Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Marc Levy thành nhà văn khi đang là bố đơn thân

Với nhà văn Marc Levy, con trai là động lực đầu tiên để ông bắt đầu sự nghiệp viết lách. Trong khi đó, những câu chuyện đời thực cũng truyền cảm hứng cho ông viết tiếp.

Được mệnh danh là "Ông hoàng lãng mạn nước Pháp", nhà văn Marc Levy được độc giả Việt Nam yêu quý bởi những câu chuyện cảm động, những tình tiết ly kì bí ẩn… Ông chia sẻ những câu chuyện hậu trường viết lách và quan điểm của mình.

su nghiep marc levy anh 1

Nhà văn Marc Levy trong lần đến thăm Việt Nam từ ngày 7 đến ngày 10/11. Ảnh: Thanh Trần.

Những cảm hứng sáng tác đầu tiên

Marc Levy bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình khá trễ so với nhiều nhà văn khác, tác phẩm đầu tay Nếu em không phải một giấc mơ được ra mắt khi ông 37 tuổi. Vào khoảng 25 năm trước, lúc ông đang là một ông bố đơn thân, mỗi buổi tối khi ru con trai ngủ, ông đều kể cho cậu bé một câu chuyện nhỏ, qua nhiều đêm thành một câu chuyện dài.

Có điều, cậu bé là một người khá thông minh và sắc bén, không chỉ nghe mà cậu còn hay ý kiến với những câu chuyện của cha. “Chỉ cần câu chuyện ngày hôm trước và hôm sau không khớp với nhau là tôi bị phê bình liền. Vì vậy sau khi cậu bé đi ngủ tôi sẽ vào phòng làm việc để viết tiếp câu chuyện cho ngày hôm sau”, Marc Levy kể trong lần giao lưu với bạn đọc Việt giữa tháng 11.

Đến năm lên chín, cậu bé bỗng nói với ông rằng: “Cha à, con thấy thì xem tivi hay hơn nghe truyện”. Thế là cậu bé không nghe ông kể chuyện nữa, việc đó đã để lại trong ông một cảm giác tiếc nuối day dứt. Viết truyện cho con vào mỗi đêm đã trở thành thói quen của ông. “Thế là tôi quyết định mình sẽ không viết truyện cho con trẻ nữa, thay vào đó tôi sẽ viết câu chuyện dành cho đối tượng người lớn mà nó sẽ trở thành trong tương lai", ông nói.

su nghiep marc levy anh 2

Marc Levy, con trai Louis và vợ Pauline. Ảnh: Guillaume Gaffiot/Bestimage

Ông cho biết đây cũng là một cách để ông “ăn gian tuổi” trong việc bầu bạn với con trai mình. Có vẻ ông đã để ý rằng khoảng cách thế hệ là một trở ngại khá lớn. Ông nảy ra ý tưởng mới trong khi nhìn thấy bức ảnh ngày trẻ của ba mẹ mình và nghĩ: “Sao mình không bao giờ để ý đã có những lúc họ cũng ở độ tuổi như mình, họ gần với mình như thế. Hẳn các thế hệ cũng có sự thấu hiểu với nhau”.

Sau đó ông bắt tay vào viết những câu chuyện Nếu em không phải là một giấc mơ, một câu chuyện cảm động về tình yêu tuổi trẻ như một món quà dành cho con trai khi lớn lên.

Thay đổi thể loại sau mỗi 4 cuốn

Thành công của cuốn sách đầu tiên đã giúp tên tuổi của Marc Levy nổi tiếng khắp thế giới. Còn với ông, đó lại là một cơ hội để ông nhận ra rằng muốn trở thành nhà văn lớn thật sự, ông phải làm việc rất nghiêm túc hơn nữa.

Ông không muốn sau một tác phẩm thành công thì bản thân dừng lại và chỉ tạo ra thêm những tác phẩm y như thế. Vì vậy, ông cho biết sau mỗi bốn tác phẩm sẽ đổi thể loại một lần, từ truyện tình cảm, án mạng, lịch sử, và trinh thám… ông có một list dài những nhân vật dành cho các thể loại như thế.

Ông thừa nhận mình "có một động lực đó là viết cho con trai của mình". Marc Levy vẫn nhớ trong một câu chuyện khi mà ông tưởng tượng hai cha con ngồi tâm sự với nhau, ông đã nói với con rằng: “Con cần phải đi cho đến hết chặng đường, phải làm sao để thực hiện được hết những giấc mơ của mình”.

Và khi cuốn sách bán chạy, nhiều người đã đọc, trong đó bao gồm cả con trai ông. "Do đó tôi sẽ phải là người làm gương. Tôi không muốn con trai tôi nói rằng những điều tôi viết chỉ là vớ vẩn và tôi chỉ viết cho có. Do đó tôi phải làm việc cật lực để thực hiện điều tôi đã nói trong cuốn sách của mình”, ông nói.

Tạo ra nhân vật để nói nhiều hơn

“Tại sao chúng ta viết?” Marc Levy đặt ra câu hỏi này rồi tự trả lời: “Tôi viết là để chống lại bệnh mắc cỡ. Thật ra tôi là một con người cực kỳ nhút nhát hoàn toàn trái ngược lại với những nhân vật quyến rũ phụ nữ như ở trong truyện".

Ông ngại ngùng chia sẻ kỷ niệm năm 20 tuổi, khi gặp người phụ nữ mà ông cảm mến trong đám đông, ông đã phải thu hết can đảm đến 6 tháng sau mới có thể bắt chuyện với cô ấy. Tất nhiên vào 6 tháng sau thì cô ấy đã thích người khác và ông vụt mất cơ hội của mình. Để chữa bệnh nhút nhát, ông đã thử viết thư tình nhưng cũng không đạt được kết quả nào tốt hơn.

Ngoài ra ở độ tuổi thiếu niên, ông cho biết mình đã thích rất nhiều cô gái, nhưng điều trớ trêu là hầu như tất cả đều trở thành bạn thân với ông. Và ông cũng không hiểu lý do gì các cô gái rất thích tâm sự với ông về mọi thứ, bao gồm chuyện tình cảm. Từ đó, dù ít có kinh nghiệm yêu đương nhưng ông có thể hiểu về cách vận hành của phụ nữ. Rất nhiều tác phẩm sau này của ông cũng lấy góc nhìn từ nhân vật nữ.

Là một người nhút nhát, kiệm lời và thường chỉ lắng nghe, nhưng ông dần nhận ra chỉ cần bắt đầu viết một câu chuyện, ông dường như sẽ đạt đến một trạng thái tự do tuyệt đối. Ông thậm chí đã viết lại những câu chuyện xung quanh mình một cách vô thức.

Tác phẩm Kẻ trộm bóng viết về sự cô đơn của tuổi thơ. Nhân vật chính là một cậu bé 12, 13 tuổi và ông kể “dường như tôi được cậu cầm tay để viết vậy. Tôi viết một mạch như thể câu truyện tuôn ra từ trái tim của mình. Cậu bé đó có một mối tình đầu trong trường tên là Elizabeth. Khi ông viết, đó là một câu chuyện do ông tưởng tượng ra. Nhưng 3 tháng sau khi cuốn sách được xuất bản, ông đã nhận một tin nhắn xuất hiện trên Facebook từ người bạn thủa xưa, Elizabeth - người đã 40 năm ông chưa gặp lại. “Và tôi cũng không nhận ra mình đã nhớ tên của những người bạn trong lớp và viết ra một cách vô thức”, tác giả kể.

Câu chuyện của cha và những người đồng đội

Trong tác phẩm Những đứa con của tự do, Marc Levy cho biết ông đã dựa trên câu chuyện của cha mình - một người lính tham gia cuộc chiến chống phát xít Đức. Tuy nhiên, ông nói thêm, mục đích của ông không nằm ở việc phải đòi hỏi một công lý nào đó cho cha mình hay cuộc chiến.

su nghiep marc levy anh 3

Nhiều tác phẩm của Marc Levy chứa đựng những kỷ niệm đáng nhớ và gây xúc động cho độc giả.

“Cha tôi là một người anh hùng trong cuộc chiến chống phát xít Đức nhưng bản thân ông không bao giờ kể việc đó với tôi. Tôi sống đến năm 20 tuổi mà không biết cha mình là anh hùng”, ông kể lại. Trong 15 đầu tiên ông đã đi tìm tài liệu, phỏng vấn những người bạn bè của cha. Ông đã không viết câu chuyện này trong thời gian đó bởi ông nghĩ rằng hẳn phải có lý do nào đó để cha ông giữ kín câu chuyện này.

Tuy nhiên, một sự kiện xảy ra vào năm 2008 đã thôi thúc ông viết nên tác phẩm này, bắt đầu bằng sự kiện bác của ông qua đời. Là một người anh hùng trong Thế chiến hai, ông được làm lễ tại nhà tang lễ Invadiles (Paris) theo nghi thức của các anh hùng nước Pháp. “Những người cùng chiến đấu với bác tôi cũng đã có mặt. Họ là những ông lão đã 70-80 tuổi, và trông có vẻ như bình thường họ cũng không muốn gặp nhau lắm bởi nỗi sợ gợi lên những ký ức đau thương. Nhưng khi họ có dịp gặp lại nhau, tôi bất ngờ cảm thấy từ trong ánh mắt họ đã hoàn toàn trở về là những câu trai trẻ 16-20 tuổi. Đó là một ấn tượng mạnh mà tôi nghĩ mình nên viết câu chuyện này thôi” – ông kể lại.

Trong Thế chiến thứ hai, có một lữ đoàn (Lữ đoàn 35) mà hầu hết đều đã hy sinh trong cuộc chiến nhưng lại không được công nhận, bởi đa số họ là những người nước ngoài đến chiến đấu và chết cho nước Pháp. Tất cả họ đều rất trẻ, từ 16-25 tuổi. Vai trò của tiểu đoàn này rất quan trọng trong cuộc kháng chiến, họ tham gia rất nhiệt tình ngay từ đầu. Nhưng sau đó họ đã không được nhắc đến.

Khoảng năm 2007, 2008, có một cuộc tranh luận trên toàn nước Pháp xoay quanh khái niệm bản sắc quốc gia là gì. Marc Levy nhớ lại đã có rất nhiều chính trị gia cánh cực hữu nói rằng tất cả điều tồi tệ trên đất Pháp là do người nước ngoài đem tới. Điều này làm cho ông cảm thấy bức xúc.

Ông nói: “Tôi buộc phải viết cuốn sách này để nói cho những người trẻ rằng họ có được cuộc sống hiện tại là nhờ có một thế hệ những người nước ngoài, những người không phải người Pháp đã hi sinh. Tôi muốn thông qua tác phẩm của mình để đặt lại vấn đề thế nào là bản sắc của một quốc gia. Bởi vì khi chúng ta chọn một đất nước để ở lại, yêu nó và cống hiến cho nó, thì chúng ta đã mang bản sắc của đất nước đó. Không phải vì tôi không phải là người Pháp mà những gì tôi cống hiến cho nước Pháp lại ít giá trị hơn những người Pháp chẳng làm gì cả".

Chàng shipper giao lưu với nhà văn Marc Levy bằng tiếng Pháp

Nghỉ giao hàng để đi sự kiện sách, chàng shipper bỗng trở nên nổi tiếng khắp cộng đồng đọc sách sau khi đặt câu hỏi bằng tiếng Pháp cho nhà văn Marc Levy.

Marc Levy: 'Nếu chỉ có 7 ngày cuối, tôi dành cả để yêu'

"Ông hoàng lãng mạn nước Pháp" Marc Levy đã có nhiều chia sẻ cùng fan Việt về câu chuyện viết lách và hứa hẹn cuốn tiểu thuyết tiếp theo của ông sẽ có chi tiết về Việt Nam.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm