Quý IV/2018 đánh dấu nhiều bước tiến của Masan với việc ra mắt thương hiệu mới và mua lại 49% cổ phần góp vốn tại Vonfram Núi Pháo. Doanh thu thuần hợp nhất năm 2018 đạt 38.188 tỷ đồng, tăng 1,5% so với năm 2017. Nếu không bao gồm doanh thu của MNS chịu ảnh hưởng bởi hộ chăn nuôi heo tái đàn chậm hơn dự kiến, con số này sẽ tăng lên 27,9%.
Sau khủng hoảng giá heo khiến doanh thu 9 tháng đầu năm giảm, đại diện Masan dự báo thị trường thức ăn chăn nuôi cho heo sẽ tăng trưởng 10-15% trong năm nay khi chăn nuôi tái đàn đã đi vào ổn định ở mức 45.000 đồng/kg.
Kết quả kinh doanh 2018 cũng ghi nhận lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty tăng 58,5%, đạt 4.916 tỷ đồng do thu nhập một lần từ việc “giả định” bán một phần tỷ lệ sở hữu trong Techcombank trong nửa đầu năm 2018. MNS cũng có kế hoạch tung các sản phẩm mới thương hiệu Bio-zeem, tập trung vào gia tăng hiệu suất chăn nuôi.
Meat Deli là một trong những thương hiệu ra đời trong chiến lược “cao cấp hóa” của Masan. |
EBITDA quý IV/2018 giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2017 do MCH tăng cường đầu tư xây dựng thương hiệu để tạo đà tăng trưởng cho năm tới và ảnh hưởng của giảm tỷ lệ sở hữu trong TCB. Tuy nhiên, EBITDA hợp nhất năm tăng 11,6% so với năm 2017, từ 9.386 tỷ đồng lên 10.482 tỷ đồng. Kết quả này chủ yếu đến từ tăng trưởng lợi nhuận gộp 20 điểm và giảm chi phí SG&A 257 điểm. Biên EBITDA hợp nhất đạt 27,4%, tăng 247 điểm so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiến lược “cao cấp hóa” tiếp tục mang đến những tín hiệu khả quan khi doanh thu từ sản phẩm cao cấp trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi tăng trưởng khoảng 50%, đóng góp khoảng 40% doanh thu ngành hàng; doanh thu từ sản phẩm cao cấp ngành hàng gia vị tăng trưởng khoảng 40%, đóng góp 10% tổng doanh thu ngành hàng.
Đặc biệt, quý IV/2018 đánh dấu sự ra mắt thương hiệu “Meat Deli”, cho thấy dấu hiệu phục hồi của mảng thức ăn chăn nuôi. Sản phẩm được chế biến và đóng gói tại tổ hợp chế biến thịt Hà Nam với dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn BRC. Tổ hợp có tổng số vốn 1.000 tỷ đồng, công suất khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn thịt heo/năm.
Năm 2018, MSR đã mua lại 49% phần góp vốn của H.C.Starck tại H.C.Starck và đổi tên thành Công ty TNHH Masan Tungsten (MTC). Bước đi này đóng góp quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất của MSR và kết quả đã được thể hiện trong quý IV/2018. Doanh thu thuần của MSR tăng 47,4% trong quý IV/2018 và 27% trong cả năm 2018 so với cùng kỳ năm ngoái.
MTC đang đầu tư để nâng công suất nhà máy sản xuất hóa chất công nghiệp vonfram lên 12.000 tấn. Quy mô này sẽ giúp MTC thực hiện tham vọng trở thành một trong những nhà sản xuất hóa chất công nghiệp vonfram lớn nhất thế giới.
Mua lại 49% cổ phần dự án Núi Pháo là bước đi chiến lược tạo đà tăng trưởng cho Masan. |
Năm nay, Masan dự kiến doanh thu thuần tăng 18-30%, trong đó kỳ vọng lớn nhất đặt vào MCH với mức tăng dự kiến 20-35%. Công ty cũng dự báo lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty đạt 5.000-5.500 tỷ đồng, tăng 44-58%, tương đương với biên lợi nhuận đạt trên 10%.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Masan Group, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Với kết quả kinh doanh này, Masan đã hoàn thành xuất sắc năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm. Và đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chiến lược trọng tâm chúng tôi đang khởi động đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm kế tiếp. Masan Consumer sẽ tiếp tục thực hiện ‘cao cấp hóa’ bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm cao cấp, cho phép đà tăng trưởng 20% mỗi năm”.
“Với việc tung nhãn hiệu Meat Deli - sản phẩm thịt sạch và an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, Masan Nutri-Science đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu thị trường thịt heo trị giá 10,2 tỷ USD: Cơ hội tăng trưởng cao với biên lợi nhuận của ngành hàng tiêu dùng. Mục tiêu chiến lược của Masan là thỏa mãn tối đa nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng Việt Nam. Chúng tôi luôn kiên định với mục tiêu đó và sẽ đạt được”, ông Quang nói thêm.