Từ ngày 6/7, hãng gọi xe công nghệ Grab bắt đầu triển khai chính sách phụ thu phí thời tiết nắng nóng gay gắt với một số dịch vụ như di chuyển, giao đồ ăn, giao hàng, đi chợ hộ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, bao gồm hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Giữa bối cảnh giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao đi kèm thời tiết khắc nghiệt, chính sách này được đánh giá sẽ giúp tài xế giảm bớt phần nào chi phí cũng như cải thiện thêm thu nhập. Dù mang ý nghĩa tích cực, chính sách mới của Grab vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến chỉ trích mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự mập mờ.
Có đúng thời điểm?
Theo phổ biến, phụ phí sẽ được áp dụng cho từng đơn hàng trong chuyến xe, đồng thời cộng trực tiếp vào giá cước ở những thời điểm nắng nóng gay gắt. Điều này đồng nghĩa nếu mức phí trên được áp dụng, người dùng sẽ là đối tượng chi trả khoản phụ thu này.
Hơn 2 ngày kể từ thời điểm thông báo, ứng dụng dẫn đầu thị phần xe công nghệ tại Việt Nam vẫn chưa làm rõ kế hoạch, cách thức triển khai. Đặc biệt, tiêu chí xác định khái niệm “thời tiết nắng nóng gay gắt”, yếu tố quan trọng quyết định sự ra đời của chính sách mới, vẫn không được giải thích cụ thể.
Hiện Zing chưa nhận được phản hồi nào của Grab xung quanh vấn đề này.
“Không rõ là hãng căn cứ vào đâu để biết thời tiết nóng gay gắt. Mấy hôm nay Hà Nội mưa dông, trời âm u nên cũng chưa anh em nào biết ‘mặt mũi’ chế độ mới. Ngoài thông tin hãng gửi thì chúng tôi cũng không nắm được thông tin gì thêm”, anh Thanh Phúc, tài xế Grab hoạt động tại Hà Nội, chia sẻ.
Mức phụ thu dao động 3.000-5.000 đồng/chuyến tùy khu vực và dịch vụ. Ảnh: Phương Thảo. |
Bên cạnh đó, lái xe này cho rằng việc triển khai phụ phí thời tiết nắng nóng của Grab quá chậm. “Suốt cao điểm hè chúng tôi không nhận được khoản hỗ trợ nắng nóng nào, giờ đã đầu tháng 7 chuẩn bị sang tháng 8, mùa bão, dông đã giúp thời tiết dịu đi nhiều”, anh nói thêm.
Vấn đề này cũng được một số tài xế hoạt động tại TP.HCM phản ánh khi các tỉnh thuộc khu vực phía Nam vẫn ở giữa mùa mưa. Do đó, việc thời tiết nắng mưa bất thường khiến tài xế băn khoăn về mức độ khả thi của chương trình hỗ trợ.
“Có thể chính sách này là chim mồi để thu hút tài mới, giữ chân tài cũ. Còn áp dụng ra sao, như thế nào thì chỉ có hãng biết. Anh em đều mong muốn Grab minh bạch thông tin”, Ngọc Dĩnh, tài xế tại TP.HCM nói.
Mù mờ về thông tin đang là tình trạng chung với phần lớn đối tác Grab. Không chỉ tài xế, nhiều khách hàng cũng thắc mắc mức phụ phí này ra sao, khi nào xuất hiện.
Bởi lẽ, mức phụ thu mới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hầu bao của khách hàng. Ngoài phụ thu thời tiết nắng nóng, Grab cũng đang triển khai song song nhiều loại phụ thu khác như chuyến xe đêm, phí nền tảng...
Chưa rõ tỷ lệ ăn chia
Mỗi hãng xe công nghệ có chính sách thu phí, thưởng khác nhau. Đối với Grab, doanh thu cuốc xe sau khi nhận từ khách hàng sẽ phải trích chiết khấu sử dụng ứng dụng, phí nền tảng, thuế (VAT và thu nhập cá nhân).
Mức chiết khấu cố định của tài xế GrabBike đang là 20%. Sau khi Chính phủ áp dụng chính sách giảm 2% VAT với nhiều dịch vụ, bao gồm vận tải, hãng cho biết tổng tỷ lệ khấu trừ trên doanh thu cuốc xe là 25,926%.
Ví dụ, sau khi hoàn thành chuyến xe có giá trị 100.000 đồng, ứng dụng sẽ nhận về 25.926 đồng, khoảng 74.000 đồng còn lại thuộc về tài xế.
Chưa rõ liệu khoản hỗ trợ trên có bị hãng trừ chiết khấu hay không. Ảnh: Phương Lâm. |
Do khoản hỗ trợ thời tiết nắng nóng gay gắt được cộng trực tiếp vào giá cước, nhiều tài xế chưa rõ khoản này sẽ chỉ thực hiện nghĩa vụ thuế hay phải gánh thêm chiết khấu 20% hoặc loại phí nào khác. Hãng cũng không đề cập chi tiết khía cạnh này.
Đây đồng thời là nỗi trăn trở của cả tài xế và khách hàng. Một số quan điểm cho rằng việc hãng vẫn thu chiết khấu có nghĩa Grab đang hưởng một phần quyền lợi của tài xế và đối tượng “tài trợ” chính là người dùng.
“Tôi sẵn lòng chịu thêm phí nếu tài xế di chuyển giữa trời nắng gắt. Nhưng khoản hỗ trợ này phải thuộc 100% về tài xế”, Phương Linh, một người dùng thường xuyên di chuyển bằng Grab (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhấn mạnh.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng Grab có trách nhiệm làm rõ kế hoạch điều chỉnh giá cước tới các bên liên quan cũng như tỷ lệ ăn chia.
Hiện nay, Nhà nước không định giá dịch vụ vận tải, do vậy Grab phải kê khai giá cước với cơ quan quản lý và triển khai đúng chính sách đặt ra. Trong trường hợp giá kê khai có bất thường, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình.