Cô bé mồ côi Anna sống ở London, Anh, sức khỏe yếu, không có người bạn thật sự nào và luôn cảm thấy “bên ngoài” mọi thứ. Để giúp Anna, bà Preston, người mà Anna gọi là "dì", gửi cô đến nhà ông bà Pegg ở Norfolk trong dịp nghỉ hè.
Sách Marnie yêu dấu. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Trong khi khám phá đầm lầy xung quanh nhà của Peggie, Anna phát hiện ngôi nhà bí ẩn. Ở đó, cô đã gặp Marnie, cô bé luôn mặc quần áo chỉnh tề.
Hai cô bé nhanh chóng trở nên thân thiết, cùng nhau đi hái nấm và chia sẻ các bí mật. Nhưng luôn có điều gì đó kỳ lạ và bí ẩn từ Marnie. Anna không khỏi thắc mắc cô bạn ấy là thật hay tưởng tượng.
Cả Anna và Marnie đều sống khá cô đơn. Vì vậy, đây là cuộc phiêu lưu lớn cho cả hai để chia sẻ một tình bạn bí mật. Anna, không có gia đình thực sự của riêng mình, và mặc dù Marnie có một gia đình, cô ấy cũng như bị bỏ rơi.
Đặc biệt, bối cảnh hoang vắng của bờ biển Norfolk cũng dễ tạo cảm giác cô đơn. Trong tiếng gió thổi qua, hai cô gái nhỏ tìm thấy mối đồng cảm lạ kỳ. Sự tươi vui, hồn nhiên tỏa ra từ Marnie đã dần thay đổi cách nhìn cuộc sống xung quanh của Anna, khiến cô bé tự tin hơn.
Bối cảnh và danh tính thực sự của Marnie vẫn còn là bí ẩn cho đến những chương cuối cùng. Điều này vừa khiến tình cảm của hai đứa trẻ toát lên nét chân thành lạ kỳ, lại vừa khơi nên nhiều câu hỏi tò mò, cuốn hút độc giả đến trang cuối.
Đây là câu chuyện đáng yêu, được bao phủ bởi bầu không khí vui tươi, huyền bí. Marnie yêu dấu là câu chuyện du hành thời gian, hay chỉ đơn giản là “trò lừa” của trí nhớ tưởng tượng?
Dẫu Marnie có thật hay không, cô bé là người bạn thân thiết nhất của Anna. Có lẽ, mỗi đứa trẻ đều nên có một người bạn như vậy. Một người bạn để tâm tình, chia sẻ, thấu hiểu. Dẫu có ngày sẽ chia ly, họ vẫn sẽ mãi ở lại trong tim nhau, nhắc nhớ về những ngày thơ ấu đẹp đẽ nhất.
Cuốn sách được Studio Ghibli chuyển thể thành phim hoạt hình. Ảnh chụp từ phim. |
Mỗi người sẽ đọc Marnie yêu dấu theo cách của riêng mình nhưng điều tuyệt vời chính là cách cuốn sách nhắc người đọc về thế giới trẻ thơ, cách những đứa trẻ đã nhìn thế giới.
Chúng tin tưởng tuyệt đối vào tự nhiên và tham dự vào cuộc phiêu lưu của đời sống một cách nồng nhiệt. Điều ấy sẽ đem đến cho chúng niềm hạnh phúc, mà người lớn hầu như đã quên mất.
Joan G Robinson có khả năng miêu tả tuyệt vời. Nó khiến ta có thể hình dung rõ mọi nhân vật và vị trí mà cô ấy miêu tả trong cuốn tiểu thuyết này như thể ta nhìn thấy họ.
Cuốn sách đã làm mờ ranh giới giữa thực tế và tưởng tượng, khiến chúng ta khi lạc vào thế giới của hai đứa trẻ ấy, đều đắm chìm trong không khí, câu chuyện và tận hưởng cuộc phiêu lưu tuyệt vời.
Những đứa trẻ sẽ cảm thấy tìm được mối đồng cảm sâu sắc với những đứa trẻ trong chuyện, và những độc giả lớn tuổi sẽ tìm lại được giấc mơ tuổi thơ, thấm đẫm với những câu chuyện cổ tích thần thoại một thuở xa xưa.
Cuốn tiểu thuyết Marnie yêu dấu từng được Studio Ghibli chuyển thể thành phim hoạt hình. Đây là bộ phim thứ hai của đạo diễn Hiromasa Yonebayashi tại Ghibli. Phim đã được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc năm 2015.
Nhà văn Joan G. Robinson (1910- 988) là con thứ hai trong gia đình có bốn người con. Joan G. Robinson trải qua tuổi thơ ở vùng ngoại ô Hampstead Garden, Anh. Bà nổi tiếng với việc tự viết và minh họa các tác phẩm dành cho thiếu nhi.
Marnie yêu dấu (tựa gốc: When Marnie Was There) lọt vào danh sách cuối cùng của giải thưởng văn học thiếu nhi uy tín Carnegie Medal năm 1968. Bà Robinson thường nói về cuốn này như sau: “Bạn có thể viết nhiều quyển sách trong đời, nhưng chỉ có một quyển duy nhất là về chính bạn”.