Bình luận
Câu lạc bộ vĩ đại Man United bây giờ còn lại gì, ngoài hư danh níu kéo từ vàng son quá khứ.
Sir Alex Ferguson từng gọi Man City là “gã hàng xóm ồn ào” và cũng từng khẳng định Man City sẽ không bao giờ có thể che lấp nổi Man Utd.
Điều ông nói là đúng, nếu soi chiếu trên tương quan so sánh danh hiệu suốt chiều dài lịch sử của 2 CLB. Nhưng nếu chỉ nói về sức mạnh, thành tích của giai đoạn 10 năm trở lại đây, rõ ràng Man City đang che lấp Man Utd mất rồi.
Hàng thủ tệ hại
Trước trận derby, trước báo chí, Ole Solskjaer đã nói: "Tôi nghĩ chúng tôi là CLB số một ở thành phố Manchester và có thể cũng là số một trên thế giới". Và cái CLB số một ấy đã chơi thế nào trước Man City không còn ồn ào nữa. Họ mờ nhạt hoàn toàn, bế tắc, bộc lộ nhiều sơ hở và thực tế, nếu không có phản xạ của De Gea, họ rất có thể đã có trận thua tan nát.
Xuất phát với Bailly - Lindelof - Maguire, có vẻ như Solskjaer muốn ổn định lâu dài với hệ thống phòng ngự 3 trung vệ. Trên lý thuyết, hệ thống này có thể tạo ra hàng thủ 5 người đủ sức bao quát cả chiều ngang sân mỗi khi bị đối phương uy hiếp.
Trong khi đó, khi có bóng, hệ thống hàng thủ 3 trung vệ cũng giúp đội bóng có nhiều nhân sự hơn ở trên tuyến tấn công cũng như có hình dạng phù hợp hơn cho việc triển khai bóng từ tuyến dưới.
Sự chênh lệch quá lớn về trình độ giữa Varane với các đồng đội ở hàng thủ MU. Ảnh: Reuters. |
Nhưng trên thực tế, Man Utd không vận hành được như thế. Bao quát chiều ngang sân khi phòng ngự? Họ không làm được khi phòng thủ với 5 người. Bàn mở tỷ số của Man City và hàng loạt pha cứu thua của De Gea đều bắt đầu từ những khe hở giữa các hậu vệ của họ với nhau, đặc biệt là giữa Wan-Bissaka và Bailly.
Khả năng nhận biết nhanh tình thế để kiểm soát tốt khoảng không quanh mình của hàng thủ Man Utd quá kém cỏi. Nếu không có De Gea, thực tế Man Utd hoàn toàn có thể thủng lưới 5 lần ngay trong 45 phút đầu tiên.
Triển khai bóng bế tắc
Man Utd vốn dĩ đã không có nhiều bóng trước Man City, nhưng mỗi khi đoạt lại được bóng, tuyến dưới của họ triển khai bóng quá chậm chạp, rườm rà, thiếu ý tưởng và luôn bị đối thủ đoạt lại bóng nhanh chóng.
Chúng ta cũng phải thừa nhận Man City đã tổ chức phòng ngự sớm, đón lõng bắt bài phản công quá tốt nhờ vào sự năng động của Silva, Cancelo, Rodri, De Bruyne, nên sau mọi pha tấn công bất thành, Man City đều giành lại ngay quyền kiểm soát ở ngay phía phần sân của đối thủ để tiếp tục tạo áp lực tấn công đợt mới.
Lý do khiến hàng thủ Man Utd triển khai bóng không tốt cũng do chính hàng tiền vệ của họ di chuyển thiếu sáng tạo, không khai thác được các khoảng trống thuận lợi cho đồng đội chuyền bóng. Và khi Man City có bàn mở tỷ số, việc họ vẫn gia tăng áp lực tấn công tưởng như sẽ vẫn giữ lợi thế chơi phòng ngự phản công, nhưng Man Utd không tài nào triển khai ý đồ ấy được bởi họ có bóng đâu mà chờ đợi phản công.
Cú bắt volley xuất sắc của CR7 tưởng như khiến Man Utd bừng tỉnh trở lại, nhưng kết cục không khá hơn là bao. Cơn bừng tỉnh chỉ kéo dài dăm phút không khác gì cái hồi quang phản chiếu của một người sắp từ trần. Man Utd bế tắc hoàn toàn trước đối thủ có hệ thống vận hành tốt hơn mình rất nhiều.
Và Solskjaer đã làm gì trong lúc khó khăn đó? Ông thay người để lại xoay về 4-2-3-1, không khác gì cách ông đã làm trước Atalanta hôm giữa tuần. Nó không mang lại đột biến nào, bởi nó không có gì mới, lạ và đủ gây bất ngờ cho đối phương. Và ở trận đấu này, mọi hơn - kém giữa Man Utd và Man City, giữa Solskjaer và Pep, đều bộc lộ ra hết.
Ronaldo không nhận được nhiều sự hỗ trợ từ hàng tiền vệ. Ảnh: Reuters. |
Pep có gì trong tay? Đội hình mạnh nhưng thực tế ông ta không có một trung phong xuất sắc như các đội bóng lớn khác. Nhưng Man City vẫn luôn có cơ hội ghi bàn rõ rệt và nguy hiểm. Solskjaer thì sao? Ông có những tay săn bàn tốt hơn đồng nghiệp của mình.
Nhưng tại sao cơ hội ghi bàn của Man Utd lại ít ỏi thế? Ở đây không phải là vấn đề của cá nhân con người đơn thuần mà là câu chuyện của hệ thống. Hệ thống nào hoàn thiện hơn, hệ thống nào khoa học hơn, hệ thống nào vận hành sáng tạo hơn, hệ thống đó dễ mang lại bàn thắng hơn.
“Tôi nghĩ chúng tôi là CLB số một ở thành phố Manchester và có thể cũng là số một trên thế giới”, Solskjaer nói điều đó rất chuẩn. Đúng là Man Utd vẫn là CLB số một, nhưng đó là số một về thương hiệu.
Nếu Solskjaer dùng từ “đội bóng số một”, chắc chắn nhiều người sẽ phản ứng ngay đối với phát biểu này. Đội bóng thể hiện trên cầu trường, CLB thể hiện trên thị trường. Man Utd là CLB có thương hiệu số một toàn cầu, nhưng họ không còn là đội bóng được liệt vào hạng số một nước Anh nữa rồi.
Và để Man Utd có thể trở thành CLB có thương hiệu số một, đã rất nhiều thế hệ phải bồi đắp và xây dựng thương hiệu ấy nhờ vào các danh hiệu. Khi chỉ còn thương hiệu mà không còn danh hiệu, nó sẽ chỉ là thứ hư danh mà thôi.
Và người ta không thể sống mãi với hư danh níu kéo từ quá khứ, bởi CLB còn cả tương lai phía trước. Thế hệ hôm nay phải mang lại danh hiệu để duy trì thương hiệu cho thế hệ tương lai chứ không chỉ để lại một thứ hư danh ẩn chứa trong đó là quá nhiều day dứt.