Dân Philippines biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc
Làn sóng người Philippines sẽ biểu tình toàn cầu chống Trung Quốc “tước đoạt bãi ngầm” của Philippines, chống lại cái mà họ gọi là sự bắt nạt, ức hiếp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Liên minh Biển Đông tuyên bố họ sẽ tổ chức biểu tình vào ngày 24/7 ở nhiều thành phố trên thế giới, bao gồm Manila, London, Rome, Sydney, Copenhagen... Tại Mỹ, các cuộc biểu tình dự kiến diễn ra ở Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Chicago, Houston, Denver, và Atlanta. Theo báo Inquirer của Philippines, cuộc tuần hành chống đối ở New York - Mỹ sẽ bắt đầu ở Liên Hiệp Quốc từ 12h đến 13h ngày 24/7. Tại Philippines, địa điểm chính của cuộc biểu tình sẽ là bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Makati thuộc Manila, có tới 5.000 người sẽ tham gia vào ngày 24/7.
Báo chí địa phương miêu tả liên minh gồm các cựu quan chức Chính phủ, cựu thủ lĩnh thanh niên, người dùng mạng và thậm chí là người Mỹ gốc Philippines, cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng dự kiến tham gia biểu tình.
Hình ảnh của Trung Quốc đã trở nên tiêu cực đối với rất nhiều người dân ở đất nước Philippines vì cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Theo kết quả cuộc điều tra dư luận toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố hôm 18/7 thì 39% người dân Philippines, nghĩa là cứ 5 người Philippines thì có đến 2 người nói rằng, họ coi nước láng giềng khổng lồ của mình là kẻ thù của đất nước.
Ông Raul Hernandez - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Bộ Ngoại giao hy vọng điều này sẽ không tác động xấu vì người dân chỉ muốn thể hiện quan điểm về vấn đề. Người phát ngôn cũng cho rằng hành động sẽ không ảnh hưởng đến phiên tòa xử vụ Philippines kiện Trung Quốc trước Liên Hiệp Quốc.
“Để được chấp nhận là một quốc gia có trách nhiệm, Trung Quốc không còn sự lựa chọn nào khác. Họ phải thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng họ tôn trọng luật pháp, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế mà Philippines đang theo đuổi nhằm làm rõ quyền hàng hải của mỗi bên ở Biển Đông”, ông Hernandez nhấn mạnh.
Từ trước đến nay, Phillipines đã nhiều lần phê phán việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết các đảo ở khu vực Biển Đông là sự vi phạm Công ước Biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS 1982). Philippines đã chính thức kiện Trung Quốc ra Tòa án Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (ITCLOS) vì cho rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, vốn bao trùm hầu hết Biển Đông, là vô giá trị và vi phạm UNCLOS. Việc Philippines kiện Trung Quốc ra trọng tài quốc tế có thể dẫn tới diễn biến mới về tranh chấp lãnh hải ở khu vực: tôn trọng luật quốc tế hay tiếp tục đe dọa dùng vũ lực trên Biển Đông.
Bất chấp sự chống đối của Bắc Kinh, Ban Trọng tài do Tòa án Quốc tế về Luật Biển thành lập đã có buổi họp đầu tiên vào ngày 11/7 tại thành phố The Hague, Hà Lan, thông qua một dự thảo về quy định trình tự xét xử đồng thời yêu cầu Philippines và Trung Quốc đưa ra ý kiến về bộ quy định này và đệ trình văn bản biện hộ trước ngày 5/8.
Căng thẳng giữa hai nước lên cao từ tháng 4 năm ngoái khi Philippines chặn các tàu cá Trung Quốc tại bãi cạn. Philippines khẳng định bãi cạn thuộc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này, trong khi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền tại khu vực được cho là có nguồn dầu mỏ và hải sản phong phú này. Hai nước liên tục điều các tàu tuần tra và cả tàu chiến tới bãi đá trong nhiều tháng liền, gây lo ngại xảy ra cuộc đối đầu trực tiếp.
Philippines đã tìm cách chống lại động thái trên của Bắc Kinh bằng việc đẩy mạnh sự phòng thủ, đồng thời tăng cường quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Mỹ và Nhật Bản. Philippines đã thông báo rằng nước này đang cân nhắc cho phép Washington và Tokyo tiếp cận nhiều hơn đối với một căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. Theo thỏa thuận mới nhất, Mỹ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở đây để tăng cường sự ủng hộ cho Manila và mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Tờ The New York Times dẫn lời James Hardly, biên tập châu Á - Thái Bình Dương của Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, nhận định đây có thể là động thái cho thấy Lầu Năm Góc sẽ duy trì các lực lượng tại Philippines trong thời gian dài. Toàn bộ căn cứ mà Mỹ đang nhắm đến đều hướng ra Biển Đông để Washington có thể triển khai tàu chiến và máy bay chiến đấu nhanh chóng đến vùng biển mà các bên đang tranh chấp.
Mỹ - đồng minh và cũng là nước có Hiệp ước An ninh với Philippines, không phải là một bên trong tranh chấp ở Biển Đông nhưng cường quốc số 1 thế giới tuyên bố, nước này có lợi ích quốc gia trong việc duy trì sự tự do hàng hải và thương mại ở Biển Đông cũng như việc giải quyết các cuộc tranh chấp bằng con đường hòa bình.
Theo An Ninh Thủ Đô