Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Messi muốn rời Barca

TL;DR

Man City lại khiêu chiến UEFA nếu mua Messi

Bỏ hàng trăm triệu euro để chiêu mộ một cầu thủ là lời thách thức tiếp theo mà Man City gửi đến Luật Công bằng Tài chính (FFP) của UEFA.

Gần hai tháng trôi qua kể từ khi Tòa án Trọng tài thể thao (CAS) hủy bỏ án phạt cấm Man City dự cúp châu Âu của UEFA.

Messi den Man City anh 1

Nửa xanh thành Manchester dường như chưa có dấu hiệu dừng lại trên thị trường chuyển nhượng, nhất là khi họ tiếp tục thất bại ở Champions League.

Vào tháng 7, phán quyết của CAS cho thấy những lỗ hổng của FFP, bộ luật từng được kỳ vọng mang lại công bằng cho bóng đá hay chống lại tầm ảnh hưởng của các tỷ phú dầu mỏ.

“Man City không gian lận trong các hợp đồng tài trợ, nhưng sai khi không hợp tác với UEFA”, thông báo của CAS có đoạn viết. “Sau nhiều phiên điều trần, hội đồng của CAS cân nhắc và đưa kết luận Man City vi phạm điều 56 của FFP và phải nộp phạt 10 triệu euro cho UEFA, trong 30 ngày kể từ phán quyết của CAS”.

CAS công nhận tính hợp pháp của các hợp đồng tài trợ “ma” mà Man City đã dùng để lách FFP.

Ngay sau khi Man City giành chiến thắng trong vụ kiện với UEFA, nửa xanh thành Manchester dường như có những động thái thách thức FFP trên truyền thông.

Messi den Man City anh 2

Messi có thể trở thành quả bom chuyển nhượng lớn nhất hè 2020 của bóng đá thế giới. Ảnh: Getty.

Thông điệp của người UAE

Truyền thông Tây Ban Nha và Anh tiết lộ HLV Pep Guardiola được cấp ngân sách mua sắm lên tới 330 triệu euro trong mùa hè 2020. Đó không khác gì lời tuyên chiến với các CLB lớn châu Âu, những người bị Pep chỉ trích thẳng mặt là "chơi không đẹp".

Cuối tháng 7, CAS tiết lộ danh sách các đội nộp đơn xin can thiệp và phản đối bất kỳ quyết định có lợi nào cho Man City. Đó là 9 đội bóng tại Premier League gồm Arsenal, Burnley, Chelsea, Leicester, Liverpool, Man United, Newcastle, Tottenham và Wolves. Ở châu Âu, Juventus, Real, Barca hay Bayern là những CLB muốn UEFA xử Man City.

Chính vì thế, việc Man City tiếp tục vung tiền mua sắm mạnh mẽ chẳng khác gì thông điệp khiêu khích với phần còn lại. Nói như lời Giám đốc Simon Pearce về vấn đề FFP trong một bức email nội bộ của Man City thì "chúng ta có tiền, chúng ta muốn làm gì chả được".

Hè này, Man City đã chốt hai thương vụ Nathan Ake và Ferran Torres với tổng giá trị 88 triệu euro. Dù vừa bán Leroy Sane cho Bayern với giá 45 triệu euro (có thể lên tới 60 triệu euro khi hoàn tất các điều khoản phụ), nửa xanh thành Manchester vẫn đang lỗ hơn 130 triệu euro trên thị trường chuyển nhượng (theo thống kê từTelegraph).

Chưa kể Messi, Man City dự tính chi từ 80-90 triệu euro để chiêu mộ trung vệ Kalidou Koulibaly từ Napoli. Nếu siêu sao người Argentina đến Etihad, khoản thâm hụt mà đội bóng chi cho việc mua sắm cầu thủ sẽ là khổng lồ.

Henderson, chuyên gia tài chính thể thao từ trường Đại học Manchester, đánh giá thương vụ Messi ngay trong hè 2020 có thể tiêu tốn của các CLB từ 500 đến 700 triệu euro.

Telegraph phân tích bất kỳ một đội nào muốn sở hữu Messi trong đội hình đều tốn ít nhất nửa tỷ euro. Con số này bao gồm phí chuyển nhượng trả cho Barca (nếu có), tiền lót tay, thu nhập cho cầu thủ và nhiều chi phí khác.

Mỗi năm Messi nhận 60,3 triệu euro lương cơ bản (tương đương mức 988.000 bảng/tuần), 10 triệu euro tiền bản quyền hình ảnh, 14,5 triệu euro tiền thưởng. Messi sẽ nhận khoản phí trung thành lên tới 133 triệu euro trong 5 năm hợp đồng.

Tổng chi phí cho Messi nếu tính cả số tiền trung thành lên tới 111,4 triệu euro/năm. Ở tuổi 33, Messi được cho là sẽ yêu cầu một bản hợp đồng có thời hạn ít nhất là 3 năm.

Nếu Messi ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do, anh có quyền đòi mức thu nhập cao hơn, hay cũng phải ngang bằng với mức mà Barca hứa hẹn trong hợp đồng mới vào năm ngoái.

Ở tuổi 33, giá trị của Messi trên thị trường chuyển nhượng chắc chắn giảm dần qua mỗi mùa giải. Man City không thể trông đợi vào việc thu hồi vốn từ bán cầu thủ trong tương lai.

Những MU, Barca hay Bayern chắc chắn không ngồi yên nhìn Messi cập bến Etihad. Các ông chủ UAE của Man City đứng trước thách thức phải tiếp tục sử dụng các thủ thuật tài chính nhằm lách FFP.

Messi den Man City anh 3

Tổng thu nhập một năm Messi đang nhận tại Barcelona. Đồ họa: Minh Phúc.

Man City lách FFP thế nào?

Ngày 1/9, Giám đốc thể thao Inter Milan, Piero Ausilio thừa nhận khả năng CLB Serie A chiêu mộ Messi là không tưởng. “Hãy nhìn vào những con số, Messi là thương vụ không tưởng với chúng tôi”, Ausilio nói trên Sky Italy. “Lúc này chúng tôi đang tập trung vào các bản hợp đồng miễn phí”.

Trước đó một tuần, CEO Karl-Heinz Rummenigge của Bayern cũng khẳng định việc nhà đương kim vô địch Champions League mua Messi là hoang đường. “Những con số tài chính trong vụ Messi quá sức với Bayern”, Rummenigge nói.

Nửa tỷ euro cho Messi là một thương vụ đầy rủi ro với mọi CLB lớn trên thế giới, trong thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh như hiện tại. Chỉ có Man City và PSG, hai CLB có khả năng “phù phép” tài chính nhờ sự hậu thuẫn của hai quốc gia dầu mỏ, là sẵn sàng đánh cược.

Đội chủ sân Etihad phải cân nhắc kỹ nếu muốn mua Messi. Giải pháp đầu tiên họ tính đến là cân bằng ngân sách trên thị trường chuyển nhượng.

Để chiêu mộ Messi, Man City cần lên phương án bán cầu thủ để tránh thâm hụt. John Stones, Eric Garcia, Gabriel Jesus hay thậm chí Bernardo Silva là những cái tên được Man City liệt vào diện thanh lý.

Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện tại, “The Citizens” khó mà thu số tiền lớn nhờ bán cầu thủ. Nửa xanh thành Manchester nhiều khả năng sẽ phải dùng thủ thuật cũ để đảm bảo cân bằng tài chính trong vụ Messi.

Vào năm 2014, Giám đốc Tài chính Jorge Chumillas đã viết trong một email nội bộ, lo lắng về việc Man City thiếu 9,9 triệu bảng (11,2 triệu euro) so với giới hạn thâm hụt tối đa của FFP.

Các ông chủ người UAE giải quyết bằng cách ký thêm hợp đồng tài trợ từ các công ty của Abu Dhabi để tăng lợi nhuận.

Theo điều tra của Der Spiegel, Man City tìm cách xóa bỏ một số hạng mục sinh lỗ trong báo cáo tài chính của đội bóng. Nói cách khác, Man City đã “phù phép” sổ sách.

“Các ông chủ của Man City sẵn sàng chịu mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền, miễn là qua mặt được UEFA”, Der Spiegel phân tích.

Vấn đề bản quyền hình ảnh của cầu thủ là một ví dụ. Tại Anh, hợp đồng lao động tiêu chuẩn của Premier League quy định các CLB chỉ có quyền sử dụng hình ảnh của cầu thủ trong giới hạn.

Các CLB vì thế thường cố gắng đạt được thoả thuận khai thác một phần (hay toàn bộ) bản quyền hình ảnh của các cầu thủ trong hợp đồng giữa hai bên.

Các ông chủ Abu Dhabi lập ra một công ty tên Fordham Sports Management, nắm bản quyền hình ảnh các cầu thủ Man City. Sau đó, họ bán cổ phần công ty con cho một công ty ngoài.

Khoản tiền bán cổ phần này được tính vào doanh thu cho Man City. Năm 2014, báo cáo tài chính của Man City ghi nhận khoản lợi nhuận 32 triệu euro từ việc bán cổ phần này.

Lúc này, công ty bên ngoài nắm quyền sử dụng hình ảnh cầu thủ, nên họ phải trả tiền cho cầu thủ, chứ không phải Man City. Messi là một thương hiệu bóng đá lớn, vì vậy Man City hoàn toàn có thể xây dựng một giải pháp tương tự với cầu thủ.

Ông Jorge Messi, cha của Leo không xa lạ gì trước các thủ thuật này. Người đại diện cho Messi từng chịu án tù treo 12 tháng và bị phạt 12 triệu euro vì trốn thuế. Các chiêu bài của Man City thậm chí còn ở mức độ tinh vi hơn (vì thế mới thuyết phục được CAS) những gì cha con Messi từng làm.

Giáo sư tài chính Robert Wilson từ trường đại học Sheffield Hallam phân tích giá trị bản quyền hình ảnh cực lớn của Messi sẽ mang lại cho Man City nhiều lợi thế để lách FFP.

"Messi có thể nhận 20% tổng thu nhập của mình tại CLB mới thông qua bản quyền hình ảnh", Wilson phân tích. Cầu thủ có thể nhận lương thấp hơn, nhưng được các công ty "ma" của Abu Dhabi đảm bảo lợi ích trọn vẹn.

Các ông chủ người UAE còn một giải pháp khác thông qua “hệ sinh thái” City Football Group.

Messi den Man City anh 4

Đội hình của Man City sẽ trở nên cực mạnh nếu có Messi. Đồ họa: Minh Phúc.

“Hệ sinh thái” City Football Group

Với 78% vốn từ Abu Dhabi, City Football Group là tập đoàn kinh doanh bóng đá toàn cầu khi có cổ phần ở 9 CLB trên khắp thế giới.

Nhờ vậy, truyền thông Anh tin rằng Man City đã đề nghị Messi một hợp đồng “trọn đời”. Sau khi chơi bóng tại Premier League 2 hoặc 3 mùa, Messi có thể sang MLS chơi cho New York City, CLB anh em với Man City đến khi giải nghệ.

Messi có thể nhận một mức lương thấp hơn bình thường tại sân Etihad, nhưng cao hơn tại New York City. Leo vẫn được Man City đảm bảo lợi ích tài chính nhờ tiền bản quyền hình ảnh hay các hợp đồng tài trợ từ UAE.

Đây chính là chiêu PSG từng sử dụng để chiêu mộ Neymar.

Quỹ Đầu tư Thể thao Qatar mời Neymar làm đại sứ hình ảnh cho World Cup 2022, với giá trị của bản hợp đồng lên tới 355 triệu USD trong 5 năm.

Vào năm 2017, Neymar được cho đã dùng một phần trong số tiền này để trả 222 triệu euro phí giải phóng hợp đồng cho Barca. Đó là lý do giúp PSG tránh khỏi việc vi phạm FFP.

Một thủ thuật khác mà Man City có thể học CLB nước Pháp, đó là chính sách mượn cầu thủ.

Cũng trong mùa hè 2017, PSG còn chiêu mộ Kylian Mbappe từ AS Monaco. Tuy nhiên, vì đã chuẩn bị ký hợp đồng với Neymar, PSG thuyết phục được Monaco cho mượn Mbappe với điều khoản bắt buộc mua đứt trị giá 180 triệu euro.

Nhờ thế, PSG không bị UEFA xử phạt vì FFP chỉ tính lỗ lũy kế trong 3 mùa giải liên tiếp.

Thông qua City Football Group, người UAE thậm chí có thể chiêu mộ Messi thông qua New York City (đội bóng đang chơi tại giải MLS), sau đó CLB Mỹ sẽ cho Man City mượn ngược lại cầu thủ.

Đây là một giải pháp có phần điên rồ, thậm chí mang tính nhạo báng UEFA lẫn các đại gia của lục địa già. Tuy nhiên, với cá tính của các ông chủ Man City, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.

Năm 2017, người Qatar từng thay đổi cuộc chơi bằng quả bom Neymar. Khi được trao cơ hội, người UAE chắc chắn không muốn bỏ lỡ. Họ có đủ năng lực để làm điều đó.

Aguero lắc lư theo nhạc khi được hỏi về Messi Trong vai trò streamer, chân sút người Argentina có hành động đầy ẩn ý khi được người hâm mộ hỏi về tương lai của Lionel Messi.

Barca giải bài toán sau thời kỳ Messi

"Thời hậu Messi, Barca sẽ chẳng bao giờ giống như trước", nhà báo Sid Lowe của The Guardian viết.

Nửa tỷ euro để mua Messi là một canh bạc

Man City, Man Utd hay PSG là những đội bóng sẵn sàng bổ sung Messi cho đội hình, nhưng họ sẽ gặp nhiều rào cản về mặt tài chính.

Messi muốn rời Barca

Thanh Sơn

Bạn có thể quan tâm