo TTXVN - Infonet