Bill George, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Harvard Business School, cho rằng khả năng lãnh đạo tồi tệ của Mark Zuckerberg đang kéo Meta xuống vũng lầy thất bại.
Trong bài phỏng vấn với CNBC, Bill George, ông George nhận định với vai trò CEO của Meta, sự non trẻ của Mark Zuckerberg đang khiến tập đoàn này ngày càng đi chệch hướng.
“Tôi nghĩ Facebook sẽ không thể khá hơn nếu Zuckerberg vẫn còn ngồi trên ghế giám đốc. Anh ta chính là một trong những lý do khiến mọi người quay lưng với công ty này. Zuckerberg đã đi sai đường”, ông khẳng định.
Mark Zuckerberg là nguyên nhân đẩy Meta đến bờ vực sụp đổ. Ảnh: AP. |
Sau 20 năm nghiên cứu về thất bại của các nhà lãnh đạo, ông nhận ra họ thường bị tiền tài, danh vọng và quyền lực che mờ lý trí để rồi dẫn đến bờ sụp đổ. Trường hợp của Zuckerberg và Meta cũng không phải ngoại lệ.
Ông là nhà sáng lập và cũng là người đưa Meta đến với thành công, trở thành gã khổng lồ công nghệ có vốn hóa lên đến 450 tỷ USD. Không thể phủ nhận những thành công trong quá khứ của Zuckerberg, nhưng Bill George cho rằng ở thời điểm hiện tại, sự nắm quyền của ông đang đẩy Meta vào bước đường cùng.
Luôn đổ lỗi cho người khác
Theo George, Zuckerberg là kiểu người lãnh đạo “lươn lẹo”. Ông không học hỏi từ thất bại mà chỉ lấp liếm sai lầm của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác. Hồi tháng 2, giá cổ phiếu Meta đã giảm đến 27%, khiến vốn hóa công ty này bốc hơi hơn 230 tỷ USD, mức kỷ lục chưa từng có tại phố Wall hay Thung lũng Silicon.
Nhưng Zuckerberg và đội ngũ giám đốc đã thoái thác bằng rất nhiều lý do khác nhau như đổ lỗi cho tính năng “App Tracking Transparency” (ATT) khiến hãng khó bán quảng cáo đến người dùng smartphone, hay sự cạnh tranh gắt gao đến từ đối thủ TikTok.
Bill George cho rằng Mark Zuckerberg thích đổ lỗi cho những yếu tố bên ngoài, gây ảnh hưởng tới Facebook. Ảnh: Getty. |
Tất nhiên, những nhân tố ngoại cảnh này cũng là một phần nguyên nhân cho sự lụi bại của Meta. Dù vậy, lý do chủ yếu đến từ mức chi khổng lồ cho vũ trụ ảo metaverse của CEO Mark Zuckerberg. Mảng nghiên cứu này đã lỗ 10 tỷ USD vào năm 2021 và gây thất thoát 2,8 tỷ USD chỉ trong quý II/2022.
Theo George, Zuckerberg phải là người chịu trách nhiệm chính cho tình trạng này, nhưng vị CEO lại thoái thác và cho rằng công nghệ này đang trong giai đoạn phát triển nên có thể sẽ còn lỗ đậm trong vòng 3-5 năm tới.
Nhà lãnh đạo độc tài, bảo thủ
CEO Meta cũng là một kẻ đơn độc, luôn tránh né các mối quan hệ và những người muốn đến gần. Kiểu nhà lãnh đạo này thường không muốn người khác giúp đỡ, đưa ra lời khuyên hay góp ý cho mình nên rất dễ gặp phải thất bại. Với Mark Zuckerberg, trước đây, khi sáng lập Facebook, ông vẫn tham khảo lời khuyên từ những nhà cố vấn ông tin tưởng.
Cụ thể, năm 2016, Roger McNamee, từng đầu tư Facebook từ sớm, đã khuyên Zuckerberg nên từ chối đề nghị mua lại Facebook với giá 1 tỷ USD từ Yahoo.
Ông cũng từng khuyến khích vị CEO thuê Sheryl Sandberg làm giám đốc và sau đó trở thành nhân sự cốt cán xây dựng mảng quảng cáo hùng mạnh hiện tại của tập đoàn. Cả hai lần Mark Zuckerberg đều nghe theo lời khuyên của McNamee và đều đạt được thành công lớn với chúng.
Nhưng sau khi Meta bắt đầu bành trướng ra toàn thế giới, Zuckerberg bắt đầu bảo thủ và không nghe lời khuyên từ người khác, McNamee cho biết. Ông đã cảnh báo CEO Meta về sức ảnh hưởng của Nga trong cuộc bầu cử tại Mỹ trên Facebook nhưng Zuckerberg đã đã phớt lờ những lời khuyên này, thậm chí còn tránh mặt McNamee suốt vài tháng trời.
Mark Zuckerberg đang bị lu mờ bởi lợi nhuận, thay vì tập trung bảo vệ người dùng. Ảnh: Financial Times. |
Cuối cùng, cơ quan tình báo của Mỹ đã chỉ ra Facebook đã bị Nga lợi dụng để can thiệp vào cuộc bầu cử tại Mỹ khi đó, đúng như lời cảnh báo của McNamee.
Bị lợi nhuận che mờ lý trí
Theo nhà nghiên cứu Bill George, Mark Zuckerberg cũng là kẻ ưu tiên danh vọng và tiền tài hơn bất cứ điều gì. Kiểu nhà lãnh đạo này thường không hài lòng với những gì họ có và sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được nhiều hơn.
Thực tế cho thấy Zuckerberg luôn đặt lợi nhuận và tăng trưởng của Meta lên hàng đầu, ngó lơ hàng tỷ người dùng đang sử dụng nền tảng. Đây cũng là lý do khiến tập đoàn đối mặt với hàng loạt tranh cãi liên quan đến quyền riêng tư và sức khỏe của người dùng.
Cụ thể, một cuộc điều tra của Wall Street Journal đã chỉ ra mạng xã hội Instagram của Meta là nguyên nhân gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là với những cô gái trẻ.
Nghiên cứu này còn tiết lộ ban lãnh đạo của Meta mặc dù biết rõ vấn đề nhưng vẫn thờ ơ vì không muốn ảnh hưởng đến tăng trưởng người dùng. Điều này cho thấy Zuckerberg sẵn sàng đánh đổi mọi thứ chỉ để ưu tiên cho lợi nhuận, George nhận định.