Bóng đá là môn thể thao thỉnh thoảng mới đi theo kịch bản. Trước mỗi trận đấu lớn, giới quan sát lẫn mộ điệu đều nhìn vào lịch sử đối đầu, phong độ gần đây, cân nhắc các toan tính chiến thuật của hai bên và cố gắng đọc vị kết quả.
Ngay cả khi toan tính đôi khi đi đúng hướng, thì tỷ số cũng không làm hài lòng phần lớn công chúng. Chính điều ấy khiến trận Derby Manchester càng trở nên đáng nhớ: Nó quá dễ đoán.
MU của Solskjaer nhận 17 bàn thua sau 11 trận tại Premier League mùa này. Ảnh: Reuters. |
Bạn không cần là Paul Scholes để nhìn trước chuyện sẽ diễn ra tại Old Trafford: Ole Solskjaer sẽ điều chỉnh đội hình MU lùi sâu với sơ đồ 3-5-2, hệ thống giúp nhà cầm quân này giữ ghế ở 2 trận gần nhất và có thể là thêm cả vài tháng nữa. Trong khi đó, Man City sẽ tiếp cận trận đấu hệt như trước Chelsea, đối thủ mạnh hơn MU nhiều lần, bằng khả năng kiểm soát bóng thượng thừa, pressing dồn dập và giành chiến thắng.
Bảng tỷ số có thể không phản ánh đúng những gì diễn ra trên sân khi đội khách bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhưng chung quy mọi thứ về cơ bản đều đúng: Man City quá mạnh so với MU.
Vấn đề không nằm ở hệ thống chiến thuật. Bởi MU từng thắng Man City bằng sơ đồ 3-5-2. Trước khi thắng Tottenham 3-0 hồi tuần trước, lần cuối MU đá với sơ đồ 3-5-2 tại Premier League là tháng 3/2020, khi họ đánh bại Man City 2-0 với sơ đồ không quá khác biệt so với hôm thứ 7.
Brandon Williams đá hậu vệ trái, Luke Shaw thay Eric Bailly đá trung vệ lệch trái. Nemanja Matic đá thay Scott McTominay, trong khi 2 tiền đạo là Daniel James và Anthony Martial. Về cơ bản, cách vận hành chiến thuật này có thể hoạt động.
Nhưng sự khác biệt lúc này nằm cả ở bối cảnh. Sơ đồ 3 trung vệ khi ấy là kế hoạch cụ thể của MU khi họ đã sử dụng trong vài tháng. Lúc này, hệ thống 3-5-2 chỉ là cái cọc để Solskjaer bấu víu vào trong cuộc khủng hoảng. Ông đưa MU trở lại với hệ thống này, và cầu trời để mọi thứ hoạt động.
Không ai tin đây sẽ là lối chơi lâu dài của MU. Bởi nếu đá với sơ đồ này, chỉ một người trong số Marcus Rashford, Mason Greenwood và Edinson Cavani sẽ ra sân từ đầu. Jadon Sancho, chữ ký MU đã theo đuổi suốt 18 tháng trước khi chi 73 triệu bảng, thậm chí sẽ mất chỗ.
Đây là phương án chỉ áp dụng cho những trận đánh lớn? Có thể. Nhưng MU đã không sử dụng hệ thống này suốt 18 tháng. Vậy phương án linh hoạt kiểu gì, khi đột nhiên "Quỷ đỏ" đá 3 trận liền với sơ đồ này tại Premier League lẫn Champions League?
Sự hỗn loạn tại MU đang ảnh hưởng tới cầu thủ. 18 tháng trước, Aaron Wan-Bissaka chơi xuất sắc trước Man City, tắc bóng thành công 8 lần, góp công lớn vào chiến thắng 2-0. Tại Old Trafford tối 6/11, hậu vệ này mắc sai lầm liên tục, từ đỡ bóng hỏng, đứng sai vị trí đến bị đối thủ vượt qua.
Harry Maguire và Luke Shaw đang sa sút khó tin so với chính họ của mùa giải trước hay tại Euro 2020 cùng tuyển Anh. Còn Eric Bailly? Bàn phản lưới của trung vệ này có thể là hệ quả của điểm yếu hấp tấp, nhưng nếu là thế, vậy vì sao MU còn gia hạn hợp đồng với Bailly thêm 3 năm?
Quan điểm về Bailly của Solskjaer được thể hiện rõ qua quyết định đưa Maguire đá chính trước Leicester dù trung vệ này mới chỉ tập một buổi sau khi bình phục chấn thương. Nếu như tất cả còn nhớ, MU đã thua với những sai lầm tới từ chính Maguire, còn Bailly ngồi cả trận trên ghế dự bị.
Trung vệ người Bờ Biển Ngà chơi tốt trước Atalanta, song thành tội đồ trước Man City. Giờ đây, Bailly cùng Donny van de Beek và Jadon Sancho trở thành những biểu tượng của kế hoạch nhân sự hỗn loạn tại MU.
Sau khi Jose Mourinho bị sa thải, những kế hoạch bổ nhiệm giám đốc thể thao để giúp MU có triết lý xuyên suốt trong việc tuyển dụng nhân lực đã được đề cập liên tục. Nhưng mọi chuyện lúc này đang không khác gì quá khứ.
Ronaldo nâng tầm hay kéo lùi MU? Ảnh: Reuters. |
Kế hoạch này dường như trôi vào quên lãng sau khi Solskjaer được bổ nhiệm làm HLV chính thức. Có phải MU cho rằng tiếng vọng của quá khứ, thứ vô hiệu hóa độc tính Mourinho mang lại, sẽ là đủ để MU tiến lên? Điều gì sẽ tiếp diễn sau đây? MU có kế hoạch cụ thể nào không?
MU đã để tuột mất Antonio Conte, như cách lỡ Thomas Tuchel hay Mauricio Pochettino. Tiếng vọng từ quá khứ hay biểu tượng cũ không thể giúp MU tiến bộ. Tuy nhiên, công bằng thì ít nhất Solskjaer cũng giúp MU biết cách phòng ngự.
Mùa trước, MU giữ sạch lưới trong 6 trận đấu tại Premier League khi phải đối đầu với Man City, Chelsea và Liverpool. "Quỷ đỏ" của Ole thắng 4 trong 9 trận đối đầu với Pep Guardiola. Đó không phải những thông số của HLV bị nghi ngờ về tài năng.
Vậy điều gì đã diễn ra? Vì sao MU để lọt lưới 7 bàn sau 2 trận đấu tại Premier League, nơi "Quỷ đỏ" hoàn toàn bị đối thủ nghiền nát về chiến thuật?
Câu trả lời quá rõ ràng: Cristiano Ronaldo, người được mang về từ nỗ lực của Sir Alex Ferguson và những cựu cầu thủ của MU chỉ trong 12 giờ. Ronaldo ghi rất nhiều bàn, giải cứu MU trước đội đứng thứ 13 tại La Liga (Villarreal), đứng thứ 5 tại Serie A (Atalanta) và còn trừng phạt những đội bóng như Newcastle hay Aston Villa.
Nhưng CR7 không giúp MU đủ vững vàng. "Quỷ đỏ" phải thay đổi hoàn toàn hệ thống từng giúp họ trở nên chắc chắn trong các trận đánh lớn, để tin vào khoảnh khắc bùng nổ của CR7.
Không nghi ngờ gì, Ronaldo là động lực lớn để MU duy trì bộ máy đào di sản cũ để đem bán. Những bàn thắng vào phút chót của CR7 là lời nhắc nhở với phần còn lại rằng MU từng là đội bóng như thế này.
Nhưng điều ấy có giúp MU trở lại những ngày vinh quang ấy? Câu trả lời là không. Với những nhân sự như Bailly, Fred..., với Ole Solskjaer trên ghế huấn luyện và cả đội ngũ lãnh đạo này, MU không thể trở lại với vinh quang mà họ cứ cố gắng tái hiện một cách tạm bợ thông qua những phút lóe sáng của CR7.