Trong cuộc phỏng vấn mới đây với The Verge, CEO Meta Mark Zuckerberg đã thể hiện quan điểm của mình về vấn đề bản quyền trong đào tạo AI và cách công ty đối phó với những yêu cầu từ người làm sáng tạo và giới xuất bản.
"Đứng riêng lẻ thì không tác phẩm nào đủ giá trị đến mức quan trọng"
Ông thừa nhận tồn đọng nhiều vấn đề bản quyền xung quanh việc thu thập dữ liệu đào tạo các mô hình AI, nhưng ông cho rằng tác phẩm của hầu hết người làm sáng tạo khi đứng riêng lẻ đều không "giá trị đến mức quan trọng": "Tôi nghĩ cá nhân người làm sáng tạo hoặc nhà xuất bản thường đánh giá quá cao giá trị từng nội dung cụ thể của họ trong bản thiết kế vĩ đại này".
CEO Meta cho biết với nội dung "thực sự quan trọng và giá trị" thì sẽ có những thỏa thuận hợp tác nhất định, nhưng nếu những người khác cũng yêu cầu thanh toán chi phí, thì công ty thà quay lưng: Trường hợp làm sáng tạo quan ngại hay phản đối - "nếu các tác giả yêu cầu chúng tôi không được dùng nội dung của họ, vậy chúng tôi sẽ chẳng dùng. Như thế cũng không mấy ảnh hưởng đến kết quả".
Như hầu hết tập đoàn AI, Meta đang vướng vào kiện tụng về những giới hạn thu thập dữ liệu chưa được cấp phép để đào tạo AI. Năm ngoái, công ty đã bị một nhóm tác giả kiện. Nhóm này tuyên bố mô hình Llama của công ty đã được đào tạo bất hợp pháp trên bản sao lậu tác phẩm của họ. (Vụ kiện hiện không mấy suôn sẻ với phía tác giả; tuần trước, một thẩm phán đã chỉ trích nhóm luật sư của họ vì "không sẵn sàng hoặc không có khả năng kiện tụng đúng cách").
Cũng giống hầu hết công ty AI lớn khác, Meta lập luận rằng loại hình thu thập dữ liệu khi chưa cấp phép này nên được cho phép chiếu theo luật sử dụng hợp lý (fair use) của Mỹ.
Zuckerberg nói: "Tôi nghĩ bất kỳ công nghệ mới nào cũng kéo theo những khái niệm xoay quanh sử dụng hợp lý và ranh giới đặt ra nằm giữa những gì trong tầm kiểm soát. Khi đưa thứ gì đó ra thế giới, ở mức độ nào đó bạn vẫn có thể kiểm soát, sở hữu và cấp phép (sử dụng) nó? Tôi nghĩ tất cả những điều này về cơ bản cần giải quyết và thảo luận lại trong kỷ nguyên AI".
Biện luận từ những gã khổng lồ AI
Lịch sử bản quyền thực chất là để quy định mọi người có quyền thế nào trong việc kiểm soát những tác phẩm đã xuất bản của mình. Khái niệm sử dụng hợp lý ra đời nhằm cho phép mọi người cải biến và phát triển dựa trên sáng tạo của nhau mà không cần xin phép hoặc chi trả.
Thông thường đây là một điều tốt. Tuy nhiên, một số nhà phát triển AI đã diễn giải khái niệm trên rộng hơn nhiều so với hầu hết tòa án.
Ví dụ, đầu năm nay CEO AI của Microsoft nói rằng bất kỳ thứ gì "trên web mở" đều là "phần mềm miễn phí" (freeware) và "bất kỳ ai cũng có thể sao chép, tái tạo, tái sản xuất dựa trên đó". Điều này hoàn toàn sai về mặt pháp lý: nội dung được đăng công khai trực tuyến cũng được bảo vệ bản quyền không kém bất kỳ phương tiện nào khác; và phạm vi người dùng có thể sao chép, sửa đổi hoặc sử dụng hợp lý cũng chỉ tương đương với trường hợp sách, phim hoặc bài báo có tường phí.
Một số công ty AI đã thỏa thuận trả phí cho các phương tiện truyền thông xuất bản để đổi lấy dữ liệu cho đào tạo AI. Ảnh minh họa: money&banking. |
Trong khi vấn đề vẫn đang được tranh luận trong các vụ kiện, một số công ty AI đã bắt đầu hợp tác trả phí với các kênh truyền thông lớn. Ví dụ, OpenAI đã ký hợp đồng với một số đơn vị tin tức và các công ty khác như Shutterstock. Meta gần đây đã ký một thỏa thuận với Universal Music Group bao gồm các điều khoản xung quanh các bài hát do AI tạo ra.
Trong khi đó, một số nghệ sĩ đã nhờ đến các công cụ không chính thức nhằm ngăn tác phẩm của mình bị sử dụng cho mục đích đào tạo AI.
Nhưng riêng với nội dung đăng trên phương tiện truyền thông xã hội trước khi AI tạo sinh ra đời, đôi khi tác giả gặp cản trở: điều khoản dịch vụ cho phép công ty sở hữu các nền tảng này dùng tác phẩm của họ để đào tạo AI. Meta đã tuyên bố họ đào tạo các công cụ AI của mình bằng các bài đăng công khai trên Instagram và Facebook.
Zuckerberg cho biết trong tương lai, chiến lược nội dung AI của Meta sẽ tương tự cách họ đã phản ứng thẳng thắn trước luật lệ đề xuất thêm phí vào liên kết dẫn đến các bản tin. Cụ thể, công ty đáp lại quy tắc này bằng cách chặn kênh tin tức ở các quốc gia như Australia và Canada.
"Xem nào, chúng tôi là một công ty lớn", ông nói. "Chúng tôi trả tiền cho nội dung có giá trị với mọi người. Chúng tôi sẽ không trả tiền cho nội dung khi nó không có giá trị với mọi người".
Ta đã biết từ lâu rằng tin tức không thực sự có giá trị đối với Meta, một phần vì kiểm duyệt tin tức thường gây ra tranh cãi và (theo Meta) khiến người dùng không vui. "Nếu chỉ chạy theo những gì cộng đồng của mình muốn, chúng tôi thậm chí sẽ hiển thị ít hơn những gì chúng tôi đang hiển thị", Zuckerberg nói.
Các sản phẩm AI tạo sinh của Meta vẫn còn mới mẻ và không ai rõ người ta muốn gì từ các công cụ này. Nhưng dẫu sao chăng nữa, hầu hết người làm sáng tạo có lẽ không trông đợi gì sẽ được trả tiền.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.