Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Người sáng tạo nội dung Việt nói về những điểm cần tránh khi dùng AI

Nếu lựa chọn "sống chung, làm chủ" AI, tận dụng AI trong công việc, người làm sáng tạo, cụ thể ở đây là người công việc sáng tác, biên tập, xuất bản cần lưu ý một số điểm thiết yếu.

Nguồn minh họa: travelpayouts.

Mượn đến AI trong công việc cũng giống tuyển trợ lý, nhà tuyển dụng phải hiểu rõ cách làm việc, ưu khuyết điểm của nhân sự để dùng đúng việc, cũng như đào tạo, huấn luyện để cho ra kết quả tốt nhất.

Tham gia tọa đàm online Người viết làm gì trong làn sóng AI? diễn ra vào tối 19/9, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà văn Nguyễn Trương Quý, chuyên gia AI ứng dụng Đinh Trần Tuấn Linh và chuyên gia huấn luyện AI Phạm Vân Anh đã chỉ ra những hạn chế của các công cụ AI hỗ trợ viết lách và cách để tránh lạm dụng AI trong viết sáng tạo.

AI anh 1

Ảnh: Newrepublic.

4 khuyết điểm tồn đọng của AI tạo sinh

Trong viết sáng tạo, AI còn tồn đọng 4 vấn đề lớn. Đầu tiên là tính trung bình: Do hệ thống nhai tạp nội dung nên sinh ra nội dung trung bình, như tổng hợp bài văn của 50 học sinh trong lớp thì sẽ được điểm trung bình. Theo ông Đinh Trần Tuấn Linh, hiện AI không xử lý được vấn đề này.

Từ trải nghiệm của một nhà văn, biên tập viên, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận xét chất lượng văn bản của AI hiện ở mức độ dùng được, nhưng chưa xuất sắc, chưa có cá tính.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý đồng tình với chia sẻ này. Ông từng thử nghiệm dùng Gemini để tạo gợi ý nhanh cho diễn biến truyện, ý tứ cho bài báo, thì nhận thấy kết quả nhận được "tròn trịa nhưng thiếu 'vân tay' của người viết". Mà người viết, ông nói, "từ chối việc lặp lại mẫu trong văn bản", do đó nếu có dùng đến công cụ AI trong viết lách thì cần kiểm soát liều lượng, mật độ hỗ trợ.

Thứ hai là hiện tượng "gây ảo giác". AI không có suy luận thực sự, mà chỉ suy luận dựa vào xác suất. Do đó nó đưa ra đáp án có vẻ đúng nhưng không đúng. Lấy ví dụ yêu cầu GPT cho 5 tác phẩm của nhà văn A, thì 1, 2 tựa đầu tiên đúng, tựa số 3 bắt đầu bịa, đến tựa 4, 5 thì không hoàn toàn liên quan. Những nhà phát triển AI đang bắt đầu xử lý được vấn đề này, chatbot trả lời chậm hơn nhưng cẩn thận hơn.

Do đó mà ông Linh và bà Thủy đều đưa ra nhận định rằng chi phí đọc kỹ lại, chỉnh sửa bản thảo còn lớn hơn chi phí thuê một người có nghề tạo ra văn bản ngay từ đầu.

Kế đến là sự "đạo đức quá mức", cụ thể là đạo đức dưới nhãn quan của người phương Tây da trắng, mang tính thuộc địa hóa (colonize).

Lấy ví dụ, đặt câu hỏi "cô gái về nhà phát hiện chồng ngoại tình thì nên làm gì?", AI sẽ đưa ra lời khuyên "hướng về phía Mặt trời" như cả nhà nên ngồi lại với nhau cùng giải quyết. Một câu trả lời khuôn sáo, một viễn cảnh kiểu mẫu rất không phù hợp cho sáng tạo.

Chính vì đặc tính "đạo đức" này mà AI rất kém cỏi trong việc kể chuyện cười, biên tập viên Diệu Thủy từng thử nghiệm và nhận định.

Vấn đề còn lại là "trông hấp dẫn nhưng không dùng được ngay". Theo ông Linh, đến nay vẫn chưa có một tác phẩm AI thuần túy nào thực sự được công nhận hay đánh giá cao: 4 năm qua ai cũng nói về AI như về tiềm năng của AI; nhưng trải nghiệm rồi mới thấy chúng chưa được như kỳ vọng.

AI không thể giỏi hơn người điều khiển nó

Ông Linh khẳng định rằng hiện nay giới hạn của AI nằm ở năng lực của người điều khiển: AI không vượt được năng lực của người sử dụng, điều khiến nó. Nói một cách trực quan hơn, nếu bạn chưa từng vẽ tranh, viết kịch bản, thì sẽ không thể kỳ vọng AI tạo ra được bức tranh, kịch bản tốt hơn bạn.

Nhiều trend khởi nguồn từ AI hiện nay (ví dụ già hóa ảnh bản thân) nổi lên rồi chóng tàn, khiến nhiều người cho rằng AI rốt cuộc chỉ là "trò đùa" quy mô lớn. Nhưng AI đang từng ngày "giành" việc với con người, đặc biệt đặt ra khó khăn với những lao động non kinh nghiệm, khi nhà tuyển dụng thà chọn phương án dùng AI lấy kết quả trung bình, hơn là cho người trẻ được phép thử và sai.

Thực tế phải thừa nhận dù muốn hay không thì AI đang thâm nhập với tốc độ khác nhau vào nhiều ngành khác nhau, nhanh hay chậm đều đang diễn ra. Dù là vì tin tưởng vào tiềm năng của AI, hay vì nỗi sợ bị bỏ lại phía sau, thì "sống chung" với AI dường như là hướng đi mà đa số sẽ bị buộc phải chọn trước những thúc bách của thời đại.

Để đứng được trước làn sóng này, người làm sáng tạo trước nhất vẫn phải giỏi nghề của mình, nắm chắc nền tảng vẽ, viết, làm phim, soạn nhạc...; sau đó mới học dùng AI. AI chỉ có thể hỗ trợ con người, như một trợ lý, mà đã tuyển trợ lý thì phải dạy trợ lý.

Cụ thể, theo chuyên gia huấn luyện AI Phạm Vân Anh, với trường hợp người viết sáng tạo, nếu nắm vững nguyên lý hoạt động của các công cụ viết AI và prompt (gợi ý, đưa ra câu lệnh) tốt hơn, thì đáp án nhận về sẽ tốt hơn. Hiện nay nhiều người viết còn cho GPT học phong cách của mình qua một lượng văn bản mẫu, để đưa ra sản phẩm "giống mình" hơn.

Tuy nhiên, ông Linh cũng nhấn mạnh rằng vẫn sẽ có những người lựa chọn "làm tỉ mẩn, thủ công", họ vẫn có thể rèn luyện năng lực của mình để nổi bật lên giữa một rừng sản phẩm "đồng hành cùng AI" có chất lượng trung bình khác.

Chia sẻ từ ông Linh và bà Thủy đều cho rằng với những người tinh nghề, kinh nghiệm thâm niên thì rất dễ phát hiện ra sản phẩm của AI. Càng nhiều người dùng AI thì lại càng dễ phát hiện.

Khi số lượng giả tăng lên thì con người dễ dàng phát hiện được ngay bằng mắt thường. Điều này đến từ phản ứng tự nhiên với những cái giả, gọi là “phản ứng thử yếu”.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm