Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Không quân Philippines: Tham vọng lớn và khả năng để ngỏ

Với hàng loạt hợp đồng mua sắm đình đám được công bố, Philippines đang cho thấy nỗ lực để trở thành lực lượng không quân hàng đầu khu vực.

Không quân Philippines: Tham vọng lớn và khả năng để ngỏ

Với hàng loạt hợp đồng mua sắm đình đám được công bố, Philippines đang cho thấy nỗ lực để trở thành lực lượng không quân hàng đầu khu vực.

Cuối năm 2012, Chính phủ Philippines thông qua khoản ngân sách quốc phòng năm 2013 trị giá 2,9 tỷ USD. Tiếp theo đó, Tổng thống Benigno Aquino tiếp tục đề nghị khoản ngân sách trị giá 1,7 tỷ USD để hiện đại hóa quân đội trong vòng 5 năm tới và gói ngân sách này đã được quốc hội Philippines thông qua.

Điều gì đã khiến Philippines bất ngờ đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội? Phải chăng sự cố tại bãi cạn Scarborough đã thức tỉnh họ? Thực ra thì sự cố tại bãi cạn Scarborough chỉ góp thêm một lý do để họ quyết tâm  hơn với quá trình hiện đại hóa quân đội của mình.

OV-10 là chiếc máy bay chiến đấu có khả năng nhất của Không quân Philippines  nhưng nó tỏ ra quá lép vế so với các máy bay khác trong khu vực.

Không quân Philippines cùng với Lào, Campuchia được đánh giá thuộc hàng yếu nhất trong khu vực. Trong biên chế của họ không có một chiếc tiêm kích hiện đại nào.

Loại máy bay chiến đấu có khả năng nhất của Không quân Philippines là OV-10 tuy vậy nhiệm vụ chính của nó lại là tấn công mặt đất. Số còn lại phần lớn là máy bay huấn luyện và gần như không có khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ không phận.

Tuy vậy, Philippines đã lên kế hoạch hiện đại hóa quân đội từ rất sớm với tham vọng đưa họ trở thành đất nước có sức mạnh quân sự hàng đầu khu vực. Tham vọng hiện đại hóa quân đội Philippines được ban hành thành một đạo luật là Luật hiện đại hóa quân đội Philippinse còn được gọi là Đạo luật Cộng hòa số 7898 được Quốc hội nước này thông qua vào ngày 23/2/1995 dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Fidel V. Ramos.

Đạo luật có thời gian thực hiện là 15 năm với khoản ngân sách ban đầu 50 tỷ Peso (1,13 tỷ USD). Ngay sau khi đạo luật được ban hành, Không quân Philippines đã bắt tay ngay vào quá trình hiện đại hóa lực lượng. Họ đã lên kế hoạch mua sắm 36 máy bay chiến đấu đa chức năng trong vòng 15 năm.

Nếu không xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 có lẽ Không quân Philippines đã có trong tay phi đội tiêm kích F-16 hùng mạnh.

Có cả một danh sách dài các tiêm kích hiện đại nhất thời đó được mời thầu bao gồm: F-16C/D của Lockheed Martin, F-18C/D của Boeing, Mirage-2000-5 của Pháp, MiG-29 của Nga. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã cắt đứt tham vọng của quân đội và Không quân Philippines. Philippines buộc lòng phải chấp nhận bằng lòng với những gì mình có để tập trung vào quá trình hồi phục kinh tế.

Tham vọng “thay máu” không quân tiếp tục được nhen nhóm trở lại vào năm 2011 khi Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao nước này được giao nhiệm vụ tiến hành thương thảo với Mỹ về việc mua lại 12 chiếc tiêm kích F-16C/D block 25/30 đã qua sử dụng của Không quân Mỹ và tiến hành hiện đại hóa lên chuẩn block 50/52.

Thương vụ này dự kiến sẽ được thảo luận trong cuộc họp “2+2” giữa Mỹ và Philippines vào ngày 30/4/2012. Chính phủ Philippines sẽ chi tiền cho quá trình hiện đại hóa máy bay và đào tạo kéo dài trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, sau khi tính toán lại, Philippines nhận thấy quá trình hiện đại hóa với chi phí quá cao và họ chuyển sang lựa chọn loại tiêm kích hạng nhẹ được chuyển đổi từ máy bay huấn luyện siêu âm.

FA-50 sẽ là chiếc máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Không quân Philippines tuy nhiên nó vẫn chưa phải là một tiêm kích thực thụ.

Một lần nữa quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines được cụ thể hóa thành đạo luật - Đạo luật Cộng hòa số 7898 được thay thế bằng Đạo luật 10349 kéo dài quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines thêm 15 năm nữa với khoản ngân sách ban đầu là 75 tỷ Peso (1,7 tỷ USD).

Không quân Philippines lại tiếp tục mở thầu. Tuy nhiên, danh sách lần này giới hạn trong các loại máy bay huấn luyện được chuyển đổi thành tiêm kích hạng nhẹ. Danh sách bao gồm: FA-50 của Hàn Quốc, M-346 của Italia, Yak-130 của Nga, L-159B của CH Séc, BAE Hawk của Anh và AMX liên doanh giữa Italy và Brazil.

Tháng 07/2012 danh sách rút gọn xuống còn 4 đại diện là FA-50, Yak-130, M-346 và Bae Hawk. Ngày 30/01/2013 Chính phủ Philippines chính thức xác nhận FA-50 của Hàn Quốc đã được lựa chọn. Không quân nước này sẽ mua 12 chiếc FA-50 với tổng kinh phí 309 triệu USD.

Đến ngày 11/7/2013 Bộ Quốc phòng Philippines tiếp tục công bố ý định mở thầu cung cấp 8 trực thăng tấn công trị giá 78,4 triệu USD. Cơ quan này đặt ra yêu cầu loại trực thăng tham gia đấu thầu phải được trang bị đầy đủ cảm biến và vũ khí cho các hoạt động chiến đấu bất kể ngày đêm.

Philippines đang kỳ vọng vào 8 chiếc trực thăng tấn công mới sẽ nâng cao khả năng chi viện hỏa lực đường không của họ. Ảnh minh họa.

Như vậy sau nhiều thập kỷ không có máy bay chiến đấu thực thụ nào, Không quân Philippines đã bước đầu chạm tay tới khả năng tấn công trên không và  bảo vệ không phận. 12 chiếc FA-50 sẽ nâng cao đáng kể sức mạnh của không quân nước này cùng với 8 trực thăng tấn công mới họ sẽ có thêm khả năng chi viện hỏa lực đường không mạnh  mẽ.

Tuy vậy, FA-50 vẫn không phải là một tiêm kích thực thụ và nó không thể so sánh được với các tiêm kích khác trong khu vực. Cũng có thể FA-50 chỉ là một bước đệm để các phi công nước này làm quen với máy bay chiến đấu hiện đại để chuẩn bị cho một kế hoạch khác đình đám hơn.

Con đường trở thành lực lượng không quân "hàng đầu khu vực" của Philippines vẫn còn rất dài và ngày càng khó trở thành hiện thực. Có vẻ như họ đã chậm chân so với các nước trong khu vực, nếu không có những hành động cụ thể hơn thay vì chỉ có kế hoạch hay đạo luật, họ sẽ chẳng bao giờ đạt được mục tiêu này.

quốc việt

Theo Infonet

quốc việt

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm