Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tuyên bố ngay đầu diễn đàn rằng Bắc Kinh sẽ quyên góp 2 tỷ USD để chống dịch và đưa y bác sĩ đến châu Phi hỗ trợ. Khoản tiền khổng lồ này sẽ đưa Trung Quốc lên vị trí đứng đầu trong nỗ lực chống dịch quốc tế.
Nhưng quan chức Mỹ lại coi đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm lảng tránh sự soi xét của quốc tế về câu hỏi Trung Quốc có che đậy về dịch bệnh hay không, theo New York Times.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối phát biểu tại cuộc họp được tổ chức trực tuyến này, vốn là dịp mà WHO sẽ ra nhiều quyết định quan trọng. Sự vắng mặt của tổng thống Mỹ cho ông Tập cơ hội trở thành một trong những nguyên thủ được phát biểu đầu tiên trước 194 nước thành viên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Sau đó, bài phát biểu của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar II, được ghi âm trước, đi vào chỉ trích nặng nề cả WHO và Trung Quốc, cho rằng phản ứng của WHO và Trung Quốc dẫn đến nhiều cái chết không đáng có.
Ý nói đến Trung Quốc, nhưng không nêu tên cụ thể, ông Azar cho rằng “trong một nỗ lực rõ ràng nhằm che đậy dịch bệnh, ít nhất một nước thành viên đã coi trách nhiệm phải minh bạch như trò đùa, dẫn đến tổn thất kinh hoàng cho thế giới”.
Tới lượt phát biểu của mình, các lãnh đạo khác chỉ trích thế giới vì không có sự đoàn kết giữa đại dịch, nhưng không nêu tên nước nào, và kêu gọi tất cả gạt đi những khác biệt.
“Cam kết chi 2 tỷ USD của Trung Quốc là một chiêu thức để đánh lạc hướng khỏi những lời kêu gọi từ ngày càng nhiều nước yêu cầu trách nhiệm về việc Trung Quốc không làm đúng bổn phận của mình theo điều lệ y tế quốc tế, là phải nói sự thật và cảnh báo thế giới về những gì sắp đến”, John Ullyot, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia (Mỹ), cho biết trong một thông cáo.
Các chỉ trích trên từ quan chức Mỹ diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump vẫn liên tục chỉ trích WHO. Mới đây, ông còn đe dọa ngừng cấp vốn vĩnh viễn cho WHO sau 30 ngày nếu tổ chức này không có “cải thiện đáng kể” đối với cáo buộc của ông là WHO quá gần với Trung Quốc.
Cuộc họp của WHO ở Geneva ngày 19/5. Ảnh: AFP. |
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công nhận những lời chỉ trích về cách ứng phó dịch bệnh của WHO, và cho biết tổ chức này sẽ xem lại “bài học kinh nghiệm” về phản ứng toàn cầu.
Nhưng ông Tedros không trả lời yêu cầu của Tổng thống Trump rằng WHO nên điều tra một cáo buộc đã bị nhiều nhà khoa học bác bỏ, là virus corona có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Ông Tập lập luận rằng mọi điều tra nên diễn ra sau khi dịch bệnh đã giảm đi.
Trong khi giọng điệu chỉ trích của các quan chức Mỹ vẫn gay gắt, các lãnh đạo châu Âu nhiều tuần nay cũng nhắc đến những bí ẩn cần được giải đáp xoay quanh nguồn gốc của dịch bệnh.
Khoảng 100 nước đã kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch. Cách thức ngoại giao táo bạo của Bắc Kinh, cũng như những lô hàng thiết bị y tế không đạt chuẩn mà Trung Quốc xuất đi, càng khiến Trung Quốc bị quốc tế chỉ trích và phản ứng dữ dội.
Trong bối cảnh đại hội của giới lãnh đạo Trung Quốc sắp diễn ra ở Bắc Kinh ngày 22/5, bước đi của ông Tập dường như nhằm lấy lại ủng hộ của quốc tế cũng như làm yên lòng sự bất an từ bên trong Trung Quốc, theo giới phân tích.
“Rõ ràng đây là thời điểm khó xử với ông Tập”, Dali Yang, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, nói với New York Times. “Rõ ràng ông ấy không muốn bị vấn đề này theo đuổi, khi mà có nhiều nước đến vậy muốn điều tra nguồn gốc virus”.