Tên lửa Trường Chinh 5B Y4, mang theo module thí nghiệm Mộng Thiên của trạm vũ trụ, được phóng từ bãi phóng hàng không vũ trụ Văn Xương, miền Nam Trung Quốc. Ảnh: China Daily. |
Hôm 31/10, Trung Quốc đã phóng thêm tên lửa Trường Chinh 5B để đưa module thứ ba và cuối cùng lên trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong).
Một lần nữa, phần lõi trung tâm nặng 23 tấn của tên lửa sẽ rơi trở lại Trái Đất một cách mất kiểm soát. Các mảnh vỡ lớn của tên lửa sẽ rơi xuống đâu đó trên bề mặt Trái Đất, theo New York Times.
“Chúng ta lại đối mặt với điều này", Ted Muelhaupt, nhà tư vấn cho Aerospace Corporation, một trung tâm nghiên cứu phi lợi nhuận được chính phủ Mỹ tài trợ, cho biết trong cuộc họp báo hôm 2/11.
Tên lửa đẩy Trường Chinh 5B không phải là vật thể duy nhất và cũng không phải vật lớn nhất do con người tạo ra rơi từ không gian. Các mảnh vỡ của tàu vũ trụ từ một số quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, cũng đã rơi trở lại Trái Đất trong thời gian gần đây, bao gồm mảnh vỡ tàu SpaceX rơi tại trang trại cừu ở Australia vào tháng 8.
Nhưng tiến sĩ Muelhaupt và các chuyên gia khác nhấn mạnh rằng những trường hợp như vậy khác với tên lửa Trường Chinh 5B.
Mảnh vỡ của tên lửa sẽ rơi ở đâu và khi nào?
Hiện vẫn chưa ai xác định được tầng lõi tên lửa sẽ rơi trở lại đâu trên Trái Đất. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định thế giới sẽ biết điều này trong vòng vài giờ, bởi nó đang nhanh chóng quay trở lại bầu khí quyển.
Vào ngày 4/11, Aerospace Corporation dự đoán rằng tên lửa Trường Chinh 5B có thể rơi ngược lại Trái Đất lúc 7h20 (theo múi giờ miền Đông). Nếu tính toán đó chính xác, các mảnh vỡ sẽ rơi xuống phía nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, khi phần đẩy của tên lửa đang tăng tốc độ rơi khoảng 28158 km/h, sự chênh lệch, thậm chí chỉ vài phút, cũng sẽ khiến việc vị trí rơi trở lại bị chệch hướng hàng trăm km.
Tỷ lệ bị rơi trúng là bao nhiêu?
Theo các chuyên gia, điều đó phụ thuộc vào nơi sinh sống. Do định hướng của quỹ đạo, người dân sống ở Chicago hoặc một nơi nào đó xa hơn về phía bắc - bao gồm gần như toàn bộ châu Âu và nước Nga - có khả năng bị tên lửa rơi trúng bằng không.
Quỹ đạo gần đây cũng cho thấy tên lửa đã “bỏ qua” châu Á và Nam Mỹ. Tất cả người dân trên hai lục địa đó chắc chắn được an toàn.
Đối với những người ở nơi khác, tỷ lệ bị rơi trúng rất nhỏ, mặc dù không hoàn toàn bằng không.
“Bạn có khả năng trúng số cao hơn nhiều so với việc bị trúng một phần của tên lửa”, tiến sĩ Muelhaupt nói.
“Xác xuất rủi ro đối với một cá nhân là 6 trên 10.000 tỷ. Đó là một con số thực sự nhỏ”, ông cho biết. Điều đó có nghĩa nếu 10.000 tỷ tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rơi xuống, 6 trong số chúng sẽ trúng một người.
Ông đặt tỷ lệ cược tất cả, gần 8 tỷ người trên Trái Đất, sẽ sống sót mà không bị tổn thương là 99,5%.
Nhưng vẫn có 0,5% khả năng ai đó bị thương. Con số này “đủ cao để thế giới phải theo dõi, chuẩn bị và thực hiện các bước đề phòng”, tiến sĩ Muelhaupt nói.
Tại sao cần chú ý tới tên lửa Trường Chinh 5B?
Theo Jonathan McDowell, nhà thiên văn học thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), các tên lửa thường tuân thủ một trong 2 quy trình thiết kế tiêu chuẩn, gồm bộ phận đẩy nhằm hướng tên lửa vào điểm hạ cánh an toàn dưới nước, hoặc trang bị hệ thống ổn định, động cơ tái khởi động để giảm tốc độ, xoay hướng giúp chúng đáp xuống đại dương.
Inverse dẫn lời ông McDowell cho rằng tên lửa Trường Chinh 5B không được trang bị một trong 2 hệ thống trên. “Do đó, nó chỉ quay về Trái Đất một cách không kiểm soát, điều bất thường với những tên lửa hiện nay”, ông cho biết.
Trường Chinh 5B bao gồm một bộ phận đẩy trung tâm và 4 bộ phận phụ nhỏ hơn.
Giai đoạn đầu của tên lửa, phần đẩy - thường là phần lớn nhất và mạnh nhất - và ít có khả năng bị cháy hoàn toàn. Các kỹ sư đã cố gắng lập trình để các mảnh vụn của tên lửa rơi xuống đại dương một cách vô hại.
Tuy nhiên, các động cơ tăng áp của tên lửa tăng cường Long March 5B không thể khởi động lại sau khi chúng đã dừng lại, khiến động cơ tăng áp khổng lồ chuyển động theo hình xoắn ốc quanh Trái Đất trước khi hạ cánh ở một vị trí không thể đoán trước.
Các mảnh vỡ của tên lửa đã từng gây ra thiệt hại chưa?
Hai trong số ba vụ phóng Trường Chinh 5B trước đó đã kết thúc với việc những mảnh vỡ lớn bằng kim loại rơi xuống gần các khu vực đông dân cư. Mặc dù không có ai bị thương, khoảng cách rơi khá gần.
Trong lần phóng tên lửa đầu tiên, vào năm 2020, một số mảnh vỡ đã rơi xuống một ngôi làng ở Bờ Biển Ngà.
Sau lần phóng thứ ba, vào tháng 7, tầng lõi nặng 22,5 tấn của tên lửa đã rơi mất kiểm soát ở một số nơi tại Đông Nam Á.
"Mảnh vỡ lớn rơi xuống Kalimantan, Indonesia và Sarawak, Malaysia (cả hai đều nằm trên đảo Borneo). Không có báo cáo nào về tai nạn hoặc thiệt hại về tài sản", Space dẫn lời chuyên gia Jonathan McDowell.
Điều này liệu có xảy ra nữa?
Trung Quốc đã lên kế hoạch cho một vụ phóng khác vào năm tới, để đưa kính viễn vọng không gian Xuntian, có thể sánh ngang với kính viễn vọng Hubble của NASA, vào vũ trụ.
Và rất có thể những mảnh vỡ từ tên lửa và tàu vũ trụ của Mỹ cũng sẽ lại rơi trở lại đất liền, giống như bộ phận của tàu vũ trụ SpaceX được tìm thấy ở Australia.
Dù vậy, NASA cho biết các vụ phóng tên lửa sắp tới với sứ mệnh đưa con người quay lại Mặt Trăng, Hệ thống phóng tàu không gian (SLS), sẽ không gây nhiều lo lắng.
Nặng 2.866 tấn, tên lửa SLS được gọi là “phiên bản hiện đại” của tên lửa Saturn V huyền thoại từng được xây dựng trong kỷ nguyên Apollo, đưa phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đặt chân lên Mặt Trăng.
Nó dự kiến thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối tháng này. Các quan chức NASA hôm 3/11 cho biết không lâu sau khi phóng, quỹ đạo của nó được thiết kế để rơi trở lại một khu vực cụ thể không có dân cư.
“Nó nằm trong một khu vực đại dương, nơi nó sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ ai”, James Free, quản trị viên phụ trách các hệ thống thăm dò tại NASA, cho biết.
Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
“Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.