Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP hay TPP-11) gồm 11 quốc gia, chính thức có hiệu lực vào hôm nay 30/12 ở 6 nước đầu tiên là Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Singapore.
TPP-11, chiếm 13% GDP toàn cầu, sẽ có hiệu lực ở Việt Nam sau 15 ngày nữa.
Sự vắng mặt của Mỹ, thành viên thứ 12 trong năm 2017, đã gây ra trở ngại cho các cuộc đàm phán nhằm tạo ra một khối thương mại Vành đai Thái Bình Dương nhưng các nước còn lại sẽ vẫn hưởng lợi từ các điều khoản mở cửa thị trường của TPP-11.
Theo Nikkei, thỏa thuận thương mại đa phương mới nhất của châu Á không chỉ xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa mà còn xóa bỏ rào cản đối với đầu tư, dịch vụ và dữ liệu, mở ra cơ hội trong bán lẻ, ngân hàng và thương mại điện tử.
Người mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Theo TPP-11, Việt Nam sẽ nới lỏng các hạn chế đối với việc mở cửa hàng trong lĩnh vực bán lẻ. Ảnh: Reuters. |
Việt Nam, một trong những thị trường mới nổi trong nhóm, sẽ giảm bớt những hạn chế đối với việc mở cửa hàng trong lĩnh vực bán lẻ. Sự thay đổi này có thể sẽ tạo cơ hội cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi và các nhà bán lẻ khác có chỗ đứng tại một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.
Hà Nội cũng đang nâng mức vốn đầu tư nước ngoài của các công ty tài chính lên 20% từ 15%. Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có thể thu hút các khách hàng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ từ nước mình đến Việt Nam làm nhà đầu tư.
Malaysia cũng sẽ nới lỏng lĩnh vực tài chính. Các ngân hàng từ các quốc gia thành viên TPP-11 được phép mở tới 16 chi nhánh trong cả nước, gấp đôi số lượng đối với các quốc gia không phải là thành viên, và cài đặt ATM tại các địa điểm phi thương mại, điều mà các ngân hàng nước ngoài khác không được phép.
Các quy tắc hải quan mới theo TPP-11 sẽ làm thông suốt dòng chảy thương mại qua biên giới. Các quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng hàng hóa có thể được giao nhận trong vòng 48 giờ sau khi đến sân bay.