Việc ông Kim bất ngờ tuyên bố từ chức vào ngày 7/1 có khả năng sẽ gây ra cuộc chiến giữa chính quyền Trump và các nhà phê bình về sự kiểm soát của Mỹ tại World Bank, tổ chức phát triển tài chính lớn nhất thế giới.
Ông Jim Yong Kim lần đầu tiên trở thành chủ tịch WB vào năm 2012. Năm 2016, ông được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ mới kéo dài đến năm 2021, tức kéo dài hết nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Ông từng là chủ tịch của Đại học Dartmouth và trước đó là một bác sĩ nổi tiếng với nỗ lực chống lại HIV/AIDS.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim tham dự lễ khai mạc một hội chợ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 6/11/2018. Ảnh: AFP. |
Việc từ chức đột ngột này có khả năng liên quan đến căng thẳng với chính quyền Trump về TQ. Các cơ quan tài chính Mỹ cho biết họ chỉ đồng ý tăng vốn cho WB nếu ngân hàng này cắt giảm các khoản vay cho Trung Quốc. Ông Kim đã bảo đảm một thỏa thuận bằng cách tăng cổ phần của Bắc Kinh trong ngân hàng trong khi hứa hẹn các biện pháp hạn chế tài chính với Trung Quốc.
Kristalina Georgieva, giám đốc điều hành hiện tại của Ngân hàng Thế giới, sẽ trở thành chủ tịch lâm thời vào ngày 1/2. Tuyên bố của WB không cung cấp tên của công ty mà ông Kim sẽ gia nhập.
Theo Wall Street Journal, trong lịch sử 7 thập kỷ của WB, chủ tịch của ngân hàng luôn được Mỹ lựa chọn. Nhiều quốc gia khác đã tìm cách chấm dứt sự kiểm soát của Washington.
Năm 2012, quyết định bổ nhiệm chủ tịch WB của Mỹ đã gây tranh cãi. Việc Mỹ đề cử ông Kim vấp phải sự cạnh tranh của các ứng viên từ Nigeria và Colombia. Nhiều quan chức lập luận rằng vai trò của Ngân hàng Thế giới trong phát triển tài chính đòi hỏi cả sự lãnh đạo từ các nước ở Nam bán cầu.
Trong email, ông Kim cho biết "cơ hội gia nhập lĩnh vực tư nhân đến bất ngờ nhưng tôi kết luận rằng đây là con đường có thể giúp tôi tạo ra tác động lớn nhất đến các vấn đề lớn toàn cầu như biến đổi khí hậu và thiếu hụt cơ sở hạ tầng tại các thị trường mới nổi".