Tháng 1/2016, Apple lần đầu giới thiệu Night Shift, tính năng giảm ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện thoại/tablet giúp bảo vệ mắt khi sử dụng thiết bị trong bóng tối. Sau Apple, nhiều nhà sản xuất Android cũng dần trang bị tính năng tương tự.
Tuy nhiên, nghiên cứu vừa được công bố bởi Đại học Manchester (Anh) cho thấy Night Shift không giúp bảo vệ mắt, thậm chí còn gây hại.
Night Shift không giúp bảo vệ mắt như nhà sản xuất quảng cáo. Ảnh: Inverse. |
Theo Mashable, nghiên cứu được tiến hành trên loài chuột, dựa trên nguyên lý đơn giản: chúng ta nhìn thấy nhiều ánh sáng vàng vào ban ngày (Mặt Trời) và màu xanh vào chiều tối (hoàng hôn). Do đó, cơ thể chúng ta sẽ ngầm hiểu ánh sáng xanh gắn với buổi tối.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tác động của ánh sáng xanh lên nhịp điệu sinh học của chuột thấp hơn so với ánh sáng vàng.
Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra kết luận tương tự về tác động của ánh sáng vàng đối với con người.
"Nghiên cứu cho thấy sử dụng ánh sáng có màu lạnh vào buổi tối và ánh sáng ấm vào ban ngày sẽ có lợi hơn", Tiến sĩ Tim Brown, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Nghiên cứu cũng cho thấy độ sáng màn hình mới là yếu tố tác động lên đồng hồ sinh học nhiều hơn màu sắc ánh sáng.
Như vậy, có lẽ hầu hết nhà sản xuất đã lừa dối chúng ta về chế độ màn hình vàng, nếu nghiên cứu trên được kiểm chứng chính xác.