Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mạo danh công ty điện lực để lừa đảo

Tình trạng mạo danh nhân viên công ty điện lực gọi điện, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân để trục lợi xảy ra khá phổ biến, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.

Một số website mạo danh công ty điện lực để lừa đảo. Ảnh: Cục ATTT.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông - tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý.

Trước các thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, người dùng cần thường xuyên cảnh giác, bảo vệ bản thân trên không gian mạng để tránh bị lừa chiếm đoạt tài sản.

Mạo danh công ty điện lực để lừa đảo

Đối tượng lừa đảo thường giả danh nhân viên công ty điện lực, gọi điện thông báo khách hàng đang nợ tiền điện lớn và dọa cắt điện nếu không thanh toán ngay. Sau đó, chúng yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân hoặc cung cấp thông tin ngân hàng để “giải quyết nợ”.

Đối tượng còn gửi tin nhắn SMS hoặc email giả hóa đơn tiền điện, kèm đường link thanh toán hoặc tải ứng dụng giả mạo. Nếu nạn nhân truy cập link và điền thông tin, kẻ gian sẽ chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng.

Mao danh dien luc EVN anh 1

Cảnh giác chiêu trò mạo danh công ty điện lực nhằm chiếm đoạt thông tin khách hàng. Ảnh: Cục ATTT.

Trước tình hình lừa đảo, Cục ATTT khuyến cáo người dân cần đề cao cảnh giác trước thủ đoạn trên.

Nếu nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn thông báo nợ tiền điện, hãy kiểm tra thông tin trực tiếp từ công ty điện lực qua các kênh chính thức như website hoặc số tổng đài. Công ty điện lực thường không yêu cầu thanh toán gấp qua điện thoại hoặc chuyển vào tài khoản cá nhân.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng hoặc thông tin cá nhân qua điện thoại, tin nhắn, email nếu chưa chắc chắn nguồn gốc thông báo. Tránh truy cập đường link thanh toán từ tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc.

Nếu cần thanh toán hóa đơn, hãy truy cập trực tiếp vào website hoặc ứng dụng chính thức của công ty điện lực. Không tải về những app không rõ nguồn gốc để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc công ty điện lực để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Mất 400 triệu do vay tiền online

Nắm bắt tâm lý nhiều người có nhu cầu vay tiền online để phục vụ cuộc sống, các đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Công an quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) đang điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt gần 400 triệu đồng với thủ đoạn trên.

Ngày 2/10, do có nhu cầu vay tiền online, chị N. (SN 1982, ngụ quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) lên mạng xã hội tìm hiểu và truy cập một trang web vay tiền ngân hàng. Chị N. nhắn tin vay 150 triệu đồng, được một đối tượng hướng dẫn khai báo thông tin qua đường link.

Sau khi khai báo thông tin, đối tượng cho biết khoản vay được duyệt nhưng chưa thể rút do sai tài khoản, muốn sửa lỗi phải nộp 15 triệu đồng. Chị N. nộp phí nhưng vẫn không rút được tiền.

Đối tượng tiếp tục đưa ra nhiều lý do để chị N. chuyển tiền nhằm giải ngân. Sau khi chuyển tổng cộng gần 400 triệu đồng, chị N. nhận ra mình bị lừa nên trình báo cơ quan công an.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là mạo danh nhân viên công ty tài chính, ngân hàng lớn để tạo lòng tin, yêu cầu người vay đặt cọc hoặc trả trước một khoản tiền nhất định.

Mao danh dien luc EVN anh 2

Cảnh giác trước hình thức lừa đảo cho vay tín dụng đen. Ảnh: Cục ATTT.

Đối tượng dẫn dụ người dân bằng cách hứa hẹn vay nhanh, không cần chứng minh tài sản, không kiểm tra tín dụng và thủ tục đơn giản. Tuy nhiên sau khi đăng ký, họ yêu cầu người vay phải trả các khoản phí dịch vụ, phí hồ sơ nhưng sau đó không giải ngân.

Đối tượng yêu cầu tải ứng dụng cho vay trực tuyến giả mạo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, thông tin thẻ tín dụng. Sau khi điền thông tin trên app, người vay không nhận được tiền mà còn mất thông tin quan trọng.

Một số dịch vụ cho vay online ban đầu hứa hẹn lãi suất thấp, khi giải ngân lại thay đổi điều khoản, lãi suất tăng bất ngờ kèm phí phạt vô lý.

Sau khi người vay không thể trả nợ, đối tượng khủng bố tinh thần bằng cách gọi điện liên tục, nhắn tin đe dọa, thậm chí bôi nhọ danh dự của người vay trên mạng xã hội.

Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân thận trọng và cảnh giác trước quảng cáo vay tiền không thế chấp tràn lan trên mạng xã hội. Chỉ nên vay tiền từ các tổ chức tài chính, ngân hàng có uy tín và được cấp phép hoạt động.

Tránh xa các ứng dụng, website cho vay không rõ nguồn gốc hoặc không có thông tin liên hệ rõ ràng. Trước khi sử dụng dịch vụ cho vay online, tìm hiểu kỹ thông tin về công ty, đánh giá từ người dùng khác, kiểm tra trên các trang web chính thống hoặc báo chí để xác minh tính hợp pháp.

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không chuyển tiền cho đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức. Không truy cập các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu hoặc thông tin nhạy cảm.

Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần lập tức báo cáo cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Cảnh báo huy động vốn đa cấp trái phép

Mới đây, Công an tỉnh Phú Yên cảnh báo tội phạm có dấu hiệu lừa đảo kinh tế bằng hình thức huy động vốn đa cấp trái phép thông qua mua cổ phiếu, đầu tư tài chính, tiền ảo, tiền điện tử Skyway.

Skyway được giới thiệu là tập đoàn phụ trách các dự án công nghệ vận tải trên không, thành lập ở Belarus, hoạt động theo hình thức huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân thông qua hình thức mua gói cổ phần.

Tập đoàn Skyway đặt trụ sở tại nước ngoài, có văn phòng tại Việt Nam nhưng chưa được Bộ Công Thương cấp phép hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật Việt Nam từ việc giới thiệu thành viên vào hệ thống, càng giới thiệu nhiều thành viên càng nhận nhiều hoa hồng.

Mao danh dien luc EVN anh 3

Cảnh báo lừa đảo huy động vốn đa cấp trái phép. Ảnh: Cục ATTT.

Thủ đoạn của Skyway là chào bán cổ phiếu theo 15 giai đoạn để huy động vốn dự án. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà đầu tư, được hưởng cổ tức hàng tháng theo lượng cổ phần sở hữu, kèm hoa hồng khi giới thiệu người tham gia hệ thống theo mô hình kim tự tháp.

Skyway còn câu dụ nhà đầu tư bằng các loại khuyến mãi cổ phiếu 20%, 50% khi mua cổ phần; sau tối thiểu 3 năm nếu nhà đầu tư không muốn tiếp tục nắm cổ phần thì Skyway cam kết trả tiền gốc và lãi suất 4%/năm.

Cục ATTT khuyến cáo người dân thận trọng trước các lời mời đầu tư, huy động vốn với lãi suất cao bất thường so với thị trường.

Cần chủ động kiểm tra tính pháp lý của công ty trước khi tham gia, gồm giấy phép hoạt động và thông tin liên quan. Tham khảo ý kiến của các chuyên gia uy tín trước khi thực hiện đầu tư dưới bất cứ hình thức.

Lừa đảo mạo danh và chiếm tiền cọc nhà

Nhiều người dân tại Australia gần đây trình báo những email, cuộc gọi được cho đến từ đối tượng giả mạo nhân viên trung tâm chăm sóc sức khỏe Medicare. Chúng thông báo thẻ bảo hiểm y tế của nạn nhân sắp hết hạn, yêu cầu truy cập đường link được đính kèm để hoàn tất thủ tục đăng ký thẻ mới.

Sau khi nhấn vào link, nạn nhân được chuyển đến website giả mạo cổng thông tin chính thống. Trang web yêu cầu cung cấp họ tên, địa chỉ nhà, email… kèm QR để thanh toán. Với thủ đoạn này, đối tượng lừa đảo vừa chiếm đoạt tiền, vừa có thông tin cá nhân để giả mạo danh tính, đăng ký nhiều dịch vụ khác để đòi phí bồi thường, trợ cấp.

Cục ATTT khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, xác thực email hoặc số điện thoại qua cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không truy cập đường dẫn lạ, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo hướng dẫn khi chưa xác minh danh tính.

Mao danh dien luc EVN anh 4

Cảnh báo hình thức mạo danh trung tâm chăm sóc sức khỏe và chiếm đoạt tiền cọc nhà. Ảnh: Cục ATTT.

Trong khi đó, cảnh sát thành phố Nottingham (Anh) vừa bắt giữ đối tượng chiếm đoạt tiền cọc thuê nhà, khoảng 3.120 bảng Anh từ 5 hộ gia đình khác nhau.

Ban đầu, đối tượng lập tài khoản Facebook để đăng bán căn hộ, bất động sản bằng ảnh thật. Khi được liên hệ, chúng chủ động kết bạn, gửi ảnh và địa chỉ để nạn nhân tra trên Google Maps. Sau khi nhận tiền cọc, đối tượng hẹn ngày dọn vào ở rồi chặn toàn bộ liên lạc.

Trước thực trạng lừa đảo, Cục ATTT khuyến cáo người dân cảnh giác khi mua bán trên mạng xã hội. Cẩn trọng xác minh danh tính người bán, không cung cấp thông tin hoặc chuyển tiền cho những tài khoản mới lập, ít tương tác.

Khi mua hàng có giá trị cao, người dân chỉ nên thực hiện giao dịch trực tiếp hoặc thông qua các bên trung gian uy tín. Tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, thẻ ngân hàng hay mã OTP cho đối tượng lạ.

Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội

Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.

Cảnh giác fanpage mạo danh công an hỗ trợ 'lấy lại tiền bị lừa'

Nhiều trang Facebook tích xanh, mạo danh các Cục nghiệp vụ (Bộ Công an) để lừa đảo bằng thủ đoạn "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa".

Cảnh báo lừa đảo kêu gọi ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt

Lợi dụng tình hình bão số 3 gây mưa lớn và lũ quét, nhiều đối tượng xấu mạo danh Hội Chữ thập đỏ hoặc các tổ chức từ thiện uy tín, kêu gọi người dân ủng hộ đồng bào nhằm chiếm đoạt tài sản.

Giả mạo trung tâm tiếng Anh để chiếm đoạt tài sản

Với hình thức giả mạo thương hiệu, kẻ lừa đảo tạo fanpage, website giống các đơn vị uy tín, lừa người dùng chuyển tiền nhận thưởng hoặc tham gia cuộc thi.

Indonesia cung ran voi Apple hinh anh

Indonesia cứng rắn với Apple

0

Chính phủ Indonesia không chấp nhận mức đầu tư đề nghị 100 triệu USD từ Apple, tuyên bố sẵn sàng khóa IMEI nếu phát hiện iPhone 16 lưu hành trên thị trường.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm