Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Maradona là cầu thủ bị đốn ngã nhiều nhất'

Các đối thủ của Argentina hiểu rất rõ nếu triệt hạ được Maradona thì cũng có nghĩa đã làm giảm sức mạnh của đội tuyển Argentina. Vì vậy họ tìm cách đốn ngã Maradona.

Hành trình của đội tuyển Argentina ở World Cup lần thứ 14 diễn ra thật kỳ lạ. Một đội hình gồm nhiều cầu thủ vô địch thế giới nhưng đã già đi thêm 4 tuổi, cộng với Maradona hầu như tập tễnh suốt cả giải bởi bất cứ đối thủ nào cũng tìm cách phang vào chân anh mỗi khi có dịp.

Huấn luyện viên đội tuyển Anh Bobby Robson, người từng bị Maradona “móc túi” mất chiến thắng bởi “Bàn tay của Chúa”, có lần phải thốt lên: “Maradona là cầu thủ bị đốn ngã nhiều nhất trong tất cả những cầu thủ mà tôi từng xem thi đấu!”. Các đối thủ của Argentina hiểu rất rõ một điều là nếu như triệt hạ được Maradona thì cũng có nghĩa là đã làm giảm được sức mạnh của đội tuyển Argentina. Trong suốt 10 trận đấu giao hữu chuẩn bị trước khi giải diễn ra, Maradona chỉ ghi được một bàn thắng!

Đương kim vô địch Argentina ở cùng bảng với Liên Xô, Rumania và Cameroon. Ngay từ lúc bốc thăm chia bảng, Maradona, với bản tính không thích nói vòng vo, đã phát biểu thẳng về lễ bốc thăm: “Tất cả đều là giả vờ. Kết quả đã được quyết định từ trước. Người ta chỉ bày ra một trò đẹp mắt để kiếm lời cho RAI (hãng truyền hình nhà nước Italy) mà thôi. Tôi tin chắc như vậy. Xin lấy đầu tôi ra mà thề”. (Maradona có tính rất hay thề!)

Maradona cũng “gây hấn” với Chủ tịch FIFA, ông Havelange người Brazil, bằng cách đòi phải chi thưởng nhiều hơn cho các đội tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh này. Theo tính toán, mỗi trận đấu mang lại trung bình 3,5 triệu USD cho FIFA, trong khi mỗi đội chỉ được chia có 400.000 USD. Maradona đặt câu hỏi: “FIFA sẽ là cái gì nếu các cầu thủ không thi đấu ở giải vô địch thế giới?”

Cho dù có những chuyện cãi vã như vậy nhưng trận khai mạc giải vẫn diễn ra vào ngày 8/6/1990 trên sân vận động Giuseppe - Meazza 84.000 chỗ ngồi ở thành phố Milan. Là đội đương kim vô địch, Argentina phải thi đấu trận mở màn với Cameroon, biệt danh Những con sư tử châu Phi bất khuất.

Quả thật các cầu thủ Cameroon, những người đã chuẩn bị thể lực tốt hơn hẳn Argentina, đã chiến đấu như những con sư tử bất khuất. Được đánh giá là đội thuộc “chiếu trên” nên Argentina ào lên tiến công với hy vọng đè bẹp được đối thủ non trẻ thiếu kinh nghiệm.

Cameroon bình tĩnh tổ chức các tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp để ngăn cản Maradona cùng các đồng đội. Đây là trận đấu Maradona chơi không tốt, một phần cũng bởi riêng Maradona lúc nào cũng bị hai cầu thủ Cameron lực lưỡng kẹp chặt như nhân của chiếc bánh sandwich! Hiệp 1 kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi.

Maradona tai World Cup 1990 anh 1

Maradona luôn bị kèm chặt tại World Cup 1990. Ảnh: FIFA.

Sang hiệp 2, trong pha cản phá thô bạo một cầu thủ Argentina ở phút 65, trung vệ Kana Biyik của Cameroon bị trọng tài người Pháp Michel Vautrot rút thẻ đỏ đuổi ra khỏi sân. Nhưng trong đội Cameroon vẫn còn một Biyik nữa là Oman Biyik, người em trai kém Kana Biyik 9 tháng tuổi, chơi ở vị trí tiền đạo mũi nhọn.

Cameroon chỉ còn 10 người bắt đầu chơi co cụm trước những đợt tiến công ào ạt của Argentina. Đúng lúc ấy thì Argentina lĩnh đòn hồi mã thương chí tử: Một phút sau khi anh trai bị đuổi, nhận một đường tạt bổng vào từ cánh trái, Oman Biyik nhảy lên đánh đầu đưa bóng vào lưới thủ môn Nery Pumpido.

Các cầu thủ Argentina lồng lên phản kích với hy vọng san bằng tỷ số, trong khi Cameroon co về hết để phòng ngự bảo toàn thắng lợi. Phút 87, Claudio Caniggia, người có tốc độ nước rút cực nhanh theo bóng vượt qua hai cầu thủ Cameroon lao về phía khung thành thủ môn Thomas N’Kono, buộc hậu vệ Benjamin Massing phải phạm lỗi, chịu thẻ đỏ thứ hai. Còn lại 9 người, Cameroon vẫn kiên cường chống đỡ cho đến khi trọng tài thổi còi chấm dứt trận đấu. Argentina thua trận ra mắt 0-1!

Trong phòng thay đồ của đội Argentina sau trận đấu, tất cả các cầu thủ đều yên lặng. Maradona bình thản bác bỏ việc đổ lỗi cho thủ môn Nery Pumpido về bàn thua: “Bạn không thể đổ lỗi cho bất kỳ cầu thủ nào. Chúng tôi đã thua, có thế thôi. Cameroon thắng lợi đơn giản bởi vì họ giỏi hơn chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn cách phải thắng Liên Xô và Rumania. Tất nhiên điều đó không hề dễ dàng, nhưng chúng tôi sẽ cố quên đi thất bại này càng nhanh càng tốt”.

Các cầu thủ Argentina đã làm được việc mà người đội trưởng của họ mong muốn. Trong trận gặp Liên Xô, ông Carlos Bilardo thay tới 4 vị trí trong đội hình so với trận gặp Cameroon.

Argentina có lợi thế lớn bởi trận đấu này diễn ra ở thành phố Naples, nơi Maradona từ lâu đã trở thành vị thánh. Cứ mỗi khi Maradona có bóng, tất cả 80.000 khán giả có mặt trên sân lại gầm lên cổ vũ, át hẳn tiếng hò reo yếu ớt của một nhúm 1.200 cổ động viên Liên Xô.

Mới phút thứ 10, trong một pha cứu bóng va chạm với hậu vệ đội nhà Julio Olarticoechea, thủ môn Pumpido bị gẫy xương mác và xương ống chân, phải rời sân, nhường đôi găng thủ môn lại cho Goycochea. Không ai ngờ được rằng “sự cố” này sẽ có ảnh hưởng đến chặng đường của Argentina ở giải thế giới lần này như thế nào!

Phút 12, khi bóng bay thẳng về phía khung thành Argentina tưởng chừng như không thể cứu được, Maradona nhảy lên và dùng... tay chặn bóng! Trọng tài người Thụy Điển Eric Fredrikson, “khắc tinh” của đội Liên Xô, người từng cầm còi trận Liên Xô - Bỉ ở Mexico 86 và để cho cầu thủ Bỉ ghi ít nhất một bàn thắng ở vị trí việt vị, làm như không nhìn thấy gì, dù ông đứng cách Maradona có 4 mét!

Phút 29, nhận một đường bóng bổng câu vào trong vòng 16 m 50 của đội Liên Xô, cầu thủ Pedro Troglio nhảy lên đánh đầu đưa bóng vào lưới thủ môn Ouvarov (trận này bắt thay thủ môn nổi tiếng Dassaev bị huấn luyện viên Lobanovski cho nghỉ vì phong độ kém trong trận Liên Xô thua Rumania 0-2 ở trận đầu). Argentina dẫn 1-0.

Vào hiệp 2 được 5 phút, Liên Xô mất người do Bessonov bị trọng tài Eric Fredrikson đuổi vì dùng tay kéo áo và xô ngã một cầu thủ Argentina trong một pha nguy hiểm trước khung thành của Liên Xô. Đến phút 81, Burruchaga nhận được bóng cách khung thành của Ouvarov khoảng 7 mét, sút căng nâng tỷ số lên 2-0. Argentina thắng, nhưng thử thách vẫn còn ở phía trước.

Trong trận hoà 1-1 với Rumania sau đó, Maradona bắt đầu lấy lại được phần nào phong độ của mình. Sau hiệp 1 hòa không bàn thắng, đến phút 61 Maradona sút phạt trực tiếp, hậu vệ Rumania phá bóng ra ngoài và chính Maradona lại thực hiện quả đá phạt góc, đưa bóng vào cấm địa của đội Rumania, để Monzon nhảy lên đánh đầu đưa bóng vào góc phải cầu môn. 1-0 cho Argentina. Nhưng chỉ 7 phút sau, Rumania đã gỡ hòa từ cú đánh đầu của Balint sau đường chuyền từ Lacatus.

Argentina may mắn lọt vào vòng sau nhờ vé vớt, nằm trong số 4 đội đứng thứ ba trong bảng có thành tích cao nhất. Nhưng Maradona được đánh giá là thi đấu quá mờ nhạt, chỉ nổi tiếng nhờ là cầu thủ bị đốn ngã nhiều đến mức kỷ lục trong vòng 1.

Yên Ba / TH Books và NXB Hà Nội

SÁCH HAY