Minh họa: Patrick Hruby / Los Angeles Times. |
Là người có 5 năm kinh nghiệp nghiên cứu và phát triển AI, ông Đinh Trần Tuấn Linh - chuyên gia AI ứng dụng - nhận định rằng hầu hết mọi người giữ thái độ vừa e dè, vừa háo hức trước AI.
Thực tế, AI đang thâm nhập vào hầu hết ngóc ngách cuộc sống, trong mọi lĩnh vực ngành nghề từ xuất bản, báo chí đến y học, sản xuất nông sản, giao thông, quản lý nhà nước… Thậm chí nhiều người rất mong chờ vào những AI giúp... nuôi dạy con. Nổi tiếng và cũng gây nhiều tranh cãi là công cụ hỗ trợ viết GPT, ra đời và phát triển "nhanh không thể tưởng tượng được".
Trong khuôn khổ tọa đàm Người viết làm gì trong làn sóng AI? diễn ra vào tối 19/9, những người làm công việc phát triển AI, sáng tác, biên tập nội dung đã thảo luận cởi mở, thẳng thắn về vị thế của người viết trong bối cảnh AI phát triển nở rộ.
Con đường không thể đảo ngược
Theo ông Linh, con đường phát triển của AI là "hành trình không thể đảo ngược", dù người ta có chọn cho mình thái độ nào trước làn sóng này đi chăng nữa. Đứng trước AI dường như có 2 "phe".
Một bên là những người hy vọng, đánh cược vào AI (điển hình là chủ các doanh nghiệp công nghệ). Viễn tượng tươi sáng (tạm gọi là utopia - miền đất hứa) vẽ ra rằng trong tương lai con người không cần làm gì cả, chỉ việc sống và yêu thương nhau, mọi chuyện đã có máy móc lo thay.
Ở đầu kia của quang phổ là những người căm ghét AI, cho rằng đây sẽ là thế lực gây mất việc làm, hủy diệt sự sáng tạo, thậm chí hủy diệt toàn bộ nhân loại - một tương lai u tối, đường dẫn tới diệt vong (tạm gọi là dystopia - phản địa đàng).
Tóm tắt văn bản là một trong những khả năng nhiều người trông đợi nhất ở AI. Tuy nhiên, công cụ tóm tắt văn bản AI cũng dẫn đến hệ lụy nhãn tiền là sự đứt gãy trong đọc - viết, phần nào tương đồng với tác động của video ngắn - tước mất khả năng suy ngẫm của con người.
Trước câu hỏi đặt ra về quan ngại AI bị làm dụng cho những mục đích xấu, ông Linh cho rằng không riêng AI, mà lừa đảo, porn (khiêu dâm), gambling (cờ bạc, cá cược) là 3 động lực lớn trong thế giới Internet; đây luôn là những "góc khuất" mà công nghệ được ứng dụng nhanh nhất (lấy ví dụ kính thực tế ảo (VR) ra đời cũng được áp dụng sớm vào phim khiêu dâm).
Về vấn đề chủ thể sáng tạo, câu chuyện của AI bây giờ khá tương tự với câu chuyện của máy ảnh khi vừa ra đời: người ta tranh cãi rằng sở hữu trí tuệ thuộc về bên sản xuất máy, cái máy hay người chụp. Đến một ngày nào đó, có lẽ sản phẩm do AI tạo ra cũng sẽ có một phân loại (category) riêng, như nhiếp ảnh qua thời gian đã định hình mình là một loại hình nghệ thuật.
Để đến được với lúc đó, AI hiện vẫn còn đứng giữa những chất vấn, từ vấn đề bản quyền đến những mối nguy hại tiềm tàng luôn song song với lợi ích tiềm năng, mà nhân loại có lẽ sẽ còn tranh cãi rất nhiều trong những năm tới.
AI có cướp việc của con người?
Một diễn ngôn lớn hiện nay là AI cướp việc của con người. Điều này tuy mới manh nha tại Việt Nam nhưng đã dần trở nên khá phổ biến tại thị trường Mỹ, khi nhiều lao động (điển hình như trong ngành sáng tạo game, làm phim) bị sa thải bởi công việc của họ đã có thể giao phó cho máy móc (và có lẽ là những người dàn dặn kinh nghiệm đảm nhiệm phần kiểm soát chất lượng).
Ông Linh cho rằng một diễn ngôn khác, có phần chính xác và đáng quan ngại hơn, sẽ phổ biến trong những năm tới là AI không cướp việc của con người, nhưng người biết dùng AI sẽ cướp việc của người không dùng. Ở đây tồn tại một nghịch lý trớ trêu.
Lấy ví dụ một họa sĩ ngày nay không chỉ phải học vẽ, mà còn phải học cả kỹ năng sử dụng AI. Họ mất nhiều công sức hơn, nhưng lại bị mặc cả giảm thù lao xuống, với lý do rằng bây giờ đã có AI rồi. Thực tế đã nhiều nhà soạn nhạc bị khách hàng viện cớ này, buộc họ phải dùng AI trong sáng tác, giảm chất lượng sáng tạo trong tác phẩm lại.
"Dự đoán trong các năm tới đây, AI sẽ phủ kín, tiến trình như khi người dùng chuyển từ máy đánh chữ sang bàn phím, AI không cướp việc, nhưng sẽ lấy đi phần lớn lợi ích công việc của bạn", ông Linh nói.
Bản thân cũng là người làm sáng tạo, đồng thời có nhiều bạn bè làm sáng tạo, ông Linh ngậm ngùi nhận định rằng tình thế hiện tại của người làm sáng tạo trong thế giới ngày một bị AI thâm nhập sâu rộng thì nghiêng về phía dystopia hơn là utopia, mang đến phiền phức nhiều hơn là lợi ích.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.