Với chính sách "Nước Mỹ trên hết", Tổng thống Trump đối đầu với hàng loạt đồng minh lâu năm của Washington trong hai năm qua. Những người trong cuộc nói "cuộc chiến" sẽ dữ dội hơn nữa trong 2019.
Tháng 7/2018, ngày bế mạc hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Đức Angela Merkel, buộc phải gọi một cuộc họp kín, do một biến cố liên quan tới Tổng thống Mỹ Donald Trump vài phút trước đó.
Ông Trump đã đến muộn và ngắt lời các tổng thống Ukraine và Gruzia, khi họ đang phát biểu về đề nghị gia nhập NATO. Ông gọi các thành viên khối phòng thủ chung này là những kẻ ăn bám vào sức mạnh của Mỹ, và dọa sẽ “đường ai nấy đi” nếu các nước không chi thêm ngân sách quốc phòng.
Cơn giận dữ của ông Trump nhắm đến bà Merkel, cái tên lâu năm nhất trong số lãnh đạo các nền dân chủ ở châu Âu. “Chính bà, Angela”, ông gọi thủ tướng Đức bằng tên, thay vì họ theo phép lịch sự. Ông chỉ trích riêng Đức vì chỉ chi hơn 1% GDP cho quân đội (hầu hết thành viên NATO đều không đạt chỉ tiêu 2% GDP). Trước đó, nói với báo chí, ông đã lên án Đức “bị Nga giật dây hoàn toàn”, khi nhắc đến dự án đường ống dẫn khí từ Nga chạy qua Đức.
Tweet cùng ngày của ông như lời đe dọa. “NATO tồn tại làm gì nếu Đức đang trả hàng tỷ đô-la cho Nga để mua năng lượng? Mỹ đang chi tiền để bảo vệ châu Âu, rồi lại mất hàng tỷ đô-la trong thương mại. Phải chi 2% GDP NGAY LẬP TỨC, đừng nói đợi đến 2025”.
Đến lúc này, khi cấp dưới rời khỏi phòng, nhường chỗ cho buổi họp kín, các nguyên thủ vẫn chưa hết sửng sốt trước “cảnh tượng kỳ lạ” mà ông Trump là diễn viên chính. Một lãnh đạo nữ khác, bà Dalia Grybauskaitė, tổng thống Litva, bênh vực bà Merkel, nói Đức đã điều quân đội tới bảo vệ Litva trước đe dọa từ Nga, và đã cam kết tăng ngân sách quốc phòng. Thủ tướng Đan Mạch và Na Uy cũng phản bác ông Trump. Ở góc phòng, bà Merkel cùng các lãnh đạo khác tìm cách đối phó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, tháng 7/2018. Ảnh: AP. |
Cuối cùng, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đưa ra thứ mà ông Trump muốn: một chiến thắng. Ông Rutte chỉ ra kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, các đồng minh NATO đã cùng nhau tăng ngân sách quốc phòng tổng cộng 70 tỷ USD. "Ngài hãy nhận công về mình", ông Rutte nói với tổng thống Mỹ.
Ông Trump đã làm y như vậy. Thậm chí, sau đó, ông còn nói dối các phóng viên rằng các đồng minh không những nhượng bộ mà còn xem xét nâng ngân sách quốc phòng lên đến 4% GDP, một điều quá sức tưởng tượng đến mức Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải công khai đính chính.
Khi rời hội nghị, ông Trump vẫn làm người ta khó hiểu. Ông ngắt lời bà Merkel đang trao đổi với các lãnh đạo NATO, và hôn lên má bà. “Tôi yêu bà ấy”, ông nói, “bà ấy tuyệt vời nhỉ?”.
“Tôi chỉ có thể để các nhà tâm lý và sử gia phân tích tình huống đó”, một quan chức Đức không thể hiểu hành động đó của ông Trump nói.
Bốn ngày sau đó, họp báo bên cạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc. Ông phát biểu ủng hộ Moscow, coi thường đồng minh NATO, và nghi ngờ các cơ quan tình báo của chính mình.
Tuy thường xuyên có khác biệt, nhưng trong 7 thập kỷ hợp tác từ sau Thế chiến 2, châu Âu chưa bao giờ đối mặt với một nước Mỹ công khai chống lại liên minh này đến vậy.
Những phát biểu chấn động trên là đỉnh điểm của nhiều tháng sóng gió trong quan hệ giữa Mỹ và đồng minh. Ông Trump áp thuế lên các đồng minh, gọi họ là mối đe dọa “an ninh quốc gia”, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà các đồng minh cùng đàm phán. Ông luôn có lời lẽ coi thường các đồng minh, đặc biệt là bà Merkel, đồng thời có những cuộc gặp xích lại gần hơn với hai lãnh đạo đang chịu nhiều sự lên án là ông Putin và ông Kim Jong Un.
Giới lãnh đạo châu Âu đang lo ngại ông Trump còn mục tiêu xa hơn, không chỉ đòi hỏi bà Merkel chi thêm tiền cho NATO hay giảm lượng xe hơi xuất sang Mỹ. “Nhiều lãnh đạo châu Âu nói với tôi họ đang kết luận ông Trump quyết tâm phá hoại Liên minh châu Âu (EU)”, một cựu quan chức cao cấp Mỹ nói với tác giả Susan Glasser của tạp chí New Yorker.
Ông Trump đã công khai gọi EU là “kẻ địch”, và hưởng ứng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, là mối đe dọa trực tiếp đối với ông Macron và bà Merkel. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong bài phát biểu gần đây đã chỉ trích Liên Hợp Quốc, EU, Ngân hàng Thế giới, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông cho rằng tầm nhìn của châu Âu về chủ nghĩa đa phương là sai lệch và sẽ thất bại.
Ngay từ đầu khi ông Trump lên nắm quyền, các lãnh đạo châu Âu đã lường trước điều này, và muốn ứng phó theo cách khác nhau: có người muốn cầm chừng, chờ ông Trump hết nhiệm kỳ, có người muốn lên tiếng phản bác. Những người khác, đặc biệt nếu cảm thấy bị Nga đe dọa, lại muốn lấy lòng ông Trump, như Ba Lan còn đề xuất đặt tên căn cứ quân sự mới là Fort Trump. Nhà lãnh đạo trẻ Macron đã thử lấy lòng ông Trump, và khi không thành, đã chuyển sang bác bỏ chủ nghĩa dân tộc của tổng thống Mỹ.
Đối với người Đức, việc họ phải e ngại một tổng thống Mỹ là điều lạ lẫm. Mỹ đã viện trợ để Đức trỗi dậy sau Thế chiến 2. Bà Merkel lớn lên ở Đông Đức, và nhớ ơn người Mỹ đã giúp nước Đức thống nhất dưới nền kinh tế thị trường. Là lãnh đạo quyền lực nhất châu Âu, bà Merkel muốn đứng lên chống lại sự công kích từ ông Trump, nhưng trên thực tế, châu Âu vẫn cần Mỹ đảm bảo an ninh, trong bối cảnh chia rẽ nội bộ và mối đe dọa từ Nga ở phía đông.
Đường lối của ông Trump không phải không có sự ủng hộ. “Ông ấy không hoàn toàn sai, châu Âu đã ‘đi nhờ xe’ của Mỹ từ nhiều năm nay”, một quan chức cao cấp của Đức nói. Còn phát ngôn viên Nhà Trắng nói tổng thống Mỹ cho rằng Đức giàu có, nên chi nhiều hơn cho quốc phòng”.
Ngày 16/11/2016, 8 ngày sau khi ông Trump đắc cử, Tổng thống Barack Obama tới Berlin gặp bà Merkel trong chuyến công du cuối cùng trên cương vị. Tuy khởi đầu trắc trở, nhưng hai người giờ đây có lẽ là hai nhà lãnh đạo thân mật nhất trên thế giới. Dùng bữa tối, họ bàn về những sự kiện rung chuyển thế giới vừa qua, việc người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU và người Mỹ bỏ phiếu cho ông Trump cùng đường lối “Nước Mỹ trên hết”. Họ cùng nhìn ra Cổng Brandenburg ngoài cửa sổ, biểu tượng của Berlin và sự thống nhất hai miền nước Đức.
Bà Merkel tâm sự mặc dù gần hết nhiệm kỳ thứ ba, bà cần phải tranh cử lần nữa, để làm bức tường ngăn cản ông Trump, Brexit và chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang lớn dần trên khắp châu Âu. Ông Obama nói bà nên tái tranh cử.
“Ông ấy rất quan tâm đến số phận của châu Âu trong năm cuối tại chức”, ông Charles Kupchan, cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói với New Yorker. Sau bầu cử tổng thống Mỹ, tình hình càng cấp bách hơn. “Obama cho rằng cần có Merkel để giữ EU đoàn kết”, ông Kupchan nói.
Đó là một bữa tối xúc động, kéo dài ba tiếng, là khoảng thời gian dài nhất mà ông Obama trò chuyện riêng với một nguyên thủ khác. Ông đã nói với bà Merkel rằng nhiệm kỳ của ông Trump sẽ như một cơn bão, và nhắc bà “hãy tìm chỗ cao, và đứng vững”. (Ông Obama kể lại cho cố vấn an ninh quốc gia Benjamin Rhodes). Trong phòng bên cạnh, các cố vấn của bà Merkel và ông Obama cũng kết thúc bữa tối. Họ cụng ly “mừng Angela Merkel, lãnh đạo thế giới tự do” (cụm từ thường chỉ dùng cho tổng thống Mỹ), ông Rhodes kể lại.
Lời khuyên của ông Obama có tính quyết định trong toan tính của bà Merkel, các nguồn tin nói. “Tôi nghĩ bà ấy lắng nghe kỹ lời của Obama”, một quan chức cao cấp của Đức nói. Như cựu cố vấn Rhodes thuật lại trong một cuốn sách, khi ông Obama rời Đức vào ngày 18/11/2016, tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm đã thấy giọt nước mắt trên khuôn mặt bà Merkel, và ông quay sang nói với ông Rhodes “Angela, giờ đây bà ấy đơn độc một mình”. Hai ngày sau, bà Merkel tuyên bố tái tranh cử.
“Tôi nghĩ tất cả mọi người đều bị sốc. Chúng tôi quá thiếu chuẩn bị cho tình huống này”, cựu đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nói về việc ông Donald Trump đắc cử năm 2016.
Các lãnh đạo thế giới tìm cách chơi golf với ông Trump hoặc lấy lòng ông ở Tháp Trump. Về phần mình, bà Merkel ra tuyên cáo, vừa chúc mừng ông Trump, vừa đánh dấu sự khác biệt giữa hai người. Bà nhắc đến “các giá trị chung”, bao gồm “dân chủ, tự do, tôn trọng pháp luật và nhân phẩm”.
Giới ngoại giao ở cả Washington lẫn Berlin nói với bà Merkel và các cố vấn rằng ông Trump thường khó đoán, nhưng chắc chắn không đe dọa ai. Ông ta thiếu kiến thức, nhưng các cố vấn sẽ đi đúng hướng. Quan điểm của ông không thật sự giống những lời nói khó nghe. Một quan chức thâm niên của đảng Cộng hòa khuyên nên biết “kiên nhẫn chiến lược”, bỏ ngoài tai những tweet và hãy nhìn vào chính sách.
Các nước châu Âu khác cũng nhận các lời khuyên tương tự. “Người Pháp cho rằng họ sẽ không có hành động nào không thể đảo ngược, vì các chính sách trong nhiệm kỳ tổng thống Mỹ hoàn toàn có thể đảo ngược”, ông Rob Malley, cựu cố vấn của ông Obama, nói.
Ngay từ đầu, bà Merkel thừa hiểu ứng phó với ông Trump sẽ không dễ dàng. Nhưng dẫu sao, bà cũng đã vượt qua khác biệt đáng kể với hai người tiền nhiệm của ông. Bà và cựu tổng thống Bush "con" đã quan hệ tốt mặc dù cuộc chiến ở Iraq của Mỹ đã gây tổn hại cho quan hệ hai nước. Ông Bush còn vui tính massage vai cho bà Merkel tại hội nghị thượng đỉnh G8, hình ảnh được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
Với ông Obama, bà đã hợp tác với tổng thống Mỹ để cùng đáp trả mạnh mẽ việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Họ áp đặt lệnh trừng phạt và đòi hỏi đàm phán. Đến năm 2016, họ trao đổi thường xuyên tới một lần một tuần và có mối quan hệ mà các cố vấn miêu tả là chân thành, thân mật, bàn về nhiều chủ đề sâu sắc.
Đại sứ Mỹ tại Đức khuyên bà hãy gặp ông Trump sớm nhất có thể và tạo quan hệ cá nhân, vì ông Trump thường lẫn lộn công tư. Bà Merkel bay đến Washington vào tháng 3/2017. "Bà chưa chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên với một nguyên thủ nào nhiều như với ông Trump”, một cố vấn an ninh quốc gia kể lại.
Bà Merkel nghiên cứu một bài phỏng vấn kinh điển với ông Trump năm 1990 trên tạp chí Playboy, trong đó ông còn nói nếu làm tổng thống sẽ thực hiện điều gì (Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng đọc bài này). Bà cũng xem show thực tế “The Apprentice” (Nhân viên tập sự), đọc sách “Nghệ thuật Đàm phán” của ông Trump, và hỏi Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gặp ông Trump trước đó.
Thế nhưng, hình ảnh về cuộc gặp đầu tiên giữa bà và ông Trump trong Phòng Bầu dục không thể tệ hơn (ảnh bên). Nữ thủ tướng Đức đề nghị bắt tay ông Trump theo nghi thức, nhưng ông đã ngoảnh mặt đi. Sau khi các phóng viên rời đi, ông Trump được cho là đã nói “Angela, bà nợ tôi 1.000 tỷ USD”. (Phát ngôn viên Nhà Trắng phủ nhận, nhưng nói ông Trump đã diễn đạt ý đó theo cách khác).
Con số đó được chiến lược gia trưởng của ông Trump lúc đó Steve Bannon ước tính, nếu giả thiết các đồng minh NATO đã chi 2% GDP cho quốc phòng từ năm 2006. Tuy nhiên, điều này là không chính xác. Chỉ tiêu 2% chỉ có hiệu lực từ năm 2024, và không ai “nợ” ông Trump khoản tiền nào cả, theo New Yorker.
Biết ông Trump ghét báo cáo dài dòng, bà Merkel đã mang theo bản đồ để bàn về mối đe dọa của Nga đối với châu Âu. Nhưng ông Trump không để tâm. Bà Merkel kể lại ông Trump đã ngắt lời bà để khoe tỷ lệ ủng hộ cao trong số cử tri của đảng mình.
Hai nhà lãnh đạo khác nhau một trời một vực. Bà Merkel học ngành khoa học, bà từ chối vị trí giảng dạy vì không muốn giúp chính quyền theo dõi một đồng nghiệp. Bà có tư duy phân tích, cố giảng giải lý lẽ về những chủ đề phức tạp, còn ông Trump thường đơn giản hóa và gạt bỏ vấn đề.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có cảm nhận tương tự, nhưng họ cũng biết nịnh cái tôi của ông Trump, nhờ duyệt binh hay thật nhiều trận golf. Nhưng bà Merkel thì khác. “Bà ta không nịnh ai”, một quan chức Đức khác nói.
Trong các cuộc họp giữa ông Trump và bà Merkel, các quan chức Đức trang bị số liệu để chứng tỏ rằng Mỹ không chịu thiệt trong thương mại với Đức, mà còn hưởng lợi. Nhưng ông Trump chỉ “cười trừ”, và vô cùng khó để họ thuyết phục tổng thống bằng lý lẽ, dữ kiện, một quan chức Đức nói.
Họ cũng sớm nhận ra rằng vấn đề không chỉ là ông Trump coi thường lý lẽ hay sự khác biệt, mà ở chỗ tổng thống Mỹ có vẻ căm ghét nước Đức nói chung và bà Merkel nói riêng. "Ông ta dường như một mực bị ám ảnh bởi Đức, và đây là điều mà các đồng nghiệp bên trong nội các của ông ta cũng nói tới”, một quan chức cao cấp của Đức nói. Ông Trump nhất quyết đòi hỏi bằng được 2% GDP từ NATO, nhắc đi nhắc lại. “Thật không may, Đức cũng là một ưu tiên đối với Trump”, Niels Annen, nghị sĩ Đức giữ chức tương đương thứ trưởng ngoại giao, nói với New Yorker.
“Những điều Merkel gây ra cho nước Đức, quả thực là đáng xấu hổ”, ông Trump phê phán bà Merkel trước đám đông người ủng hộ tháng 3/2018, như ông vẫn thường làm khi vận động tranh cử năm 2016. Nhiều nhà quan sát đưa ra giả thuyết giải thích tại sao ông Trump kiên quyết chống lại Đức và bà Merkel.
Có ý kiến cho rằng ông Trump không thích những phụ nữ quyền lực. Người khác thì đoán bà Merkel khiến ông Trump nhớ đến Hillary Clinton. Cũng có thể là vì cha ông, Fred Trump, sau Thế chiến 2 đã chối bỏ gốc gác Đức của mình và nhận là người Thụy Điển. (Ông Donald Trump nhắc lại thông tin sai sự thật này trong cuốn Nghệ thuật Đàm phán).
Những người khác nghĩ ông Trump coi bà Merkel là bạn của Obama, và là hiện thân của chủ nghĩa toàn cầu hóa, đa phương, trái ngược với “nước Mỹ trên hết” của ông. Cũng có người cho rằng ông Trump ghét sự tán dương mà bà nhận được từ truyền thông.
Cũng có thể ông Trump đã chống lại Đức từ lâu. Trả lời phỏng vấn Playboy từ năm 1990, ông Trump đả kích việc nhập khẩu nhiều xe Đức, và nói các đồng minh “lợi dụng” Mỹ. “Donald Trump đã ghét Đức trong 30 năm”, Ivo Daalder, cựu đại sứ Mỹ tại NATO, nói với New Yorker.
Ông Trump chỉ trích bà Merkel khi hội đàm với các nguyên thủ khác như ông Macron và các đồng minh của Đức ở châu Âu. Ông Trump đả kích Đức từ đầu tới cuối buổi gặp Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven, rồi bỗng dưng tuyên bố đã họp xong, mặc dù theo lịch cuộc họp này vẫn còn nhiều thời gian.
“Các đồng minh dành cả năm 2017 để tìm cách khiến ông Trump thực hiện việc đối ngoại theo cách truyền thống, nhưng đều không thành”, Daalder nói với New Yorker. “Sang năm 2018, họ nhận ra đó mới là con người thật của Trump”.
Tháng 3/2018, ông Trump áp thuế thép và nhôm lên các đồng minh ở châu Âu và Canada, lấy lý do “an ninh quốc gia”, dù các nước này dành nhiều tháng vận động hành lang. Ông Trump cũng sa thải hai trong số 3 quan chức cao cấp được châu Âu trông đợi sẽ giữ tình hình ổn định, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Cố vấn An ninh Quốc gia H. R. McMaster, thay bằng Mike Pompeo và John Bolton theo đường lối cứng rắn, “diều hâu”.
Người thứ 3 trong nhóm được mệnh danh là “người lớn” trong chính quyền Trump, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cũng mới bị sa thải cuối tháng 12/2018.
Tháng 5/2018, tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran bất chấp sự phản đối của ông Mattis và chuyến thăm phút cuối của ông Macron và bà Merkel. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk mỉa mai trên Twitter “Đồng minh mà như đối thủ. Nhưng cũng may, nhờ vậy mà châu Âu trút bỏ ảo tưởng: không ai dang tay giúp đỡ chúng ta, ngoài chính chúng ta”.
Trong khi đó, bà Merkel ngày càng thất thế trên chính trường. Bà chỉ thắng cử sát nút cuối năm 2017, và mất 6 tháng để thành lập chính phủ liên minh. Đảng cực hữu, bài ngoại AfD thắng lớn, trở thành đảng lớn thứ 3 ở Đức. Bà dường như không còn đủ uy tín để giúp châu Âu đứng vững trước ông Trump.
Tổng thống Mỹ vẫn không nhượng bộ với Đức. Tháng 6/2018, thượng đỉnh G-7 ở Canada, ông lại phê phán Đức và NATO (nói “tại sao cần nhóm này?”) và công khai ủng hộ Nga được kết nạp trở lại vào G-7, sau khi bị loại do sáp nhập Crimea. Khi ông Trump đơn phương phản đối tuyên bố chung, các lãnh đạo khác phải thương lượng, dẫn đầu là bà Merkel. Giây phút kịch tính này được ghi lại trong ảnh: bà Merkel đang đứng, chống tay xuống bàn, nghiêm túc thuyết phục ông Trump đang ngồi khoanh tay, làm ngơ.
Một chi tiết đáng nói khác được Ian Bremmer, người sáng lập một công ty tư vấn địa chính trị, chia sẻ với các khách hàng. Cuối buổi đàm phán, ông Trump ném hai chiếc kẹo Starburst lên bàn trước khi ra ngoài và nói “Đây, Angela, đừng nói tôi không bao giờ cho bà cái gì”. (Nhà Trắng nói tổng thống chỉ đang đùa.) Sau đó, ông Trump tweet rằng sẽ không ký tuyên bố chung vì giận dữ trước bình luận sau hội nghị của Justin Trudeau.
Vài ngày sau, ông Trump công kích bà Merkel một cách nặng nề nhất từ trước đến giờ, cổ vũ cho các lực lượng cánh hữu ở Đức. “Người Đức đang chán ngấy lãnh đạo của mình, vì di dân đang làm Berlin hỗn loạn. Tội phạm ở Đức ngày càng tăng”, ông Trump viết trên Twitter. Nhưng thông tin đó là không chính xác.
Các lãnh đạo thế giới cố gắng thương lượng sau khi Tổng thống Trump đơn phương từ chối ký tuyên bố chung hội nghị G-7 tháng 6/2018 ở Canada. Ảnh: Chính phủ Đức/AP. |
Trước nay, chiến lược của châu Âu là không nhượng bộ, nhưng cũng không xa cách ông Trump. Họ cố cân bằng giữa phản ứng lại chính sách của Mỹ, đồng thời vẫn hợp tác khi có thể: bà Merkel cứng rắn còn ông Macron mềm dẻo, theo Kupchan, cố vấn châu Âu của cựu Tổng thống Obama. Nhưng đến giờ, không ai còn tin có thể hòa hoãn với ông Trump.
Đường lối của Mỹ đặc biệt gây thất vọng ở Đức. Trong hơn 7 thập kỷ, Đức đã vượt qua nỗi nhục thời phát xít nhờ đi theo trật tự thế giới do Mỹ tài trợ. Hợp tác với các cơ chế đa phương như NATO, EU đã in sâu trong tiềm thức. “Chúng tôi thất vọng, vì quan hệ với Mỹ có ý nghĩa, như quan hệ cha – con. Bây giờ đứa con không nhận ra cha mình nữa, và nhận ra cha nó có thể đánh nó”, một quan chức cao cấp của Đức nói với New Yorker.
Chính quyền Trump và những người ủng hộ phe Cộng hòa có những lý lẽ của mình, và nói các đồng minh đã lo lắng quá mức. Họ cho rằng trước đây Đức và Mỹ vẫn luôn có những tranh cãi. Ông Obama cũng đã đòi Đức chi nhiều hơn cho quốc phòng, và ông Trump cũng đang mạnh tay với Nga và Iran. “Bạn có thể không thích tổng thống, nhưng hãy nhìn vào chính sách”, họ cãi lại.
Dù vậy, chính quyền Mỹ cũng không cố giảm bớt các quan ngại, mà còn khiến người ta thêm bất an. Tháng 4, ông Trump đã bổ nhiệm Richard Grenell, nhà phân tích bảo thủ trên kênh Fox, chuyên lên án, công kích trên Twitter, làm Đại sứ ở Đức. Ngay lập tức, ông này gây bất bình vì trả lời phỏng vấn trang mạng cực hữu Breitbart, trang mạng sau đó đã giật tít rằng đại sứ muốn giúp giới cực hữu ở Đức lớn mạnh. “Ông ấy có kiểu bặm trợn giống Trump, nên được Trump thích, nhưng người Đức ghét nhất điều đó”, một quan chức cao cấp của Mỹ nói với New Yorker.
Ông Grenell nhắm đến 3 vấn đề gai góc trong quan hệ với Đức: yêu cầu Đức cấm vận Iran, chi thêm cho quốc phòng và ngừng dự án ống dẫn khí Nord Stream 2 giúp Đức mua khí từ Nga, mà ông Trump cho rằng sẽ khiến Đức bị Nga kiểm soát.
Chiến dịch gây áp lực cũng bao gồm vận động để Đức xây trạm đầu mối để nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), sẽ làm lợi cho Mỹ, vốn mới trở thành nước xuất khẩu LNG. Mỹ có thể sẽ gây thêm áp lực đồng thời đe dọa trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án Nord Stream 2, theo quan chức cao cấp của ông Trump.
Đánh thuế xe hơi nhập từ châu Âu – điều mà ông Trump luôn đòi hỏi từ những năm 1980 – cũng là một khả năng, dù Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, và ông Trump đã bàn về chủ đề này. Động thái này sẽ gây thiệt hại nặng nề cho ngành xe hơi hùng mạnh của Đức, đến mức chiến tranh thương mại sẽ nổ ra.
Ông Trump cũng rút khỏi hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung quan trọng từ thời Reagan với Nga. Tuy ông Obama vẫn cảnh báo Nga đang vi phạm, nhưng việc ông Trump rút khỏi là đường đột và khiến các đồng minh bất ngờ (trong khi đó, Bolton lại bay sang trực tiếp trao đổi với Nga). Tổng thống Nga Putin giờ đây có thể tiếp tục vi phạm hiệp ước đồng thời đổ lỗi cho Mỹ đã phá hỏng nó. Dù ông Trump đã nhượng bộ trước yêu cầu của bà Merkel là trì hoãn việc này và cho Nga tối hậu thư 60 ngày, bước đi này khiến Đức tức giận trước mối đe dọa lớn hơn khi Nga, giờ đây có thể triển khai thêm tên lửa mà không vi phạm hiệp ước nào.
Những chính sách này không quá khác biệt so với tổng thống tiền nhiệm. Nhưng khác với ông Obama, ông Trump mạnh miệng, sẵn sàng đòi hỏi, thay đổi đột ngột, thậm chí xúc phạm các đồng minh. Dư luận Đức bị chia rẽ trên nhiều vấn đề, nhưng có chung sự phẫn nộ với ông Trump. Chỉ 10% người Đức ủng hộ ông. “Mối quan hệ như vậy là độc hại”, Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ, nói với New Yorker. “Càng khó để hai nước đi đến đồng thuận”.
“Trật tự thế giới mà chúng ta quen thuộc giờ không còn nữa. Liên minh kéo dài hàng thập kỷ đang lung lay chỉ trong vòng vài phút cần thiết để viết một đoạn tweet”, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass phát biểu ở Berlin tháng 6/2018.
Phát biểu trên là kết quả của các nỗ lực mới bên trong Bộ Ngoại giao Đức, xây dựng một “Chiến lược Mỹ” chưa từng có. “Phải sửa lại phần lớn chính sách đối ngoại của Đức, vì việc giả định Đức có thể hoàn toàn trông cậy ở Mỹ hiện bị nghi ngờ”, một quan chức cao cấp của Đức nói với New Yorker. “Chúng tôi có lẽ sẽ phải coi Mỹ không chỉ là đối tác, mà còn là đối thủ cạnh tranh, đối lập … theo cách mà chúng tôi coi Nga và Trung Quốc”.
Tất nhiên vẫn có tranh cãi ở Berlin liệu chính sách của ông Trump thực sự phản ánh mong muốn của nước Mỹ muốn tự cô lập, hay chỉ là hướng đi sai lệch tạm thời mà các cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu bác bỏ. Các nhà hoạch định chính sách ở cả Washington và Berlin chưa rõ liệu chủ nghĩa bảo hộ có tiếp tục sau thời của ông Trump, và liệu Đức có vấn đề với ông Trump hay với nước Mỹ.
Bà Merkel thận trọng hơn Ngoại trưởng của bà. Khi ông Mass đưa ra đề xuất đầy tranh cãi trên mặt báo – hệ thống thanh toán thay thế SWIFT để châu Âu có thể tiếp tục làm ăn với Iran vốn chịu cấm vận của Mỹ, bà Merkel đã lên tiếng bác bỏ.
Đầu tháng 10/2018, tới thăm Đại sứ quán Đức ở Washington, ông Mass đề xuất một chiến dịch mới: bỏ qua Tổng thống Trump, lấy lòng nước Mỹ: quảng bá cho nước Đức ở khắp nơi, để chống lại tiếng xấu mà ông Trump đã tạo ra. Nhưng ngôn ngữ của ông Trump vẫn đầy khiêu khích. “Liên minh châu Âu, nghe hay nhỉ? Nhưng họ ác lắm, lập ra để lợi dụng chúng ta”, tổng thống Mỹ phát biểu tại một buổi vận động cử tri.
Cuối tháng 10/2018, đảng của bà Merkel chật vật trong cuộc bầu cử, và bà tuyên bố sẽ không tái tranh cử khi hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ông Trump không thèm gọi bà Merkel sau quyết định chắc chắn sẽ làm đảo lộn chính trường châu Âu.
Tháng 11/2018, đến lượt ông Trump thất bại trước cử tri khi để mất Hạ viện vào tay đảng Dân chủ sau bầu cử giữa kỳ. Dù vậy, sau đó vài ngày, ở Brussels, Bỉ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tiếp tục lên án chủ nghĩa đa phương, EU và một loạt các tổ chức quốc tế khác. Cuộc giằng co giữa Mỹ và châu Âu vẫn sẽ tiếp diễn.
Các thủ đô châu Âu đã rút ra bài học và không coi nhẹ những lời lẽ như trên, và các chính sách không tưởng đang được cân nhắc. Vào ngày bầu cử giữa kỳ Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề nghị thành lập liên quân châu Âu để “tự vệ mà không cần Mỹ”. Quan chức của ông Trump phê phán điều đó là thiếu tôn trọng trong khi Mỹ vẫn đang “duy trì sự ổn định mà châu Âu không phải trả tiền”. Sau đó một tuần, bà Merkel lên tiếng ủng hộ đề nghị của ông Macron, dù đề nghị đó là phi thực tế, theo New Yorker.
Song dù bà Merkel có dùng giọng điệu quyết liệt, Đức cũng khó đối đầu với Mỹ. Đức không có quân đội đủ mạnh để so với ông Putin, vũ khí hạt nhân, hay sự ủng hộ để có thể đầu tư vào những điều đó. Châu Âu vẫn đang lung lay, với giằng co Brexit, biểu tình ở Pháp, và chủ nghĩa dân túy đầy giận dữ.
“Mọi người tưởng bà Merkel có thể cứu lấy Liên minh châu Âu hay luật lệ của thế giới”, Julianne Smith, cựu quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đang sống ở Berlin, nói với New Yorker. “Nhưng bà ấy không làm được điều đó”.