Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất soái hạm Moskva, chiến dịch quân sự của Nga ít bị ảnh hưởng

Chuyên gia cho rằng việc soái hạm Moskva bị chìm hôm 14/4 không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga tại Ukraine.

“Con tàu này thực sự đã rất cũ. Trên thực tế, Nga đã có kế hoạch loại bỏ nó trong vòng 5 năm tới”, nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin cho biết, theo Reuters.

Con tàu chủ yếu có giá trị biểu tượng, tôn vinh "hơn là giá trị thực chiến. Nói tóm lại, (việc Moskva chìm) không liên quan gì đến hoạt động hiện tại. Nó sẽ không ảnh hưởng gì đến diễn biến cuộc chiến", ông Khramchikhin nói.

Giới chuyên gia nhận định Nga có đủ nguồn lực để duy trì cô lập các cảng của Ukraine và tấn công mục tiêu bên trong Ukraine bằng những hệ thống tên lửa khác, theo Reuters.

Theo Naval News, từ ngày 2/3, các tàu chiến Nga bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ răn đe gần Odesa, tạo ra thế cô lập vùng biển Ukraine. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy soái hạm Moskva tham gia vào hoạt động này, bởi tàu này thực tế duy trì ở vị trí xa bờ.

Moskva là tàu chiến đời cũ hơn, không được trang bị tên lửa hành trình tấn công mặt đất, chuyên gia quân sự H.I.Sutton cho biết hôm 7/4. Vì vậy, không như các loại tàu khác, Moskva không đóng vai trò trực tiếp trong những chiến dịch vào Ukraine.

Khi xung đột vẫn tiếp diễn, Hải quân Nga bắt đầu tiến hành phô diễn quy mô lớn khi triển khai 6 tàu đổ bộ cỡ lớn về phía Odesa như thể chuẩn bị tấn công, nhưng rồi lại điều động theo hướng khác. Những hoạt động kiểu như vậy có tác dụng kìm lực lượng Ukraine tại một điểm.

soai ham moskva bi chim anh 1

Những vũ khí trên soái hạm Moskva. Đồ họa: Wall Street Journal.

Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận con tàu bị hư hại nghiêm trọng. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc này là do một đám cháy và làm nổ kho đạn dược trên tàu. Con tàu bị chìm trong lúc được kéo về cảng đích.

Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng họ bắn trúng tàu Moskva bằng tên lửa Neptune phòng vệ do nước này sản xuất, và con tàu chìm khi ngọn lửa bùng lên. Tuy nhiên, Nga chưa thừa nhận bất cứ vụ tấn công nào, nhấn mạnh vụ việc xảy ra với con tàu vẫn đang được điều tra.

Soái hạm Moskva đang ở Biển Đen, ngoài khơi cảng Odesa của Ukraine, vào thời điểm vụ nổ xảy ra.

Nếu Moskva hư hại là do vụ nổ trên tàu theo như tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, đây sẽ là soái hạm thứ hai của Hạm đội Biển Đen của Nga phải ngừng hoạt động vì lý do tương tự. Hồi năm 1916, thiết giáp hạm Imperatritsa Maria bị chìm sau vụ nổ liên quan đến đạn dược.

Moskva là tàu tuần dương hộ vệ tên lửa, soái hạm của hạm đội biển Đen. Đây là tàu chiến phòng không hạng nặng, mang theo 84 tên lửa phòng không tầm ngắn và tầm xa, và 16 bệ phóng tên lửa P-1000 Vulkan. Con tàu từng tham gia vào cuộc đụng độ tại đảo Rắn hồi tháng 2, theo một cố vấn của tổng thống Ukraine.

Tàu Moskva lần đầu tiên được đưa vào phục vụ Hải quân Liên Xô vào năm 1983. Tên ban đầu của con tàu này là "Slava" (tạm dịch: Vinh quang). Theo TASS, năm 1996, tàu tuần dương được đổi tên như hiện tại.

Soái hạm Moskva từng đảm bảo an ninh cho cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ George Bush tại Malta vào tháng 12/1989. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng tổ chức nhiều cuộc gặp trên tàu với các nhà lãnh đạo thế giới.

Năm 2015, tàu này đã tham gia vào chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, cung cấp khả năng phòng không cho lực lượng Nga tại đây.

Nga có hai tàu khác cùng lớp, Marshal Ustinov và Varyag, phục vụ cho các hạm đội Bắc và Thái Bình Dương.

Soái hạm Moskva đã chìm

Bộ Quốc phòng Nga cho biết soái hạm Moskva bị chìm vào hôm 14/4 trong khi đang được kéo về cảng giữa lúc biển động.

Bộ Quốc phòng Nga: Soái hạm Moskva không chìm sau vụ ‘nổ kho đạn’

Bộ Quốc phòng Nga ngày 14/4 cho biết soái hạm Moskva, một trong những tàu từng tham gia cuộc đụng độ tại đảo Rắn, không bị chìm sau khi đám cháy trên tàu làm kích nổ kho đạn.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm