Nikola Tesla, người phát minh dòng điện xoay chiều, từng đưa ra giả thuyết về việc xây dựng mạng lưới năng lượng không dây. Ông cho rằng theo lý thuyết điện có thể được truyền tải trong không khí ở khoảng cách xa. Giả thuyết của ông chưa từng bị bác bỏ, song quá trình thực hiện sẽ hao tốn rất nhiều năng lượng và tiền bạc. Vì thế, giấc mơ của ông vẫn chưa được thực hiện.
Một trong các tháp ăng-ten của Tesla, ảnh chụp năm 1904. Ảnh: Wikimedia. |
Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học, các chuyên gia tại Mỹ cho rằng mạng 5G có thể hoàn thành mong ước của Nikola Tesla. Mạng 5G phụ thuộc nhiều vào hệ thống tháp ăng-ten. Vì vậy, chuyên gia tin rằng với một vài sự thay đổi nhỏ, 5G có thể truyền tải năng lượng vào các thiết bị điện tử. Tuy vậy, việc phát triển tính năng này sẽ tác động xấu đến môi trường và có thể gây hao phí nhiều năng lượng.
Hàng thập kỷ trước, các nhà khoa học đã phát hiện một chùm tần số vô tuyến hội tụ có thể di chuyển qua khoảng cách xa mà không cần dây điện. Mạng 5G thời hiện đại cũng được phát triển từ nguyên lý trên, trạm phát sẽ gửi kết nối mạng đến điện thoại của bạn thông qua sóng vô tuyến. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang nhắm đến việc nâng sức chứa của 5G lên gấp 1,000 lần 4G. Điều này sẽ cho phép một triệu người dùng kết nối với mạng trên một kilomet vuông.
Để phát triển việc sạc pin qua 5G, các nhà khoa học đã sử dụng một loại ăng-ten đặc biệt. Trong phòng thí nghiệm, họ đã truyền được năng lượng của 5G với khoảng cách là 2 mét. Tuy nhiên, họ tin rằng trong tương lai thiết bị sẽ truyền đi được nhiều năng lượng với khoảng cách xa hơn. Vì thế ở hiện tại, việc sạc pin điện thoại thông qua 5G là chưa thiết thực.
Tuy nhiên, để có thể truyền năng lượng qua không khí, cột ăng-ten 5G phải tiêu tốn khoảng 31 kW điện năng, tương đương với 10 ấm nước đun sôi. Hơn nữa, việc liên tục tỏa ra một nguồn năng lượng lớn có thể gây nguy hiểm cho con người khi đứng gần các trụ ăng-ten.